Ngành Hải quan tạo dấu ấn trong thực thi Nghị quyết 19

PV.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Nguyễn Văn Cẩn cho biết, ngành Hải quan đã thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ (nghị quyết 19-2015/NQ-CP, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 36a/NQ-CP). Nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về cải cách thủ tục hành chính, ngành Hải quan đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tạo dấu ấn trong cải cách thủ tục hải quan

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống Hải quan cả nước thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năm 2016, ngành Hải quan đã tích cực đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong lĩnh vực Hải quan và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Năm 2016, ngành Hải quan đã thực hiện hiệu quả kết nối 1 cửa Quốc gia với 10 Bộ và thực hiện được hải quan điện tử trên 148 thủ tục hành chính cụ thể với DN và người dân. Một cửa Quốc gia cùng với Một cửa ASEAN đã tạo ra một nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Cùng với đó, thời gian thông quan hàng hóa đã giảm được đáng kể theo kế hoạch đề ra, đồng thời cũng chỉ rõ được thời gian thông quan hàng hóa ở các khẩu, từ đó Chính phủ đã có chỉ đạo trong công tác kiểm tra chuyên ngành.

Bên cạnh công tác triển khai mở rộng cơ chế một cửa tại cảng biển, TCHQ đang chủ trì cùng các bộ, ngành triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng hàng không quốc tế được triển khai từ 1/3/2017. Đến nay, TCHQ đã công nhận 700 doanh nghiệp là đại lý hải quan; công nhận chế độ ưu tiên đối với 57 doanh nghiệp, chiếm 25,7% kim ngạch xuất nhập khẩu...

Việc thực hiện thủ tục hải quan tiếp tục được ngành Hải quan đơn giản hóa nhờ việc triển khai giám sát hải quan theo quy định Điều 41 Luật Hải quan với 9 DN kinh doanh cảng, giúp giảm thời gian thông quan, tăng hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát và ngăn chặn hiện tượng đưa hàng chưa được phép ra khỏi khu vực giám sát.

Đồng thời, ngành Hải quan cũng đã hướng dẫn và xử lý kịp thời các vướng mắc đối với loại hình gia công, nhập nguyên liệu SXXK, DN chế xuất; chấn chỉnh công tác quản lý hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập; xử lý hàng hóa tồn đọng là lốp xe đã qua sử dụng với 1.140 container tại Hải Phòng và 493 container tại TP. Hồ Chí Minh; triển khai 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tập trung tại cửa khẩu; xây dựng và thí điểm cổng thông tin KTCN tại cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất và Chi cục Chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Trong công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ hải quan, năm 2016, Tổng cục Hải quan đã triển khai 46 dịch vụ công trực tuyến, nâng số TTHQ ở mức độ 3 lên 119/168 TTHC, chiếm 71%, trong đó 114 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 4, chiếm gần 68%. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ hải quan đã góp phần quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho thương mại, tăng tính minh bạch, giảm thiểu giấy tờ, giảm thời gian thông quan, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực quản lý nhà nước về hải quan, là động lực để đẩy mạnh cải cách hành chính theo yêu cầu của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 36a/NQ-CP.

Đồng bộ các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 19/2017

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 60 giờ đối với hàng hóa XK, 80 giờ đối với hàng hóa NK, toàn ngành Hải quan quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Kế hoạch đề ra.

Theo đó, Hải quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật Thuế XK, thuế NK; Luật Hải quan 2014. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Nâng cao hiệu quả công tác KTCN đối với hàng hóa XNK. 

Trong đó, chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi văn bản QPPL liên quan đến quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực hải quan. Cụ thể, chủ động, phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh việc sửa đổi hệ thống các văn bản QPPL về KTCN theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hoá XNK”. Xây dựng và ban hành đầy đủ danh mục các mặt hàng thuộc diện KTCN theo hướng thu hẹp diện KTCN, chi tiết mã số HS; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng KTCN làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đồng thời, đẩy mạnh, khuyến khích tổ chức đánh giá sự phù hợp tham gia thực hiện KTCN đối với hàng hóa XNK theo hướng xã hội hóa để bổ sung cơ sở kiểm tra, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của hoạt động XNK, tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Đổi mới phương pháp KTCN theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Mở rộng thực hiện KTCN với các địa điểm kiểm tra tập trung tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN: Tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa giai đoạn 2016-2020; củng cố và triển khai mở rộng đối với các thủ tục đã tham gia Cơ chế một cửa quốc gia; triển khai mới các thủ tục của các bộ, ngành tham gia Cơ chế một cửa quốc gia; triển khai thanh toán điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; triển khai sử dụng các chứng từ điện tử được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan; triển khai mở rộng hệ thống e-Manifest đối với tất cả cảng biển và cảng hàng không trên toàn quốc và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.

Phối hợp với các ngân hàng thương mại mở rộng thanh toán điện tử theo Thông tư số 184/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục về kê khai, bảo lãnh tiền thuế, thu nhập tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí, các khoản thu khác, đối với hàng hoá XNK, quá cảnh và phương tiện XNC, quá cảnh. Xây dựng Cơ chế kiểm soát về xuất xứ, bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ, chế độ quản lý đối với các loại hình hàng hoá, phương tiện vận tải phù hợp cam kết theo đúng lộ trình.

Đặc biệt, cơ quan Hải quan đang từng bước triển khai cung cấp có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, phấn đấu đến cuối năm 2017, bảo đảm 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 và 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.