Giải pháp nâng cao hiệu quả thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể

ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền - Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên

Tình trạng vi phạm pháp luật về thuế của các hộ kinh doanh thường xảy ra dưới nhiều hình thức, với các mức độ khác nhau, trong khi thực trạng quản lý các hộ kinh doanh cũng còn những bất cập dẫn đến hiệu quả thu thuế ở đối tượng này chưa đạt kết quả cao. Yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện chính sách và công cụ quản lý để nâng cao hiệu quả thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong năm 2015, Chi cục Thuế Sông Công, thuộc Cục thuế Thái Nguyên có 1.069 hộ tiến hành kê khai và nộp thuế, thu gần 6,02 tỷ đồng, tăng thu gần 600 triệu đồng, bằng 124% kế hoạch giao; Đảm bảo nguồn thu ngân sách toàn TP. Sông Công (là 158,211 tỷ đồng), vượt 19,4% so với thực hiện năm 2014, vượt 44,2% so với dự toán Tỉnh giao và vượt 32,1% so với dự toán Thành phố giao. Kết quả trên thể hiện được hiệu quả trong công tác quản lý thu thuế tại Chi cục.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Sông Công vẫn còn nhiều bất cập. Công tác quản lý thu còn những khó khăn nhất định. Vì vậy, việc đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu thuế tại Chi cục Thuế Sông Công là rất cần thiết.

Về bộ máy quản lý và cơ chế quản lý

Bên cạnh những ưu điểm, mô hình quản lý thuế theo chức năng vẫn tồn tại một số nhược điểm cần khắc phục như: Mô hình này chưa hoàn toàn thích ứng với điều kiện, trình độ hiểu biết pháp luật và tính tự giác thực hiện nghĩa vụ về thuế của người nộp thuế chưa cao, nhất là hộ kinh doanh cá thể.

Cơ chế cho phép hộ kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế và chịu trách nhiệm về các khoản kê khai nhưng nhiều hộ ý thức tự giác nộp thuế chưa cao, đa số không thực hiện ghi chép sổ sách, vì vậy gây khó khăn trong thực hiện quản lý số thuế phải nộp.

Để hoạt động quản lý thu thuế nói chung và thu thuế hộ kinh doanh nói riêng đạt hiệu quả cao, Chi cục Thuế cần chú trọng tới việc cải cách bộ máy quản lý và cơ chế hoạt động.

Cụ thể như: Tổ chức bộ máy quản lý cần kết hợp đan xen với nguyên tắc quản lý thuế theo nhóm đối tượng và theo sắc thuế để phát huy toàn diện được mô hình quản lý thuế theo chức năng; Thường xuyên nâng cao chất lượng chuyên môn và kỹ năng quản lý thuế hiện đại, khoa học cho mỗi cán bộ thuế để xây dựng bộ máy quản lý thuế ngày càng hoàn thiện hơn.

Quản lý đăng ký thuế, khai thuế, ấn định thuế

Quản lý số hộ kinh doanh là việc đầu tiên để tiến hành triển khai công tác thu thuế. Số liệu thống kê năm 2015, tại Chi cục Thuế Sông Công còn xảy ra tình trạng chênh lệch giữa số hộ đăng ký kinh doanh và số hộ đăng ký thuế. Nguyên nhân là do nhiều hộ thiếu hiểu biết về quy định nhưng cũng không ít hộ cố tình không chấp hành. Hơn nữa, việc cấp Đăng ký kinh doanh tách rời với việc đăng ký thuế dẫn tới việc quản lý hộ kinh doanh không chặt chẽ, tốn kém thời gian và chi phí, sự phối hợp của chính quyền, các ngành chưa tích cực.

Tình trạng thất thu thuế chủ yếu tập trung ở nhóm hộ kê khai vì việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn như: Hộ kinh doanh thường có hai hệ thống sổ để đối phó, kê khai doanh số thấp, bán hàng không lập hóa đơn, ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế, hầu hết giao dịch không dùng tiền mặt, đầu vào, đầu ra không có hóa đơn...

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới Chi cục Thuế cần:

(i) Thực hiện một cửa liên thông trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế;

(ii) Việc tổ chức quản lý hồ sơ đăng ký thuế cần phân loại theo chủ thể tạo lập như: Hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ, Hộ gia đình làm chủ, do một nhóm người làm chủ;

(iii) Áp dụng đồng thời các căn cứ ấn định thuế đối với hộ kinh doanh ổn định để xác định số thuế được chính xác như: Cơ sở dữ liệu của Chi cục thuế, so sánh số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, cùng ngành nghề, cùng quy mô và tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực;

(iv) Minh bạch việc xác định doanh thu khoán và số thuế khoán phải nộp với sự tham gia của các cấp, ngành.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể  - Ảnh 1

Quản lý thông tin hộ kinh doanh

Theo Luật Quản lý thuế 2006, “Thông tin về người nộp thuế là cơ sở để thực hiện quản lý thuế, đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của người nộp thuế, ngăn ngừa, phát hiện vi phạm pháp luật về thuế.” Vì vậy, việc quản lý thông tin về hộ kinh doanh có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý thuế.

Hộ kinh doanh có số lượng lớn, trải rộng khắp địa bàn TP. Sông Công nên công tác quản lý thu thuế nói chung và công tác quản lý thông tin hộ kinh doanh nói riêng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Chi cục Thuế cần tích cực nêu cao vai trò, trách nhiệm của từng hộ kinh doanh trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế sao cho hệ thống thông tin về người nộp thuế phải đầy đủ, đảm bảo tính chính xác, trung thực, kịp thời.

Đồng thời, phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa các ngành và UBND xã, phường thông qua việc tiến hành thống kê và lập sơ đồ tên hộ kinh doanh… và tiến hành kiểm tra, giám sát diễn biến hoạt động của các hộ. Qua đó, sắp xếp phân loại các hộ kinh doanh theo ngành nghề kinh doanh, mặt hàng kinh doanh, quy mô kinh doanh và theo phương pháp tính thuế.

Mặt khác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin quản lý danh bạ hộ kinh doanh theo địa bàn, công khai trên Website giúp việc kiểm tra, giám sát thuận tiện, minh bạch.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế

Kết quả kiểm tra thuế của Chi cục năm 2015 cho thấy, số đơn vị thực hiện kiểm tra tại trụ sở năm 2015 là 44 đơn vị, đạt 105% kế hoạch tăng 25% so với cùng kỳ năm 2014. Số tiền thuế truy thu, truy hoàn và tiền phạt sau kiểm tra là 2.099 triệu đồng.

Tuy nhiên, so với quy mô hoạt động của hộ kinh doanh thì công tác kiểm tra, thanh tra thuế đối với hộ còn ít, thiếu chặt chẽ và đồng bộ, số thuế thu được chưa tương xứng với mức độ kinh doanh.

Do đó, Chi cục Thuế cần đa dạng hình thức kiểm tra, tập trung kiểm tra nhóm hộ kinh doanh có rủi ro về thuế cao; xây dựng hình ảnh Chi cục Thuế có đủ nguồn lực trong việc kiểm tra, thanh tra thuế.

Đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế

Xác định, việc nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người nộp thuế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của hộ kinh doanh. Thời gian qua, Chi cục Thuế đang đổi mới phương thức tuyên truyền, tổ chức đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, giúp hộ kinh doanh có nhiều cơ hội tiếp cận chính sách thuế thông qua các giải pháp sau:

- Chú trọng trong công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Tập huấn, đối thoại, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, hoặc trả lời bằng công văn; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản các ấn phẩm dưới dạng các câu hỏi nhỏ, các tình huống cụ thể.

- Ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập một website “Hộ kinh doanh” để các hộ dân dễ dàng tiếp cận, trao đổi các vấn đề về thuế.

- Thiết lập mối quan hệ thân thiện giữa cơ quan thuế với hộ kinh doanh.

 - Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuế vừa tinh thông nghiệp vụ, vừa có kỹ năng sư phạm.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Xuân Trường, Nguyễn Đình Chiến: Nhận diện các hành vi gian lận thuế, Tạp chí Tài chính (2013);

2. thainguyen.gdt.gov.vn;

3. tapchitaichinh.vn