Ngành Thuế đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định sản xuất, kinh doanh
Trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp bám sát diễn biến thực tế, tăng cường đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa nhằm giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân duy trì sản xuất, phát triển ổn định, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.
Kịp thời, đồng bộ trong các biện pháp hỗ trợ về thuế
Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế đã tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, nhiều chính sách thuế được ban hành đã tác động đến cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế theo chiều hướng tích cực, từng bước góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế.
Các biện pháp hỗ trợ về thuế đưa ra đã đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, được triển khai thực hiện quyết liệt; có những biện pháp chưa có tiền lệ, lần đầu được áp dụng ở Việt Nam.
Trong đó, có thể kể đến việc sử dụng đồng thời các biện pháp để giảm trực tiếp nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, nhất là cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và các biện pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để xử lý vấn đề về dòng tiền cho người nộp thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước trong năm.
Đặc biệt, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai hoá đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa của ngành Thuế và ngành Tài chính.
Số liệu cho thấy, đến nay, trên cả nước 100% số doanh nghiệp đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử và 100% hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử, với tổng số hoá đơn điện tử đã được phát hành là trên 2,1 tỷ hóa đơn.
Triển khai thành công hoá đơn điện tử đã tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của cơ quan thuế, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội.
Tiếp tục đề xuất các chính sách về gia hạn thuế với quy mô lớn hơn
Năm 2023, nguồn thu nội địa dự kiến phải đối mặt nhiều biến động do kinh tế Việt Nam chịu nhiều sức ép từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới. Bộ Tài chính xác định sẽ tiếp tục đề xuất các chính sách về gia hạn thuế với quy mô lớn hơn năm 2022.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu.
Việc triển khai, những chính sách này sẽ tạo áp lực không nhỏ trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2023, song Tổng cục Thuế xác định sẽ quyết tâm vượt khó và tạo mọi điều kiện hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người nộp thuế.
Toàn ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước và quy định pháp luật thuế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hóa đơn điện tử...
Song song với đó, cơ quan Thuế tiếp tục xây dựng dự án quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn; nâng cấp hệ thống phần mềm, cải tiến, mở rộng các dịch vụ hỗ trợ trả lời tự động, hỗ trợ tuyên truyền phổ biến kiến thức giúp người nộp thuế có đầy đủ thông tin để thực hiện về nghĩa vụ thuế.
Cơ quan Thuế cũng sẽ xây dựng hệ thống kết nối trao đổi dữ liệu từ các bộ, ngành, ngân hàng và các tổ chức liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế; hệ thống chia sẻ dữ liệu dùng chung để cho phép người dùng có thể khai thác, sử dụng dữ liệu quản lý thuế theo chính sách, quy định hiện hành...