Ngành Thuế Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo nhiều dấu ấn quan trọng

Tổng cục Thuế

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, tinh thần quyết tâm, triển khai quyết liệt của toàn hệ thống Thuế, sự phối hợp, ủng hộ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến các địa phương cùng sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng người nộp thuế, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ được giao trong năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao Bằng khen của Thủ tướng và Cờ thi đua của Bộ Tài chính cho Tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao Bằng khen của Thủ tướng và Cờ thi đua của Bộ Tài chính cho Tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thuế

Năm 2022, ngành Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thuế trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, chưa có tiền lệ. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ; Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Đây chính là nền tảng thuận lợi để ngành Thuế triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao.

Kết quả thu ngân sách vượt trội

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế đã nỗ lực vượt khó, chủ động và linh hoạt triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ được giao; chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn, khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh; chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu ngân sách; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu, khai thác tăng thu, thu hồi nợ đọng thuế, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT).

Ngay từ cuối năm 2021, để triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5093A/TCT-DT ngày 24/12/2021 về việc triển khai dự toán thu ngân sách năm 2022, trong đó chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Thuế DN lớn tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, tổng thu NSNN cả năm 2022 do ngành Thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán pháp lệnh (vượt 285.200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu dầu thô ước đạt 72.900 tỷ đồng, bằng 258,5% dự toán pháp lệnh (vượt 44.700 tỷ đồng), tăng 63,3% so với cùng kỳ năm 2021; thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán pháp lệnh (vượt 240.500 tỷ đồng), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021...

Đối với các khoản thu, sắc thuế, có 17/19 khu vực hoàn thành vượt mức dự toán, trong đó đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt 115,7%; Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 108,1%; Khu vực công-thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%… Có 13/19 khu vực có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021, như: Thu từ khu vực DNNN tăng 8,7%; Thu từ khu vực DN có vốn ĐTNN tăng 2,5%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 1,4%; Thuế TNCN tăng 24,6%; Lệ phí trước bạ tăng 21,3%; Thu tiền sử dụng đất tăng 13,2%... ; 63/63 địa phương đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, trong đó có một số địa phương đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Với kết quả trên, Tổng cục Thuế tiếp tục khẳng định và nối dài thành tích liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN, góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Kết quả này cũng minh chứng cho loạt giải pháp quyết liệt, hiệu quả mà toàn Ngành đã triển khai trong năm.

Tích cực số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, cải cách hành chính mạnh mẽ

Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN, ngành Thuế còn đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác khác.

Xây dựng văn bản pháp luật và triển khai  Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030

Trong năm 2022, Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Trình Bộ Tài chính ban hành 02 Thông tư sửa đổi bổ sung một số quy định về chính sách thuế, quản lý thuế.

Việc ban hành kịp thời những văn bản pháp luật này đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, bình đẳng, hỗ trợ kịp thời NNT bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện tốt mục tiêu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Ngành Thuế đã hoàn thành việc xây dựng “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”. Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022. Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành Thuế trong 10 năm tới.

Để thực hiện thắng lợi Chiến lược, Tổng cục Thuế đã xây dựng 13 đề án thành phần theo các lĩnh vực công tác thuế; Trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2438/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Quyết định số 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 về Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.

Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược thành các giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể hàng năm theo từng lĩnh vực then chốt của công tác thuế sẽ tạo cơ sở vững chắc để toàn Ngành tổ chức triển khai thực hiện thành công Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Triển khai kịp thời các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế

Cùng với việc tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ về thuế cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng cục Thuế đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ, đảm bảo đưa chính sách vào cuộc sống. Công tác phổ biến pháp luật thuế, quản lý thuế tiếp tục được đẩy mạnh qua hình thức điện tử phù hợp xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của NNT. Tổng cục Thuế đã tổ chức chương trình hỗ trợ trực tuyến hướng dẫn khai thuế, quyết toán thuế năm 2021 và hỗ trợ trực tuyến hóa đơn điện tử (HĐĐT) cũng được triển khai theo hình thức trực tuyến, qua đó thu hút trên 15.000 người truy cập, theo dõi và 169.000 lượt tương tác trực tiếp trong mỗi chương trình.

Trong năm 2022, Hệ thống 479 kênh Hỏi - Đáp tiếp tục được nâng cấp, toàn Ngành đã tiếp nhận 6.252 câu hỏi, đã trả lời 5.798 câu, đạt tỷ lệ 84%. Cơ quan thuế đã gửi thư điện tử để cung cấp thông tin cho NNT với hơn 4,9 triệu lượt thư; thực hiện hỗ trợ giải đáp được hơn 788.000 lượt cho NNT thông qua zalo, fanpage của Cơ quan thuế; tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến NNT, tổ chức hơn 600 buổi đối thoại theo hình thức trực tiếp với hơn 166.000 người tham gia. 16 buổi đối thoại theo phương thức điện tử được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) các Cục Thuế tiếp nhận trên 1.600 câu hỏi, đã giải đáp hơn 1.500 câu hỏi. Đặc biệt, Hội nghị đối thoại thường niên về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan do Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã được NNT đánh giá cao, khi nhiều vấn đề vướng mắc đã được giải đáp kịp thời.

Nỗ lực đa dạng hóa công tác tuyên truyền hỗ trợ không những giúp NNT nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, mà còn tạo điều kiện để DN và người dân nhanh chóng tiếp cận với các cơ chế, chính sách thuế. Trong năm 2022, toàn ngành Thuế đã tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và DN, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số trên 186.000 tỷ đồng. Việc thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được đánh giá là có tác động tích cực, được cộng đồng DN, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp DN có thêm nguồn lực ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Số hóa toàn diện công tác quản lý thuế, cắt giảm  nhiều thủ tục hành chính thuế

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng thể chế của ngành Thuế, nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thời gian, chi phí cho DN và NNT. Trong năm qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, ngành Thuế luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong năm 2022, toàn ngành Thuế đã cắt giảm 70 TTHC, giảm từ 304 TTHC năm 2021 xuống còn 234 TTHC (tỷ lệ giảm 23%), trong đó hầu hết các TTHC đạt mức độ 3, 4 và đã hoàn thành tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân và DN trong việc thực hiện các TTHC về thuế.

Đặc biệt là trong năm 2022, bên cạnh việc tiếp tục duy trì cung cấp dịch vụ khai, nộp, hoàn thuế điện tử đối với DN đạt trên 99,9%, ngành Thuế tiếp tục thực hiện triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile đã hỗ trợ NNT, đặc biệt đối với NNT là cá nhân có thể thực hiện việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế hoàn toàn trên môi trường điện tử thông qua thiết bị di động thông minh như điện thoại, Ipad mà không phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giúp tiết giảm chi phí đi lại cho NNT, qua đó góp phần xây dựng một xã hội số minh bạch hơn, thuận tiện. Tính đến nay, đã có 234.004 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 113.697 giao dịch với tổng số tiền khoảng 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã thực hiện phối hợp với Bộ Công an triển khai tích hợp mã số công dân, kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) về dân cư với CSDL quản lý thuế đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mã định danh làm mã số thuế, đã hoàn thành kết nối, khai thác 5 dịch vụ của CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an cung cấp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Với việc triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi, cải cách TTHC thuế trong năm 2022, Tổng cục Thuế là đơn vị được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đối số xuất sắc” tại lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022 với giải pháp “HĐĐT - giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển đổi số”. Giải thưởng này đã thể hiện, Tổng cục Thuế là một trong những cơ quan nhà nước đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, với các sản phẩm chuyển đổi số có tác động sâu rộng, lan tỏa đến đời sống của người dân, DN.

Triển khai vượt tiến độ hóa đơn điện tử  trên phạm vi toàn quốc

Một trong những điểm nhấn của ngành Thuế trong năm 2022 đó là triển khai thành công HĐĐT trên toàn quốc. HĐĐT được đánh giá là cú hích cải cách công tác quản lý thuế, giúp DN cải thiện và phát triển môi trường kinh doanh, từ đó làm lành mạnh, minh bạch hóa nền tài chính nước nhà.

Ngày 21/4/2022, hệ thống HĐĐT chính thức được phủ sóng toàn quốc. Nhiều cuộc họp trực tuyến bàn kế hoạch triển khai liên tiếp được thực hiện với sự thống nhất cao và chỉ đạo xuyên suốt từ Tổng cục Thuế đến từng Cục Thuế và mỗi cán bộ nhân viên trong Ngành. Ngoài tập huấn trang bị kiến thức cho công chức thuế, người nộp thuế, từng Cục Thuế còn chủ động phối hợp với các Tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT để chuẩn bị các giải pháp và cơ sở hạ tầng CNTT đáp ứng quy định về cung cấp dịch vụ HĐĐT cho người nộp thuế. Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tháng 7/2022, hệ thống HĐĐT đã triển khai thành công trên 63 tỉnh, thành cả nước.

 Có thể khẳng định, HĐĐT đã góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách TTHC, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đẩy mạnh sự phát triển TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.

Bằng nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, thống nhất, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai HĐĐT vượt tiến độ hơn 2 tháng theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung. 100% số DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng HĐĐT và 100% hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển sang sử dụng HĐĐT với tổng số HĐĐT đã được phát hành là trên 2,1 tỷ hóa đơn.

Hiện Tổng cục Thuế đã sẵn sàng triển khai chính thức hệ thống HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc. Đây sẽ là tiền đề để giúp hoàn thiện hệ thống HĐĐT của ngành Thuế một cách toàn diện trong năm 2023.

Với mục tiêu khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn, cũng như tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa/dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan thuế trong cả nước đã báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai Chương trình “Hóa đơn may mắn” từ lựa chọn ngẫu nhiên mã HĐĐT. Đến nay, 63/63 Cục Thuế tỉnh, thành phố đã tổ chức trao giải hóa đơn may mắn, đã có 2.703 giải thưởng đã được lựa chọn, với tổng giá trị giải thưởng đã trao cho các cá nhân người tiêu dùng khoảng 6 tỷ đồng.

Với thành tích trên, Thủ tướng Chính phủ đã có những ghi nhận, biểu dương và ban hành Quyết định số 54/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 tặng Bằng khen cho Tổng cục Thuế. Đặc biệt, hiệu quả sâu rộng của giải pháp HĐĐT đã giúp Tổng cục Thuế được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đối số xuất sắc” tại lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022.

Đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số

Nỗ lực liên tục cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý đã đem đến cho NNT thêm nhiều tiện ích. Năm 2022, Tổng cục Thuế đã công bố và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) thêm một lần khẳng định quyết tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế Việt Nam nói riêng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa nền tài chính quốc gia, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số của ngành Tài chính và của Quốc gia. Tính đến tháng 12/2022, đã có 41 nhà cung cấp nước ngoài lớn trên khắp thế giới đã đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế với tổng số thuế đã kê khai, nộp thuế là 3.177 tỷ đồng. Trong đó một số NCCNN kê khai, nộp thuế lớn như: Meta (Facebook), Google, TikTok; Microsoft, eBay…).

Ngoài ra, để đáp ứng cho việc tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) theo quy định Nghị định số 91/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã xây dựng Cổng dữ liệu thông tin TMĐT và vận hành, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT. Cổng dữ liệu thông tin TMĐT đáp ứng các yêu cầu về tiếp nhận bản kê khai dữ liệu của sàn giao dịch TMĐT trong trường hợp sàn TMĐT thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn TMĐT. Cổng dữ liệu thông tin TMĐT cũng tiếp nhận thông tin tổng hợp của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT trong trường hợp sàn TMĐT chưa thực hiện khai thuế thay cho cá nhân. Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý hoặc theo yêu cầu phát sinh của cơ quan Thuế.

Tăng cường các chức năng quản lý thuế theo hướng hiện đại, chuyên  nghiệp, hiệu lực, hiệu quả

Trong năm, cơ quan thuế đã tăng cường công tác đôn đốc nộp tờ khai, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai thuế của NNT. Trong đó, chú trọng vào việc rà soát thông tin NNT trên ứng dụng của cơ quan thuế các cấp để kịp thời đôn đốc NNT bổ sung thông tin thay đổi, gửi cơ quan thuế nhằm cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác để thuận lợi phục vụ cho công tác quản lý thuế.

Ngành Thuế đã đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh kiểm tra thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tập trung các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, dư địa thu lớn, các DN có giao dịch liên kết, hoạt động kinh doanh TMĐT... Qua đó, cơ quan Thuế đã thực hiện được 64.289 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 88,5% kế hoạch năm 2022, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; kiểm tra được 665.781 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 59.530 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 13.882 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 2.192 tỷ đồng; giảm lỗ là 43.455 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra các DN có hoạt động giao dịch liên kết được 822 DN; truy thu, truy hoàn và phạt 1.989 tỷ đồng; giảm lỗ 17.074 tỷ đồng; giảm khấu trừ 18,6 tỷ đồng.

Ngành Thuế cũng tăng cường công tác chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, tổ chức rà soát, phân tích rủi ro, lựa chọn các DN có rủi ro cao về hoàn thuế để thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu, các lô hàng xuất khẩu, xác minh việc thanh toán qua ngân hàng và các giao dịch kinh tế phát sinh để kịp thời phát hiện các hành vi gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Theo đó, toàn Ngành đã thực hiện được 6.265 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, tổng số thuế truy hoàn và phạt là 630 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế  đã xây dựng Đề án: “Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và bất động sản” triển khai trong toàn Ngành các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, bất động sản một cách toàn diện. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng bất động sản, nhiều trường hợp hồ sơ có giá trị chuyển nhượng kê khai cao gấp nhiều lần so với giá tại Bảng giá của UBND. Qua đó, góp phần tăng thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng 97% (20.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2021. 

Cơ quan thuế các cấp tổ chức theo dõi, giám sát tình hình nợ thuế để đôn đốc nộp kịp thời vào NSNN; đồng thời rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng trường hợp nợ thuế, lập danh sách các DN, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ để xác định rõ lý do nợ thuế, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng NNT để thu hồi nợ vào NSNN; đồng thời tập trung xử lý gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ để tạo thuận lợi cho NNT duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trong năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thu hồi nợ đạt 39.000 tỷ đồng, đạt 93% chỉ tiêu thu nợ năm 2022, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đã tập trung thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội ước đạt 2.757 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện xử lý nợ đến cuối năm 2022 ước đạt 35.229 tỷ đồng (trong đó khoanh nợ là 28.217 tỷ đồng; xóa nợ là 7.012 tỷ đồng).

Mở rộng hợp tác quốc tế, nâng tầm vị thế  ngành Thuế Việt Nam

Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát ngành Thuế đã chủ động tiến hành các hoạt động hợp tác qua các hình thức để đảm bảo chương trình hợp tác phục vụ cho công tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý thuế của các nước. Các cuộc họp cấp Tổng cục trưởng, hội thảo quốc tế song phương và đa phương đã được thực hiện với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hiệp hội nghiên cứu về quản lý thuế châu Á (SGATAR), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… tập trung vào những chủ đề quan trong như: Chuyển đổi số, chống trốn tránh thuế, phân bổ thuế toàn cầu đối với hoạt động kinh tế số, hỗ trợ hành chính thuế, trao đổi thông tin tự động, trao đổi kinh nghiệm quản lý thuế, công tác đào tạo bồi dưỡng với cơ quan Thuế Lào…

Trong năm 2022, ngành Thuế Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác về thuế với cơ quan thuế các nước và tổ chức quốc tế, tham gia các diễn đàn toàn cầu về minh bạch trong quản lý thuế nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ thuế, phục vụ thiết thực vào tiến trình cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế, đồng thời khẳng định vị thế của Thuế Việt Nam trên trường quốc tế; Triển khai đàm phán, ký kết các Hiệp định thuế, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thuế với nhiều quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt, trong tháng 10/2022, Đoàn công tác Tổng cục Thuế do đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam Cao Anh Tuấn dẫn đầu tham dự Hội nghị thường niên SGATAR lần thứ 51 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Tại Hội nghị, người đứng đầu cơ quan Thuế Việt Nam đã chia sẻ với Diễn đàn cấp cao SGATAR 51, về chủ đề “Tăng cường trao đổi thông tin để giải quyết vấn đề trốn thuế”.

Đồng thời, cơ quan Thuế Việt Nam đã tiến hành xử lý 88 trường hợp đề nghị trao đổi thông tin với Cơ quan thuế của 36 nước, tăng 56% so với năm 2021; số trường hợp Việt Nam yêu cầu cơ quan thuế nước ngoài cung cấp thông tin tăng nhanh, xuất phát từ yêu cầu về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao hoàn thuế GTGT. Kết quả, công tác trao đổi thông tin đã đạt được các kết quả tích cực, số thuế tăng thu từ công tác trao đổi thông tin gần 30 tỷ đồng.

Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm trên, Tổng cục Thuế cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, xây dựng ngành Thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Năm 2022, Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế; Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và thông tin qua đường dây nóng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội...

Định hướng triển khai nhiệm vụ năm 2023

2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng có xu hướng chậm lại, nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng, trong nước tuy có một số nhân tố tích cực song nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp sẽ có những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện nhiệm vụ công tác thuế.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2022, Lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đề nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Thuế tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, cùng chung sức đồng lòng triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, trong đó cần tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ lớn, trọng tâm sau:

Một là, triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý, điều hành thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ giao là 1.373.244 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng; thu từ dầu thô là 42.000 tỷ đồng.

Hai là, nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế để phục hồi và phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Ba là, quán triệt sâu sắc quan điểm cải cách và hiện đại hoá thuế là nhiệm vụ cấp bách, liên tục, lâu dài, là khâu đột phá, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số, xã hội số. Toàn Ngành tập trung triển khai thực hiện tốt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trọng tâm là dựa trên nền tảng thuế điện tử với 13 Đề án thành phần theo các lĩnh vực quản lý thuế.

Bốn là, tăng cường kỷ cương kỷ luật, thực thi công vụ, đổi mới phương pháp làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại và hiệu quả, cũng cố năng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo sự chuyển về chất lượng nguồn nhân lực của ngành Thuế.

Với quyết tâm chính trị, bằng những giải pháp cụ thể, phát huy truyền thống những thành tựu đạt được; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trung ương và địa phương, nhất định ngành Thuế sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính tháng 1/2023