Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:
Ngành Tài chính đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Đất nước
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2023 của Bộ Tài chính chiều ngày 19/12, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Tài chính đạt được trong năm 2022, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của Đất nước.
Phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả
Phân tích về bối cảnh của năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm qua nền kinh tế đã chịu tác động lớn đến từ tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội thế giới và khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ...
Trong bối cảnh khó khăn đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp; sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%); các cân đối lớn được đảm bảo; mặt bằng giá được giữ ổn định; đời sống của người dân được đảm bảo... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô; không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Những kết quả này cho thấy sự cố gắng của toàn Đảng, toàn Dân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành Tài chính.
"Trong khó khăn chung của Đất nước, ngành Tài chính đã bình tĩnh, đoàn kết, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phối hợp cùng các cấp, các ngành, địa phương đúc kết kinh nghiệm, phân tích kỹ tình hình để đưa ra các giải pháp triển khai nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao; từ đó phản ứng chính sách nhanh, kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, chính sách tài khóa được kết hợp hài hòa, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác trong điều hành kinh tế vĩ mô", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Nhờ đó, trong năm 2022, cơ cấu thu ngân sách có những chuyển biến tích cực; Các nhiệm vụ chi NSNN cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn; Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo; Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu theo hướng bền vững...
Nhắc tới công tác chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã "đi trước, đi sớm", chuyển đổi mạnh mẽ trong toàn Ngành, giúp giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng thu ngân sách từ cải cách trong quản lý thuế; chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Giữ vững đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt trong điều hành
Nhấn mạnh năm 2023 còn nhiều thời cơ thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn, trong khi đó, đây là năm bản lề vô cùng quan trọng để thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, ngành Tài chính cần nỗ lực hơn nữa, đặc biệt trong việc tham mưu chiến lược liên quan đến chính sách tài chính, NSNN, chủ động đưa ra chính sách phù hợp, tiếp tục dự báo để không bị động, bất ngờ; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí; có ứng xử phù hợp với tình hình thực tế gắn liền với quyền hạn chức năng được giao... Nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược, không để bất ngờ về các vấn đề tài chính - NSNN như: xu hướng phát triển các thị trường, giá cả, thị trường xuất nhập khẩu...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt trong điều hành; kịp thời, hiệu quả trong phản ứng chính sách; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tạo ra được động lực hoàn thành nhiệm vụ.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính trong năm 2023 còn rất nặng nề, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Tài chính cần căn cứ quan điểm, nhiệm vụ của Chính phủ để xây dựng quan điểm, nhiệm vụ của Ngành và triển khai thực hiện hiệu quả, khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh, tài chính tiền tệ của Quốc gia. Bộ Tài chính cần tập trung ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, trong đó, có cân đối thu – chi; giảm bội chi, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục lắng nghe ý kiến địa phương, các bộ, ngành, đặc biệt là liên quan đến vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để hoàn thiện thể chế, linh hoạt theo thực tiễn. Đặc biệt, tăng đầu tư phát triển, xây dựng cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực trong xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư; kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển...
Đồng thời, quản lý thị trường đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu của người dân trong dịp lễ Tết, phối hợp với chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Với những thành quả, truyền thống và kết quả đã đạt được trong năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng toàn ngành Tài chính sẽ có kết quả, thành tích năm 2023 cao hơn, tốt hơn trong năm 2022.