Tham vấn Hải quan phía Nam về dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 38
Ngày 14/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chủ trì hội thảo tham vấn các Cục Hải quan khu vực phía Nam về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và dự thảo thông tư về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính triển khai phù hợp với yêu cầu chung của cải cách nền hành chính quốc gia; minh bạch, đơn giản hóa thủ tục về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK; thống nhất, phù hợp với quy định của luật, giảm thiểu đầu mối văn bản, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thông tư cũng đã tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS), qua đó 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc, thu hút hơn 63.000 doanh nghiệp, chiếm 99,52% tổng số doanh nghiệp tham gia XNK.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh PV. |
Theo đó, để hoàn thiện dự thảo Thông tư, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường đề nghị các đơn vị hải quan tham gia ý kiến tập trung vào các quy định mới như: hồ sơ hải quan; thời điểm thông báo phân luồng hàng hóa; khai bổ sung hồ sơ hải quan; điều kiện đưa hàng về bảo quản; các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa… cũng như chế tài xử lý.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho rằng, Điều 16 quy định về hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan cần bổ sung thêm: Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing List) trong trường hợp hàng hóa đóng gói không đồng nhất, nhiều chủng loại để phục vụ cho việc kiểm tra thực tế hàng hóa; Giấy đăng ký kiểm tra hàng hóa chuyên ngành; Giấy giới thiệu trong trường hợp người đi làm thủ tục được chủ hàng ủy quyền.
Đồng thời, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung nên xem lại quy định hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất khi làm thủ tục phải cung cấp bản photocopy hợp đồng mua bán hàng hóa XNK. Bởi điều này không phù hợp thực tế, trước đây đã bải bỏ. Doanh nghiệp không thể có hợp đồng xuất khẩu khi làm thủ tục tạm nhập vì chưa tìm được khách hàng.
Tương tự, tại điểm d1 khoản 2 Điều 19 dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thì phải có giấy phép trước khi đăng kí tờ khai hải quan là trái với quy định của các bộ, ngành.
Hiện nay, giấy phép nhập khẩu tự động doanh nghiệp nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan không giới hạn cụ thể thời điểm nộp. Giấy phép tự động là hình thức thông báo về lượng hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp cho các cơ quan bộ, ngành biết để có thông tin về kim ngạch nhập khẩu phục vụ cho chính sách điều hành của Chính phủ chứ không phải là giấy phép cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Liên quan đến quy định về việc đưa hàng hóa về bảo quản, đại diện Cục Hải quan Bình Dương cho rằng, quy định địa điểm kiểm tra chuyên ngành phải trang bị hệ thống camera giám sát kho, bãi có chia sẻ hình ảnh với cơ quan Hải quan. Đồng thời địa điểm phải được Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác nhận sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hải quan địa phương cũng không đủ lực lượng để giám sát toàn bộ hệ thống camera. Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương kiến nghị, nên tiếp tục để doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Đồng thời, những doanh nghiệp đã được cơ quan Hải quan cho mang hàng về bảo quản như trước đây thì tiếp tục thực hiện. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị giao thẩm quyền xác nhận kho, bãi đủ điều kiện giám sát cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện.
Cùng quan điểm này, đại diện Cục Hải quan Bình Định, Cục Hải quan Đắk Lắk cho rằng việc trang bị hệ thống camera giám sát kho bãi cũng như xây dựng khu vực hàng rào kiên cố ngăn cách tại các địa điểm kiểm tra chuyên ngành rất khó thực hiện nhất là đối với các đơn vị hải quan có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ làm thủ tục XNK. Mặt khác, nếu áp dụng theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải đi thuê kho bãi đủ tiêu chuẩn sẽ phát sinh thêm chi phí, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Liên quan đến việc khai thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa hàng hóa nhập khẩu, đại diện một số cục hải quan đề xuất bỏ quy định “giấy phép của bộ, ngành cho phép thay đổi mục đích sử dụng”, bởi vì không rõ là cơ quan nào cấp và tất cả trường hợp chuyển loại hình đều phải xin giấy phép cho phép thay đổi mục đích sử dụng gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan.
Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về các nội dung, như: xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; công tác kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, năng lực gia công, sản xuất; nộp báo cáo quyết toán…