Nghiên cứu lý luận về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Dương Thu Minh - Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên

Nâng cao hiệu quả kinh doanh là vấn đề quan trọng, được nhiều doanh nghiệp quan tâm hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Con đường cơ bản để nâng cao hiệu quả kinh doanh là tìm mọi biện pháp để tăng doanh thu hoặc giảm chi phí, hoặc làm cho tốc độ tăng doanh thu hoặc giảm chi phí, hoặc làm cho tốc độ tăng doanh thu phải nhanh hơn tốc độ giảm chi phí. Các biện pháp để thực hiện rất khác nhau, tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể ở từng doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một số vấn đề cơ bản về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Hiệu quả kinh doanh (HQKD) là một đại lượng so sánh: So sánh giữa đầu vào và đầu ra, so sánh giữa chi phí kinh doanh bỏ ra và kết quả kinh doanh thu được. Nâng cao HQKD được hiểu là làm cho các chỉ tiêu đo lường HQKD của DN tăng lên thường xuyên và mức độ đạt được các mục tiêu định tính theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, để hiểu rõ và ứng dụng được phạm trù HQKD vào việc xác lập các chỉ tiêu, các công thức cụ thể nhằm đánh giá tính hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì cần làm rõ những vấn đề sau:

Thứ nhất, phạm trù HQKD thực chất là mối quan hệ so sánh giữa kết quả đạt được và chi phí bỏ ra để sử dụng các yếu tố đầu vào và có tính đến các mục tiêu của DN.

Về mặt so sánh tuyệt đối thì HQKD là:

H = K - C

Trong đó:

H: HQKD

K: kết quả đạt được

C: chi phí bỏ ra để sử dụng các nguồn lực đầu vào

Còn về so sánh tương đối thì:

H = K/C

Do đó, để tính được HQKD của DN, phải tính kết quả đạt được và chi phí bỏ ra. 

Thứ hai, phân biệt hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế xã hội với HQKD của DN: Hiệu quả xã hội phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu về xã hội nhất định.

Các mục tiêu xã hội thường là: giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong phạm vi toàn xã hội phạm vi từng khu vực, nâng cao trình độ văn hóa, nâng cao mức sống, đảm bảo vệ sinh môi trường…

Còn hiệu quả kinh tế xã hội phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu cả về kinh tế xã hội trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như trên phạm vi từng vùng, từng khu vực.

Thứ ba, so sánh hiệu quả trước mắt với hiệu quả lâu dài: Xét về tính lâu dài thì các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động của DN là lợi nhuận và các chỉ tiêu về doanh lợi. Xét về tính hiệu quả trước mắt (hiện tại) thì nó phụ thuộc vào các mục tiêu hiện tại mà DN đang theo đuổi.

Trong thực tế, để thực mục tiêu bao trùm lâu dài của DN là tối đa hóa lợi nhuận, có rất nhiều DN hiện tại không đạt được mục tiêu là lợi nhuận mà lại thực hiện các mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm, nâng cao uy tín danh tiếng của DN, mở rộng thị trường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu…

Do đó, các chỉ tiêu hiệu quả ở đây về lợi nhuận là không cao nhưng chỉ tiêu có liên quan đến các mục tiêu đã đề ra của DN là cao thì không thể kết luận là DN đang hoạt động không có hiệu quả.

Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh

Nhóm chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời

Các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời được các DN quan tâm sử dụng bởi lợi nhuận là mục tiêu cao nhất mà các DN hướng tới.

- Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu = Lợi nhuận/Doanh thu tiêu thụ sản phẩm

Chỉ tiêu này cho biết một đồng doanh thu trong kì có bao nhiêu phần trăm lợi nhuận. Kết quả của chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ HQKD của DN càng cao và ngược lại.

- Tỷ suất lợi nhuận của tài sản = Lợi nhuận/Tổng tài sản

Tỷ suất sinh lời của tài sản cho biết một đơn vị tài sản bình quân đưa vào kinh doanh trong kỳ mang lại bao nhiêu đơn vị lợi nhuận. Kết quả của chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ HQKD của DN càng cao và ngược lại.

- Tỷ suất lợi nhuận của vốn chủ sở hữu = Lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu

Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu đề cập đến việc DN sẽ thu được bao nhiêu đơn vị lợi nhuận sau thuế. Kết quả của 2 chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ DN sử dụng có hiệu quả vốn chủ sở hữu và vốn đầu tư. Chỉ tiêu cho biết HQKD của DN: chỉ tiêu ra kết quả cao sẽ phản ánh hiệu quả hoạt động cao, do đó HQKD của DN cao và ngược lại.

Chỉ tiêu tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu được các chủ sở hữu (các nhà đầu tư) đặc biệt quan tâm do phản ánh trực tiếp mỗi đồng vốn chủ sở hữu đầu tư vào DN có thể tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Do đó, các chủ sở hữu khi thuê các nhà quản lý trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh của DN thường đưa ra các điều khoản cụ thể yêu cầu duy trì hoặc tăng trưởng tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu của DN.

Vốn chủ sở hữu là một thành phần quan trọng trong tổng vốn đầu tư vào DN. Bất kỳ DN nào khi bắt đầu kinh doanh cũng cần đầu tư vốn chủ sở hữu và các chủ sở hữu DN luôn mong muốn hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cao để làm giàu lên cho bản thân.

Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu tăng không hẳn là do DN kinh doanh hiệu quả hơn, mà đơn giản chỉ là do DN đã gánh chịu rủi ro tài chính cao hơn nên phát huy tác dụng của đòn bẩy tài chính.

Nhóm các chỉ tiêu đánh giá hiệu suất sử dụng tài sản

Biểu hiện cao nhất của HQKD là hiệu quả hoạt động vì mục đích cuối cùng của kinh doanh là lợi nhuận. Tuy nhiên, HQKD của DN chỉ có thể đạt được khi tài sản của DN được sử dụng một cách có hiệu quả.

Hiệu suất sử dụng tài sản được thể hiện bằng việc sử dụng ít tài sản để tạo ra nhiều lợi ích hoặc giảm thời gian một vòng quay của tài sản... Để đánh giá hiệu suất sử dụng tổng tài sản của DN, người ta thường sử dụng chỉ tiêu phản ánh số vòng quay của tài sản (sức sản xuất của tài sản).

Đối với tài sản cố định, các chỉ tiêu thường được sử dụng là sức sản xuất của tài sản cố định; suất hao phí của tài sản cố định. Đối với tài sản ngắn hạn, các DN thường sử dụng số vòng quay của tài sản ngắn hạn (tháng, quý, năm); hệ số đảm nhiệm của tài sản ngắn hạn và thời gian của một vòng quay tài sản để đánh giá. Cụ thể:

- Số vòng quay của tài sản: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, tài sản vận động nhiều và nhanh là mục tiêu phấn đấu của các DN vì tài sản càng vận động tốt thì cơ hội tăng doanh thu càng cao hơn, do đó, lợi nhuận thu được càng lớn.

Số vòng quay của tài sản = Tổng doanh thu thuần/Tổng tài sản bình quân

Chỉ tiêu này cho biết, trong một kỳ DN đạt được bao nhiêu vòng quay của tài sản. Chỉ tiêu này càng cao, chứng tỏ các tài sản vận động nhanh, tiết kiệm được vốn đầu tư vào tài sản, do vậy nâng cao được hiệu suất sử dụng vốn của DN.

Nhà đầu tư và nhà cung cấp tín dụng đều quan tâm tới chỉ tiêu số vòng quay của tài sản do chỉ tiêu này liên quan chặt chẽ tới hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư của họ vào DN. Chính vì vậy, nhà quản lý sẽ được giao nhiệm vụ tìm kiếm các biện pháp kinh doanh, làm tăng số vòng quay của tài sản.

- Sức sản xuất của tài sản cố định:

Sức sản xuất của TSCĐ = Tổng doanh thu thuần/TSCĐ bình quân

Sức sản xuất của TSCĐ phản ánh với một đơn vị TSCĐ bình quân sử dụng vào hoạt động mang lại bao nhiêu đơn vị doanh thu thuần. Kết quả của chỉ tiêu càng cao chứng tỏ hiệu suất sử dụng TSCĐ càng cao và ngược lại.

- Số vòng quay của tài sản ngắn hạn:

Số vòng quay của tài sản ngắn hạn = Tổng doanh thu thuần/Tài sản ngắn hạn bình quân

Số vòng quay của tài sản ngắn hạn cho biết trong kỳ kinh doanh, tài sản ngắn hạn của DN quay được bao nhiêu vòng. Số vòng quay càng lớn tức là  tốc độ luân chuyển tài sản ngắn hạn nhanh, hiệu năng hoạt động của tài sản ngắn hạn càng cao và ngược lại.

- Thời gian một vòng quay của tài sản ngắn hạn:

Thời gian một vòng quay của tài sản ngắn hạn = Thời gian của kỳ phân tích/Số vòng quay của tài sản ngắn hạn

Thời gian một vòng quay của tài sản ngắn hạn cho biết số ngày để thực hiện mỗi vòng quay của tài sản ngắn hạn. Chỉ tiêu thấp chứng tỏ các tài sản ngắn hạn vận động nhanh và ngược lại.

Thời gian của kỳ phân tích thường được tính tròn theo ngày: thời gian theo tháng tính tròn 30 ngày; thời gian theo quý tính tròn 90 ngày; thời gian theo năm tính tròn 360 ngày. Việc tính tròn thời gian của kỳ phân tích sẽ thuận lợi cho việc tính toán mà cũng không ảnh hưởng đến kết quả phân tích.

- Số vòng quay của hàng tồn kho:

Số vòng quay của hàng tồn kho =Tổng doanh thu thuần/Hàng tồn kho bình quân

Chỉ tiêu này phản ánh vòng quay hàng tồn kho đạt được trong kỳ của DN. Chỉ tiêu này càng cao có nghĩa là tốc độ luân chuyển hàng tồn kho nhanh, thời gian lưu kho ngắn, chứng tỏ DN quản lý tốt hàng tồn kho, do đó, tiết kiệm được số vốn đầu tư vào hàng tồn kho.

Nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng lao động trong doanh nghiệp

Lao động là một trong ba yếu tố quan trong của quá trình sản xuất kinh doanh. Vì vậy, số lượng và chất lượng lao động là một trong những yếu tố ánh hưởng trực tiếp đến HQKD. Hiệu quả sử dụng lao động được biểu hiện qua các chỉ tiêu sau:

- Doanh lợi bình quân một lao động:

Doanh lợi bình quân một lao động = Lợi nhuận ròng trong kỳ/Số lao động bình quân trong kỳ

Chỉ tiêu này cho biết mức độ đóng góp của mỗi lao động đối với lợi nhuận của DN.

- Chỉ tiêu doanh thu bình quân một lao động:

Doanh thu bình quân một lao động = Doanh thu/Số lao động bình quân trong kỳ

Chỉ tiêu này cho biết một lao động có thể tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu trong một thời kì phân tích

Các chỉ tiêu về hiệu quả chính trị – xã hội của DN

Hiệu quả về mặt xã hội trong hoạt động kinh doanh của DN là những mặt lợi ích không thể định lượng được nhưng nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc lựa chọn phương án kinh doanh để triển khai trong thực tế. Nội dung của việc xem xét hiệu quả về mặt xã hội rất đa dạng và phức tạp.

Người ta thường gắn việc phân tích hiệu quả về mặt xã hội trong hoạt động kinh doanh của DN với việc thực hiện các nhiệm vụ xã hội ra cho mỗi DN trong kỳ. Về khía cạnh này, có các tiêu chí đánh giá sau:

- Mức đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua nộp thuế. Khi chỉ giá trị chỉ tiêu đống góp vào ngân sách nhà nước càng cao chứng tỏ DN hoạt động có hiệu quả và ngược lại.

- Số lượng lao động sử dụng, năng suất lao động, thu nhập bình quân lao động. Khi các chỉ tiêu này tăng lên chứng tỏ DN hoạt động có hiệu quả và ngược lại.

Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Căn cứ vào công thức tính toán HQKD của DN thì con đường cơ bản để nâng cao HQKD là tìm mọi biện pháp để tăng doanh thu hoặc giảm chi phí, hoặc làm cho tốc độ tăng doanh thu hoặc giảm chi phí, hoặc làm cho tốc độ tăng doanh thu phải nhanh hơn tốc độ giảm chi phí. Các biện pháp để thực hiện rất khác nhau, tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể ở từng DN, tuy nhiên có thể tổng kết thành một số biện pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng doanh thu là một trong những biện pháp cơ bản để nâng cao HQKD của DN. Muốn tăng doanh thu thì DN phải tìm mọi biện pháp để tiêu thụ nhiều hàng hoá, hoặc là sản xuất ra các loại hàng hoá tốt hơn trước đây để có thể bán được nhiều hàng, hoặc là bán hàng hóa cao hơn giá trước đây.

Tiếp đến, để tiêu thụ được nhiều hàng hoá cũng đòi hỏi DN hoặc là phải sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt hơn trước đây, hoặc phải marketing thật tốt để nhiều khách hàng biết đến, chấp nhận sản phẩm của DN, hoặc là sản xuất ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp, đa dạng hấp dẫn người tiêu dùng, hoặc là mở rộng thị trường mục tiêu của DN.

Thứ hai, giảm chi phí giúp DN có thể bán được hàng hoá với giá thấp hơn trước hoặc thu được nhiều lợi nhuận hơn trước đây. Việc giảm chi phí sẽ dẫn đến lợi nhuận tăng và điều đó có nghã là HQKD cũng tăng theo.

Thứ ba, tìm mọi cách để cho tốc độ tăng doanh thu nhanh hơn tốc độ tăng chi phí. Kinh doanh trong điều kiện sản xuất lớn khó có thể làm giảm được tổng chi phí vì sản lượng tăng quá nhanh. Trong trường hợp này, DN phải tìm mọi biện pháp để tốc độ tăng doanh thu lớn hơn tốc độ tăng chi phí làm cho mối tương quan giữa doanh thu và chi phí theo chiều hướng có lợi. Điều đó cũng có nghĩa là DN phải sử dụng các chi phí sản xuất một cách tiết kiệm, hợp lý và tránh lãng phí.  

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Quốc Đạt (2011), Nâng cao hiệu quả kinh doanh tại Tổng công ty cổ phần khoan và dịch vụ khoan dầu khí, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;

2. Nguyễn Đình Kiệm, Bạch Đức Hiển (2009), Giáo trình Tài chính DN, NXB Tài chính;

3. Phạm Thị Linh (2013), Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội.