Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc: Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam?

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang nóng dần lên khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, sau khi đã áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của nước này. Vậy kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam?

Dự báo dệt may xuất khẩu sang Mỹ sẽ mang về cho Việt Nam 13.838 tỷ USD trong năm nay . Nguồn: Internet
Dự báo dệt may xuất khẩu sang Mỹ sẽ mang về cho Việt Nam 13.838 tỷ USD trong năm nay . Nguồn: Internet

“Ảnh hưởng nặng nề”?

Hôm 6/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế suất 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khơi mào cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đáp lại động thái này, Trung Quốc lập tức áp thuế tương ứng lên 34 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ.

Chưa đầy một tuần sau, vào ngày 11/7, Mỹ tiếp tục công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Kế hoạch này sẽ trải qua chương trình tham vấn kéo dài 2 tháng, sau đó danh sách 200 tỷ USD hàng Trung Quốc mới được hoàn tất.

Trong khi đó, Việt Nam đang có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với hai cường quốc này. Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2017, thương mại song phương đã đạt 93,69 tỷ USD, hứa hẹn sẽ chạm mốc 100 tỷ USD trong năm 2018 và là đối tác thương mại đầu tiên lập được kỷ lục này. Riêng quý I năm nay, theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 53 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc, con số này đạt 14,31 tỷ USD, tương đương 27% tổng kim ngạch nhập khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 9,02 tỷ USD, tức nhập siêu gần 5,3 tỷ USD từ thị trường này.

Còn tại thị trường Mỹ, trong năm 2017, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 41,6 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngược lại, lượng hàng hóa nhập khẩu Mỹ chỉ đạt 9,2 tỷ USD. Nhờ vậy, Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2017, đạt 32,4 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ.

Nhìn nhận cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ “gây ra những hậu quả khôn lường cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt với các nền kinh tế có độ mở cao, trong đó có Việt Nam”, PGS. TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương, Bộ Công thương cho rằng “Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của cuộc chiến thương mại này”.

Bởi lẽ, Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc, đồng thời có mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc rất lớn nên độ ảnh hưởng sẽ trực tiếp hơn, nhanh chóng hơn và rõ ràng hơn.

Sự ảnh hưởng này được nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương chỉ ra như: 

Thứ nhất, Mỹ đánh thuế rất cao sẽ hạn chế hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ. Khi đó, các nhà kinh doanh Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy hàng hóa sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam bằng cả con đường chính ngạch và tiểu ngạch, gây áp lực cạnh tranh lớn đối với các sản phẩm của Việt Nam. 

Thứ hai, nhiều dự án của Trung Quốc được đầu tư để chinh phục thị trường Mỹ nhưng giờ đây trở nên khó thực hiện. Các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tìm cách đầu tư ngay trong nước và phải giải tỏa công nghệ cũ. Như vậy, Việt Nam có nguy cơ phải sử dụng các công nghệ loại thải này. 

Thứ ba, hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế cao nên phía Trung Quốc sẽ tìm cách biến sản phẩm của họ gắn mác nước khác, trong đó có thể là Việt Nam để xâm nhập thị trường Mỹ nhằm kiếm lợi cho nhà sản xuất Trung Quốc. “Đây sẽ là rủi ro rất lớn cho Việt Nam nếu như chuyện này xảy ra và bị phía Mỹ phát hiện thì họ sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt nặng nề lên hàng hóa của Việt Nam”, ông Thắng nói.

Một điểm đáng lưu ý nữa là biện pháp trừng phạt của Mỹ vào hàng hóa của Trung Quốc sẽ khiến một lượng doanh nghiệp Trung Quốc bị phá sản, khiến một bộ phận lao động mất việc làm.

“Khi đó, có thể lực lượng lao động này sẽ tỏa đi kiếm sống ở cả các vùng biên giới với Việt Nam nên đặt ra cho chúng ta những vấn đề cần lưu tâm về  xã hội, an ninh”, PGS. TS Phạm Tất Thắng khuyến cáo.

Chủ động ứng phó

Mặc dù vậy, giới phân tích cũng tỏ ra lạc quan về những tác động có lợi cho nền kinh tế Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo đó, khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế cao và hạn chế thâm nhập thị trường Mỹ sẽ là cơ hội cho tất cả các hàng hóa không bị đánh thuế vào thị trường này, trong đó có Việt Nam.

Vấn đề là chúng ta sẽ nắm bắt cơ hội này như thế nào? Tức là các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, thay vì những khẩu hiệu hô hào. Đồng thời, phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh.

Thêm vào đó, trong cuộc chiến thương mại này, không có cách nào khác, Việt Nam phải tận dụng triệt để các điều khoản đã ký kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam, chỉ khi đó mới mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế.

Ở một góc nhìn khác, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương Nguyễn Văn Nam lại tỏ ra thận trọng với diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ông cho rằng, việc Mỹ có tiếp tục áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như tuyên bố hay không vẫn cần thời gian trả lời. Do đó, “sẽ rất khó để dự đoán được chính xác kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam, vì đây là cuộc chiến thương mại không thể lường hết được”.

Theo vị chuyên gia này, việc cần làm bây giờ là các cơ quan quản lý nhà nước phải giữ vai trò chủ động. Theo đó, “họ phải cùng ngồi lại với nhau để dự đoán những kịch bản theo các cấp độ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại này tới Việt Nam thế nào, kể  cả việc Mỹ có thể áp dụng biện pháp trừng phạt với nước ta.

Từ đó đưa ra các giải pháp cho từng kịch bản như điều chỉnh lãi suất như thế nào, hạ giá đồng tiền ra sao, thuế nhập khẩu áp bao nhiêu… bởi chiến tranh thương mại có tác động nhiều mặt.