Ngành tái chế nhựa có thể thu được hàng tỷ USD mỗi năm
Việt Nam đang lãng phí khoảng 2,9 tỷ USD mỗi năm do thất thoát 75% giá trị vật liệu nhựa do không thu gom, tái chế và xử lý đúng cách.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Worldbank), hàng năm, ước tính có khoảng 2,8 đến 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam, trong đó khoảng 10% trong số này đổ ra đại dương. Dự kiến, tỷ lệ phát sinh chất thải trên toàn quốc của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030.
Theo kịch bản thông thường, Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP Việt Nam) ước tính rò rỉ nhựa vào các tuyến đường thủy của Việt Nam có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 nếu tiếp tục duy trì tỷ lệ thu gom, tái chế, và xử lý chất thải chưa đáp ứng được nhu cầu như hiện nay. Vì vậy, điều cốt yếu đối với Việt Nam ngay từ bây giờ là phải có những hành động tích cực để giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Trong Báo cáo Nhân rộng sáng kiến cho tuần hoàn nhựa với đầu tư vào ASEAN của Worldbank hồi tháng 6/2024, tổ chức này ước tính 4 nước thuộc khối ASEAN có thể mất 8,9 tỷ USD mỗi năm do không thu hồi được khoảng 80% giá trị vật liệu nhựa. Trong đó, Việt Nam mất 2,9 tỷ USD do thất thoát 75% giá trị vật liệu nhựa. Số liệu này cập nhật đến năm 2021, tính toán dựa trên tỷ lệ 67% rác nhựa giá trị cao không được thu gom và một phần nhựa tái chế mất giá hay thất thoát trong sản xuất.
Trên thực tế, cơ hội cho thị trường nhựa tái chế tại Việt Nam hiện nay là khá lớn. Đầu tiên, cần kể tới khung pháp lý khá toàn diện về quản lý chất thải rắn, quản lý phế liệu nhựa nhập khẩu, giảm thiểu rác đại dương, Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện nền kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Đặc biệt, cơ chế bắt buộc về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng lực tái chế và phát triển thị trường minh bạch hơn.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đưa ra các quy định về việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn và thực thi phân loại tại nguồn sẽ làm tăng tỷ lệ thu gom và năng lực phân loại, đây là một trong những khâu quan trọng để tái chế nhựa.
Bên cạnh hành lang pháp lý, theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng về phế liệu nhựa và dư địa về đầu tư công nghệ, là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp tái chế chất thải nhựa.
Theo ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam, năm 2023, nước ta nhập khẩu 7,5 triệu tấn hạt nhựa. Cộng với khoảng hơn 2 triệu tấn sản xuất trong nước thì tổng lượng hạt nhựa trong nước lên tới gần 10 triệu tấn. Cùng với đó, mức tiêu thụ nhựa của nước ta tăng khoảng 15%/năm. Tuy nhiên, mới chỉ có 33% số nhựa trên được tái chế.
Ngoài ra, hiện nay, nhà sản xuất ngày càng tăng nhu cầu về thay thế nhựa nguyên sinh bằng vật liệu tái chế. Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay cơ bản đã có nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến tái chế chất thải nhựa. Theo khảo sát, trên 50% doanh nghiệp hiểu biết về quy định liên quan đến tái chế chất thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP…
Một tín hiệu đánh mừng nữa là hiện nay, khoảng 67% doanh nghiệp tái chế nhựa (thuộc khu vực chính thức) có trình độ công nghệ từ mức khá trở lên. Các doanh nghiệp khảo sát đều có hệ thống xử lý môi trường (khí thải, nước thải) và ký hợp đồng với bên thứ ba để xử lý chất thải. Và hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách các nhà tái chế đạt tiêu chuẩn thực hiện chính sách EPR, trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp tái chế nhựa.
TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ngành tái chế nhựa Việt Nam đang có dư địa rất lớn. Việt Nam là một nước đang phát triển, cơ sở quản lý chất thải chưa tốt, tái chế tại các làng nghề đang còn ô nhiễm. Và vẫn chưa có một ngành công nghiệp tái chế chính thức thực sự lớn mạnh nên việc thực thi ban đầu sẽ gặp không ít khó khăn.
“Tuy nhiên, qua thực thi chính sách chúng ta sẽ hình thành một nền công nghiệp tái chế chính quy, dần lớn mạnh như kỳ vọng”, ông Thắng chia sẻ.