Ngành Thuế quyết tâm hoàn thành mức cao nhất thu ngân sách nhà nước năm 2023
Báo cáo của Tổng cục Thuế tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 19/12/2022 khẳng định, ngành Thuế sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị thu NSNN năm 2023.
Cơ cấu thu ngân sách ngày càng vững chắc
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự nỗ lực quyết tâm của cơ quan Thuế các cấp, kết quả thu ngân sách do ngành Thuế quản lý đạt kết quả ấn tượng, đóng góp lớn cho số thu của toàn ngành Tài chính.
Cụ thể, thu ngân sách năm 2022 do cơ quan thuế quản lý ước vượt 24,3% dự toán, tăng 8,5% so với năm 2021, và chiếm tỷ trọng trên 82% trong tổng thu ngân sách quốc gia. Có 62/63 địa phương, và 17/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt dự toán. Năm 2022 cũng là lần đầu tiên ghi nhận, 2 thành phố trọng điểm của cả nước là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đạt số thu trên 300.000 tỷ đồng, cùng với đó, 30 tỉnh, thành phố đã đạt số thu trên 10.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh ước đạt 694.800 tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ, và trở thành nguồn thu chủ yếu của hầu hết các địa phương. Điều này cho thấy, cơ cấu thu ngân sách đang chuyển dịch theo hướng ngày càng vững chắc, và là từ nội lực của nền kinh tế.
Năm 2022, dấu ấn nổi bật của ngành Thuế chính là thành công trong công tác điện tử hóa, số hóa trong quản lý thuế mà trọng tâm là hóa đơn điện tử. Đây là nội dung luôn dành được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính. Ngay từ ngày đầu triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố, ngày 21/11/2021, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tới dự và chỉ đạo ngành Thuế.
Đến thời điểm mở rộng triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, ngày 21/4/2022, trực tiếp đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát động, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc. Theo đó, từ ngày 01/7/2022, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn, đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Việc triển khai thành công hóa đơn điện tử đã góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động, đồng thời thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và nền kinh tế. Đến nay, đã có trên 2,1 tỷ hóa đơn điện tử được phát hành.
Ngành Thuế cũng đã triển khai chương trình hóa đơn may mắn với trên 2.700 giải thưởng, để khuyến khích và dần tạo thói quen cho người dân lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và tăng sự minh bạch, chống gian lận về thuế.
Kết quả thu ngân sách 2022 đạt cao, còn có đóng góp từ công tác quản lý thu, chống thất thu qua thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ thuế. Trong đó, thu qua thanh tra, kiểm tra đạt trên 59.000 tỷ đồng, thu hồi nợ thuế ước đạt 39.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngành Thuế đã triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh chuyển nhượng bất động sản. Chỉ tính riêng số thu liên quan đến bất động sản trong năm 2022 ước đạt được hơn 41.000 tỷ đồng, tăng hơn 20.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021, Góp phần quan trọng trong tổng thu ngân sách vượt dự toán như đã báo cáo ở trên...
Tổng cục Thuế cho rằng, có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, trong đó có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng. Kết quả trên còn có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương, các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.
Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất thu NSNN năm 2023
Nhằm khẳng định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, Tổng cục Thuế đã đề ra 10 nhiệm vụ và 22 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ triển khai kịp thời, đồng bộ đến cơ quan thuế các cấp, trong đó tập trung hoàn thành nhiệm vụ chính trị thu NSNN năm 2023, được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế, là 1.373.244 tỷ đồng.
Đồng thời, ngành Thuế tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về thuế của Quốc hội, Chính phủ để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, qua đó tạo nguồn tăng thu bền vững cho NSNN.
Về hóa đơn điện tử, toàn Ngành tập trung xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, đối soát dữ liệu, quản lý rủi ro, phòng chống gian lận về mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn điện tử, chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Tập trung triển khai thành công hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, loại hình hóa đơn áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng, như các siêu thị, nhà hàng, chuỗi nhà hàng ăn uống, cửa hàng tiện ích…
Bên cạnh đó, toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Cổng thương mại điện tử xuyên biên giới, Cổng thông tin kết nối dữ liệu điện tử với các sàn thương mại trong nước, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Bên cạnh đó, đẩy nhanh thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý thuế, và tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, theo hướng đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế...