Chặn ngay chiêu lừa đảo chiếm đoạt tiền BHXH

PV.

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tiền từ bảo hiểm xã hội (BHXH), gây xôn xao dư luận xã hội. BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp với Tổng cục Cảnh sát và các cơ quan chức năng có phương án chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; xử lý nghiêm minh những vi phạm trong việc thực hiện chính sách BHXH.

Phiên tòa xét xử Lê Thành Thắng và các bị cáo tại TAND TP. Hồ Chí Minh, tháng 5/2017.
Phiên tòa xét xử Lê Thành Thắng và các bị cáo tại TAND TP. Hồ Chí Minh, tháng 5/2017.

Thủ đoạn tinh vi, phức tạp

Công an tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 đối tượng liên quan đến vụ làm giả giấy tờ nhằm chiếm đoạt tiền BHXH xảy ra trên địa bàn huyện Ia Grai. Cơ quan chức năng của Gia Lai đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với các bị can Nguyễn Văn Dũng, huyện Ia Grai và Đậu Thị Hồng Lương, TP. Pleiku (Gia Lai) để phục vụ điều tra về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 2 bị can.

Đồng thời, khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Hoàng Xuân Banh, Hoàng Thị Châu, Nguyễn Duy Hạnh, Lê Văn Hướng, Vũ Văn Lưu, cùng trú tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai; Đào Thị Huân, Trần Thị Minh Lý và Nguyễn Văn Phi, cùng trú tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai, 8 bị can này nguyên là công nhân của Công ty cà phê Ia Sao 2.

Theo điều tra ban đầu, thời điểm từ năm 2012 - 2015, Nguyễn Văn Dũng, cán bộ của BHXH huyện Ia Grai và Đậu Thị Hồng Lương, cán bộ Tư pháp xã Ia Pếch, huyện Ia Grai đã đứng ra làm hồ sơ giả mạo và hướng dẫn các cá nhân khai gian để chiếm đoạt tiền trợ cấp BHXH. Nguyễn Văn Dũng làm giả 3 giấy khai sinh và hướng dẫn cho 6 cá nhân điều chỉnh năm sinh; Lương làm giả 2 giấy khai sinh và hướng dẫn cho 5 cá nhân điều chỉnh năm sinh để hoàn thiện các hồ sơ nhằm nhận tiền trợ cấp BHXH.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, Dũng giúp sức cho các cá nhân chiếm đoạt số tiền trợ cấp BHXH hơn 493 triệu đồng, Lương giúp cho các cá nhân chiếm đoạt số tiền trợ cấp BHXH hơn 534 triệu đồng. Đối với 8 bị can trên, sau khi “nhờ” Dũng và Lương hoàn thiện hồ sơ nhằm đủ thời gian nhận tiền trợ cấp BHXH, 8 bị can trên đã nhận trợ cấp BHXH từ năm 2014 đến tháng 1/2018, với số tiền được xác định hơn 706 triệu đồng.

Theo cơ quan chức năng, qua quá trình xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, các chứng cứ cho thấy các bị can có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên ngày 16/4/2018, Công an tỉnh Gia Lai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 bị can nói trên. Đồng thời, đến ngày 18/4/2018, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Dũng và Đậu Thị Hồng Lương. Riêng 8 bị can khác áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú. Hiện vụ án đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Một vụ án gây xôn xao dự luận khác diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh khi các thành viên trong cùng một gia đình tổ chức chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng BHXH, dẫn đến cả nhà cùng vào tù. Theo đó, tháng 5/2017, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm tuyên phạt Lê Thành Thắng (38 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) 19 năm tù; Phạm Thị Ngọc Hằng (30 tuổi, vợ Thắng) 16 năm tù cùng về 2 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Liên quan tới vụ án, bị cáo Lê Thị Anh Thư (36 tuổi, em ruột Thắng, ngụ tỉnh Tiền Giang) lãnh 2 năm tù về tội Chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung vụ án, Thắng từng được tuyển dụng làm việc hợp đồng BHXH ở quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Thời gian làm việc, Thắng nắm rõ cách lập hồ sơ đăng ký đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) để được chi trả tiền BHXH theo chế độ thai sản, dưỡng sức, BHXH một lần. Khi “biết luật”, Thắng nảy sinh ý định dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tiền trợ cấp BHXH. Để thực hiện ý định này, Thắng bàn bạc với vợ mình kế hoạch thực hiện.

Cáo trạng thể hiện, từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2015, Thắng và Hằng thành lập nhiều công ty, giao cho Hằng và Thư làm giám đốc, đứng tên pháp lý công ty. Sau khi lập công ty, Thắng mượn Chứng minh thư nhân dân của người quen để lập khống 61 bộ hồ sơ nhân viên, nhưng thực chất đây chỉ là số nhân viên “ảo” trong các công ty “ma” của Thắng.

Để rút được tiền BHXH, Thắng đóng BHXH bắt buộc cho số nhân viên ảo này. Sau đó, Thắng lập hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH theo chế độ thai sản, BHXH một lần, dưỡng sức… nhằm chiếm đoạt tiền trợ cấp BHXH. Các giấy tờ, hồ sơ khống này, Thắng thuê người làm giả bản sao y có dấu đỏ của giấy khai sinh, hoặc giấy chứng sinh cho các nhân viên “ảo”, rồi thực hiện các thủ tục, gửi BHXH để rút tiền khống. Bằng thủ đoạn này, trong thời gian trên, các bị cáo Thắng, Hằng, Thư đã chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng của BHXH.

Trước tình trạng diễn biến phức tạp từ nạn lừa đảo chiếm đoạt tiền từ BHXH, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với Tổng cục Cảnh sát về phòng chống tội phạm trong việc nâng cao trách nhiệm chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT.

Tổng cục Cảnh sát tăng cường chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng C46, Phòng Cảnh sát kinh tế PC46, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện, thị xã... hỗ trợ các đơn vị thuộc hệ thống BHXH trong việc thu hồi nợ đọng, chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp và phối hợp xử lý nghiêm những hành vi cố tình trốn đóng BHXH, lạm dụng và trục lợi quỹ của các doanh nghiệp, đơn vị.

Chiếm đoạt tiền BHXH, ngồi tù tới 10 năm

Từ 1/1/2018, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành với nhiều điều luật quy định về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; theo đó, quy định cụ thể các mức phạt tù đối với các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thay vì các biện pháp xử lý hành chính trước đây.

Cụ thể, tại Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 – 7 năm. Các hành vi vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên bao gồm: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…

Điều 216 còn quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm với các hành vi sau: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, gồm: Phạm tội 02 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người.

Tại Điều 214 và 215 quy định mức xử phạt tội gian lận BHXH, BHYT, BHTN, cụ thể: Điều 214 quy định người nào thực hện một trong các hành vi như chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đối với những trường hợp chiếm đoạt có tổ chức, chuyên nghiệp và chiếm đoạt từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng cho BHXH có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp nặng nhất, theo Điều 214, nếu người nào chiếm đoạt tiền BHXH hoặc gây thiệt hại cho BHXH số tiền trên 500 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Đồng thời, những người vi phạm có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

BHXH Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của pháp luật về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động, người dân được biết những nội dung mới trong quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến việc trục lợi, trốn đóng BHXH...

Trước đó, tháng 8/2017, Tổng cục Cảnh sát và BHXH Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 5 năm (2017-2022). Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn mới này sẽ được điều chỉnh kịp thời theo những thay đổi của pháp luật nói chung và pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng. Từ đó, có phương án phối hợp chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; kịp thời xử lý nghiêm minh những vi phạm trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm; bảo đảm tính hiệu quả, nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước; góp phần thiết thực đảm bảo hướng tới hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, và BHXH cho người lao động.