Ngành Thuế sẽ tạo bước đột phá mới trong chuyển đổi số trong năm 2022
Với việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý thuế, nhất là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) như lộ trình đã đề ra, hoàn toàn có thể kỳ vọng trong năm nay, ngành Thuế sẽ tạo bước đột phá mới trong chuyển đổi số. Đây cũng là mục tiêu của Chiến lược cải cách cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 đã được Tổng cục Thuế xây dựng và triển khai trong thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, công tác hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng HĐĐT là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021.
Nhìn lại thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đã xây dựng, trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các nghị định và thông tư hướng dẫn, tạo ra hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, hành lang pháp lý rõ ràng về HĐĐT.
Tổng cục Thuế cũng đã khẩn trương, quyết liệt triển khai, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như: Đầu tư máy móc thiết bị, nâng cấp đường truyền, xây dựng phần mềm ứng dụng, thành lập các trung tâm điều hành tại Tổng cục Thuế và 6 cục thuế triển khai giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021-3/2022) là: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Thành lập Ban chỉ đạo triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và Ban chỉ đạo tại 6 tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai hệ thống HĐĐT của Tổng cục Thuế ngày 21/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, ngành Thuế đã rất chủ động trong việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Nhiều ứng dụng CNTT đã được ngành Thuế áp dụng vào công tác quản lý thuế.
Trong đó, việc ngành Thuế đưa HĐĐT vào áp dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế; vừa tiết giảm chi phi hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), điều này đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cơ quan thuế, mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Bộ Tài chính là một trong những cơ quan tiên phong, triển khai tích cực chuyển đổi số, thích ứng hiệu quả với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, hỗ trợ đắc lực trong cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính quốc gia. Trong số những lĩnh vực chuyển đổi số quan trọng của Bộ Tài chính, phải kể đến lĩnh vực thuế, nhất là đối với HĐĐT. Quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và công nhận tính pháp lý của HĐĐT trong giao dịch dân sự - kinh tế, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được xem là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm trong chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc ngành Thuế đưa HĐĐT vào áp dụng theo quy định của Luật Quản lý thuế cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ điện tử. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Giai đoạn 2021-2025 được nhận định là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương trong chuyển đổi số.
Trả lời báo chí mới đây, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận xét, cơ quan Thuế đã đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật, để đảm bảo việc hướng dẫn thực thi, cũng như hệ thống hóa, xâu chuỗi các văn bản liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế trên hệ thống Internet. Thêm vào đó, là tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế có thể tiếp cận được với các văn bản, nghị định, hướng dẫn quy trình tương đối cụ thể, giúp người đóng thuế chỉ cần thông qua Internet là có thể nắm được các trình, tự mình chuẩn bị và thậm chí là nộp văn bản qua hệ thống Internet. Chính điều này đã tạo ra tính công khai, minh bạch trong hướng dẫn cũng như thực thi chính sách thuế.
PGS., TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, gần như 100 % người nộp thuế đã thực hiện được kê khai, tính thuế và nộp thuế qua hệ thống điện tử. Chính điều này đang làm giảm đi một cách rất nhanh chóng thời gian đóng thuế của các chủ thể, mà như đánh giá của một số tổ chức quốc tế thì đã giảm 80% thời gian về tiếp cận và đóng thuế của các doanh nghiệp, đây là một sự tiến bộ cực kỳ lớn mà ngành Thuế đã đạt được.
Theo ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế), có thể khẳng định, chuyển đổi số là điều ngành Thuế đã và đang tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, cái vướng hiện ngành Thuế đang gặp phải là CNTT phải đáp ứng theo các quy trình quản lý hiện hành. Đây là khó khăn chung mà nhiều cơ quan, đơn vị gặp phải.
Cục trưởng Cục CNTT phân tích rõ, trong điều kiện môi trường chuyển đổi số chưa hoàn thiện, cách nhìn của xã hội về thuế còn nhiều khác biệt. Do vậy, điều quan trọng là phải nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, xem xét khả năng các giải pháp CNTT làm được những gì để sau đó mình điều chỉnh các quy định cho phù hợp, linh hoạt và tự động hóa tối đa. Điều này có nghĩa là nghiệp vụ phải thay đổi, tư duy phải thay đổi theo các giải pháp công nghệ chuẩn mực, từ đó CNTT mới có thể hỗ trợ tốt nhất, tạo thuận lợi và tăng trải nghiệm cho người nộp thuế.
Năm 2021, theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, ngành Thuế được các doanh nghiệp đánh giá là có nhiều cải cách thủ tục hành chính điện tử ấn tượng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiết kiệm thời gian và công sức.