Thông điệp của Chính phủ:

Tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp

PV.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển. Với quan điểm doanh nghiệp là động lực phát triển đất nước, tại hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp ngày 29/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông điệp rõ ràng: Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Nguồn: chinhphu.vn

Doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế

Thủ tướng nhấn mạnh, xã hội Việt Nam đã có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân, như nhà bác học Lê Quý Đôn đã tổng kết. Đặc biệt, Bác Hồ ngay sau khi giành được độc lập đã gặp doanh nhân. Trong lúc khó khăn nhất, doanh nhân sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn lượng vàng để cứu đói, diệt giặc dốt, kháng Pháp, cứu nước. Tinh thần doanh nhân là lúc khó khăn doanh nhân có mặt để xây dựng đất nước.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung làm thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện hơn trước rất nhiều, với nhiều quy định tiến bộ để phục vụ doanh nghiệp phát triển. Chính vì thế, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, bước vào giai đoạn phát triển mới, môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại của chúng ta vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển.

Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, yếu kém đang cản trở sư phát triển của cộng đồng doanh nghiệp: Việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để doanh nghiệp phải chờ đợi, có những trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề; Chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đột phá, thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn; Công tác cổ phần hóa đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn nhiều vướng mắc về cơ chế; Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp, khả năng kết nối của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế…

Thủ tướng nêu rõ, doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh nên cần có chính sách riêng để nhóm doanh nghiệp này phát triển hội nhập. Đảng, Nhà nước “coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế”. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

10 giải pháp đột phá

Nhằm tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, với thông điệp “luôn là người bạn đồng hành, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 10 giải pháp quan trọng trong thời gian tới:

Thứ nhất, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Thứ hai, ngoại trừ trường hợp đặc biệt như các doanh nghiệp phục vụ, kinh doanh các mặt hàng bình ổn giá… tất cả các doanh nghiệp còn lại không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh.

Thứ ba, Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách để nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Thứ tư, các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ một vấn đề, một cơ quan chịu trách nhiệm và hướng tới người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình.

Thứ năm, các quy định về điều kiện phải lượng hóa được, minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư, doanh nghiệp tự đánh giá khả năng tuân thủ đáp ứng được yêu cầu với chi phí thấp, giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh.

Thứ sáu, các quy định của Nhà nước phải tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tuân thủ, nhận khó khăn về cơ quan phía Nhà nước, theo tinh thần nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Thứ bảy, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, đặc biệt là khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh và cần có chính sách hỗ trợ riêng để tạo điều kiện cho phát triển và hội nhập. Với 98% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam coi doanh nghiệp tư nhân là động lực của sự phát triển kinh tế.

Thứ tám, cần ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nhà nước, Bộ Công an, không có chủ trương hình sự hóa kinh tế, trừ trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm minh.

Thứ chín, đối với các doanh nghiệp hoạt động có tính rủi ro lớn, hoạt động công ích tham gia nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, cần có cơ chế quản lý phù hợp.

Thứ mười, giảm dần tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nghị định, thông tư phải thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Thủ tướng Chính phủ đã kết luận yêu cầu từ ngày 1/7/2016 phải có hiệu lực, bỏ hết các quy định cũ trái với tinh thần luật đã được Quốc hội thông qua.