Nghiên cứu mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế: Mô hình đề xuất cho Việt Nam

Nguyễn Văn Chiến - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế. Dựa theo các nghiên cứu trước, có thể khẳng định, phát triển tài chính có thể có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế trong hầu hết trường hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, phát triển tài chính chưa có tác động lên tăng trưởng, thậm chí tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mở đầu

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng tổng sản phẩm quốc nội, còn gọi là GDP, trong một khoảng thời gian, thường là quý hoặc năm. Tăng trưởng kinh tế có thể đo lường qua sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc dân, còn gọi là GNP, hoặc có thể là thu nhập bình quân đầu người.

Thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong luân chuyển vốn, trong đó vốn được luân chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu. Thị trường tài chính được đánh giá hiệu quả khi dòng vốn của nền kinh tế có khả năng luân chuyển tới nơi có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, hoặc khi dòng vốn được luân chuyển tới bên cần vốn có chi phí giao dịch thấp nhất.

Các quốc gia phát triển thường có thị trường tài chính phát triển và chi phí giao dịch thấp. Ngược lại, ở các quốc gia có mức độ phát triển thấp hơn thường có thị trường tài chính kém phát triển hơn và chi phí giao dịch cao hơn.

Mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tăng trưởng đã được các nhà nghiên cứu thực hiện như: Andreini và cộng sự (2021), Hao và cộng sự (2020), Kuosmanen và Vataja (2019), Phạm Thị Hồng Hoa và cộng sự (2019), Lê Phương Thảo Quỳnh và Nguyễn Thị Phương Thảo (2022).

Hầu hết các nghiên cứu đều cho kết quả mối quan hệ dương giữa phát triển tài chính và tăng trưởng. Tuy vậy, có một số nghiên cứu cho rằng, quan hệ tiêu cực giữa phát triển tài chính và tăng trưởng, Hao và cộng sự (2020) cho rằng, khi thị trường tài chính tăng trưởng “nóng” có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế như: lạm phát cao và hiệu quả đầu tư kém.

Xuất phát từ quốc gia có mức độ phát triển thấp, Việt Nam đã thực hiện đổi mới nền kinh tế từ năm 1986 và đổi mới căn bản hệ thống tài chính từ năm 1988, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2011 và tiếp tục có sự cải thiện về chất lượng tăng trưởng cũng như cải thiện thu nhập bình quân đầu người; đồng thời hệ thống tài chính đã có những đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, kể từ năm 2020 tới nay, toàn cầu chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nghiên cứu tác động của phát triển tài chính lên tăng trưởng trong bối cảnh mới cũng là mục tiêu mà tác giả thực hiện nghiên cứu này.

Tổng quan nghiên cứu

Các nghiên cứu quốc tế

Nghiên cứu mối quan hệ tác động của phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế đã được một số tác giả nước ngoài thực hiện. Hầu hết các nghiên cứu đều khẳng định phát triển tài chính có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Nghiên cứu của Andreini và cộng sự (2021) cho rằng, nhân tố liên quan tới dòng vốn đầu tư quốc tế có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Đức, nhưng các nhân tố về tài chính thì không tác động.

Theo tác giả, kinh tế Đức đạt mức độ tăng trưởng cao, sự phát triển tài chính phải gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ở mức độ cao thì mới có khả năng cải thiện tăng trưởng kinh tế. Điều này khác với các nước đang phát triển khi mở rộng hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán có thể có tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Sau cải cách kinh tế năm 1977, Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới. Shetewy và cộng sự (2022) nghiên cứu tác động của phát triển tài chính đối với kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, tác giả cho rằng, phát triển tài chính không tác động lên hoạt động ngoại thương, trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Ngoài ra, tác giả tìm thấy tác động của ứng dụng công nghệ đối với kinh tế Trung Quốc, đó là gia tăng sử dụng kết nối qua hoạt động internet có khả năng cải thiện thành quả kinh tế nước này.

Trong khi đó, Hao và cộng sự (2020) cho rằng, Trung Quốc đang chuyển đổi kinh tế nhanh và định hướng phát triển bền vững, đòi hỏi các dòng vốn đầu tư được định hướng vào lĩnh vực có khả năng tạo ra giá trị trong dài hạn.

Hao và cộng sự (2020) nghiên cứu tại 29 tỉnh của Trung Quốc trong giai đoạn 1995 đến 2014 và cho rằng, tiêu dùng năng lượng là yếu tố đóng góp lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế tại nước này và có tác động lớn hơn so với phát triển tài chính.

Nghiên cứu của Cao và cộng sự (2022) xem xét tác động không gian của phát triển tài chính và đổi mới công nghệ lên tăng trưởng tại Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này hướng đến tăng trưởng xanh và chỉ số tăng trưởng xanh được đo lường qua phương pháp Entropy Weight Method (EWM) và Cao và cộng sự (2022) cho rằng, quy mô phát triển của các tổ chức tài chính tác động tích cực đến tăng trưởng xanh ở các địa phương xung quanh.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả này cũng cho rằng, quy mô của thị trường chứng khoán tác động tích cực đến tăng trưởng xanh ở địa phương và khu vực lân cận.

Đồng thời, đổi mới công nghệ tại địa phương có tác động tích cực đáng kể đến tăng trưởng xanh của địa phương, nhưng không có tác động lên tăng trưởng xanh ở các địa phương xung quanh.

Khi sự phối hợp giữa phát triển tài chính và đổi mới công nghệ còn yếu, tác động qua lại giữa chúng có thể làm giảm tăng trưởng, qua đó khẳng định phát triển tài chính cần gắn liền với hoạt động đổi mới công nghệ để cải thiện năng suất của nền kinh tế.

Kuosmanen và Vataja (2019) nghiên cứu mối quan hệ giữa tài chính và tăng trưởng trong hoàn cảnh nền kinh tế có biến động, do sự thay đổi của các nhân tố vĩ mô tại các nước G7 trong những năm 2000 và cho rằng, khả năng thay đổi trên thị trường tài chính ảnh hưởng tới tăng trưởng tại các nước là khác nhau và tùy thuộc vào mức độ ổn định hoặc bất ổn của mỗi nền kinh tế.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến thảo luận về mối quan hệ giữa mức độ phát triển tài chính và đóng góp vào tăng trưởng được quan tâm bởi nhiều học giả.

Nghiên cứu của Zhang và Zhou (2021) cho rằng, mức tối đa hóa phúc lợi của phát triển tài chính thấp hơn mức tối đa hóa tăng trưởng trong dài hạn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, kênh giá thông qua lãi suất thế giới chiếm ưu thế so với kênh số lượng, năng suất tài chính. Điều này cho thấy, khi có sự hợp tác giữa các quốc gia trong giải quyết rủi ro của hệ thống tài chính toàn cầu có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro trên thị trường tài chính.

Một nghiên cứu khác tại Trung Quốc, Xue (2020) cho rằng, mức độ biến động tăng trưởng tổng hợp giảm từ năm 1997, trong khi các nước tiên tiến có mức độ biến động tăng trưởng nhỏ hơn các nước đang phát triển.

Xue (2020) khẳng định, sự phát triển của khu vực tài chính làm giảm sự biến động của tăng trưởng và gia tăng cú sốc của biến động lạm phát. Điều này cho thấy, các quốc gia nên duy trì sự phát triển của khu vực tài chính ở mức độ tối ưu nhằm giảm cú sốc lạm phát và giảm các biến động chung của nền kinh tế.

Boikos và cộng sự (2022) nghiên cứu dựa trên dữ liệu bảng 81 quốc gia trong khoảng thời gian 30 năm và cho rằng, cải cách tài chính là yếu tố quan trọng quyết định tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại quốc gia có mức tăng trưởng thấp, cải cách tài chính có thể mang lại lợi ích lớn hơn tại quốc gia có mức tăng trưởng cao.

Nhóm tác giả này cũng cho rằng, phát triển tài chính có tác động tích cực lên tăng trưởng, nhưng tầm ảnh hưởng khác nhau và cải cách tài chính ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nhiều hơn phát triển tài chính.

Để cải thiện chất lượng tăng trưởng, Boikos và cộng sự (2022) nhấn mạnh, vấn đề giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng và duy trì sự giám sát của thị trường chứng khoán, giúp thị trường tài chính hoạt động ổn định.

Các nghiên cứu trong nước

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, trong đó thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng đối với việc huy động tiết kiệm và phân bổ các nguồn vốn trong nền kinh tế.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế đã được các nhà nghiên cứu trong nước thực hiện và chỉ rõ kết quả nghiên cứu.

Phạm Thị Hồng Hoa và cộng sự (2019) sử dụng mô hình tự hồi quy phân phối trễ ARDL và cho rằng, trong ngắn hạn, phát triển tài chính có tác động ngược chiều với tăng trưởng, trong khi tồn tại mối quan hệ tích cực trong dài hạn.

Điều này gợi ý cho Việt Nam cải cách phát triển tài chính nhằm tối ưu hóa tăng trưởng, đặc biệt trong ngắn hạn, khi thị trường tài chính cần có định hướng dòng vốn vào dự án đầu tư hiệu quả, để cải thiện chất lượng tăng trưởng trong dài hạn.

Sử dụng phương pháp hồi quy bình thương tối thiểu gộp nghiên cứu tại Việt Nam và một số nước trong khu vực ASEAN, Lê Phương Thảo Quỳnh và Nguyễn Thị Phương Thảo (2022) cho rằng, phát triển tài chính tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế, do đó cải thiện mức độ phát triển tài chính, hiệu quả của thị trường, nâng cao hoạt động giám sát trên hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, Dương Thị Bình Minh và Lê Thị Mai (2019) cho rằng, tồn tại mối quan hệ một chiều giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế và mối quan hệ này mạnh hơn tại mức thu nhập thấp.

Ngoài ra, tỷ lệ tiết kiệm trong nền kinh tế có tác động dương lên tăng trưởng và ngược lại, tỷ lệ tiết kiệm trong nền kinh tế có tác động âm lên tăng trưởng.

Mô hình nghiên cứu, đề xuất cho Việt Nam

Qua kết quả nghiên cứu mối quan hệ phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế, hầu hết các nghiên cứu đều khẳng định mối quan hệ tích cực, tuy vậy, cũng có một số nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ tiêu cực.

Trong giai đoạn từ 2020 đến nay, Việt Nam và hầu hết các nước đều chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đồng thời, tác động đến thị trường tài chính và làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nhằm đánh giá tác động của mối quan hệ này trong trường hợp: (i) Trước đại dịch; (ii) Trong ảnh hưởng của đại dịch, phương trình hồi quy có thể được thể hiện như sau:

GDPt= β01 FINANCEt2 COVIDt3 CONTROLt+ μ

Trong đó:

GDPi là tốc độ tăng trưởng kinh tế;

FINANCEt là đo lường phát triển tài chính;

COVIDt là biến giả, nhận giá trị 1 trong năm đại dịch, nhận giá trị 0 cho các năm trước đại dịch;

CONTROLt là các biến kiểm soát, ví dụ: lạm phát, lãi suất, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kết luận

Thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong nền kinh tế trong luân chuyển và phân bổ nguồn vốn từ nơi dư thừa sang nơi thiếu vốn. Thị trường tài chính hoạt động hiệu quả có khả năng giảm chi phí nền kinh tế và nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng.

Các nghiên cứu mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tăng trưởng hầu hết đều khẳng định mối quan hệ tích cực, theo đó, tài chính phát triển có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian, nghiên cứu thực hiện tại Việt Nam nhằm đánh giá sự tác động và mức độ ảnh hưởng của phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế, qua nghiên cứu giúp cho tác giả thực hiện đánh giá mối quan hệ này và qua đó đưa ra những hàm ý chính sách trong cải thiện và phát triển tài chính nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Dương Thị Bình Minh và Lê Thị Mai (2019), Tác động phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu. Tạp chí Nghiên cứu và Kinh doanh châu Á, 30(1), 26-48;

2. Lê Phương Thảo Quỳnh và Nguyễn Thị Phương Thảo (2022), Ảnh hưởng của phát triển tài chính lên tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, 145, 53-68;

3. Phạm Thị Hồng Hoa và cộng sự (2019), Mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 10/2019;

4. Andreini, P., Hasenzagl, T., Reichlin, L., Senftleben-König, C., & Strohsal, T. (2021). Nowcasting German GDP: Foreign factors, financial markets, and model averaging. International Journal of Forecasting; https://doi.org/ https://doi.org/10.1016/j.ijforecast.2021.11.009;

5. Boikos, S., Panagiotidis, T., & Voucharas, G. (2022), Financial development, reforms and growth. Economic Modelling, 108, 105734. https://doi.org/ https://doi.org/10.1016/j.econmod.2021.105734;

6. Cao, J., Law, S. H., Bin Abdul Samad, A. R., Binti W Mohamad, W. N., Wang, J., & Yang, X. (2022), Effect of financial development and technological innovation on green growth—Analysis based on spatial Durbin model. Journal of Cleaner Production, 365, 132865. https://doi.org/https://doi. org/10.1016/j.jclepro.2022.132865;

7. Hao, Y., Wang, L.-O., & Lee, C.-C. (2020), Financial development, energy consumption and China’s economic growth: New evidence from provincial panel data. International Review of Economics & Finance, 69, 1132–1151; https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.iref.2018.12.006.

Bài đăng lại trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2022.