Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Tài chính


Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại. Với xu thế chung, yêu cầu đặt ra của ngành Tài chính là phấn đấu hình thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện, hiện đại, phong phú trên mọi lĩnh vực. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là kế hoạch hành động mang tính tổng thể, toàn diện của Bộ Tài chính nhằm giúp các đơn vị trong ngành Tài chính dễ dàng theo dõi, bám sát triển khai có lộ trình cụ thể các nhiệm vụ chuyển đổi số của đơn vị mình, phù hợp với tổng thể chung của Ngành…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu

Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là quá trình số hóa và nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin mà là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức vận hành, là việc tư duy lại cách thức tổ chức, sử dụng dữ liệu và quy trình.

Sự khác biệt cơ bản giữa “tin học hóa” và “chuyển đổi số” chính là sự khác biệt giữa “nghiệp vụ” và “dữ liệu”. Tin học hóa là việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin theo một quy trình, nghiệp vụ có sẵn mà không làm thay đổi quy trình đó, còn chuyển đổi số lấy dữ liệu là trung tâm, có thể làm thay đổi quy trình để phù hợp với thực tiễn.

Thực tế trên thế giới và tại Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể thấy, điểm đặc trưng của chuyển đổi số trong mọi công việc, hoạt động của đời sống xã hội đến nay phần lớn đều sử dụng dữ liệu, việc đưa ra các quyết định cũng dựa trên việc phân tích dữ liệu.

Đối với các hoạt động mạng xã hội, nền tảng Facebook xuất hiện và hình thành từ năm 2007, đến nay là một trong các nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Đối với lĩnh vực vận tải hành khách, ứng dụng Grab xuất hiện và hình thành từ năm 2012, đến nay trở thành một trong những nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải hàng đầu thế giới và đã dần dần thay thế cho taxi truyền thống. Đối với lĩnh vực bán lẻ, từ khi có sự xuất hiện các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, thị phần cho ngành bán lẻ đang sụt giảm nhanh chóng. Các sàn thương mại điện tử đã góp phần thay đổi cách thức, phương thức mua sắm của người tiêu dùng.

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, xây dựng… cũng đã dần định hình áp dụng các công nghệ mới, các sản phẩm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để thay đổi phù hợp với xu thế chuyển đổi số.

Từ bối cảnh và thực tiễn như trên, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong cơ quan tài chính, đối với lĩnh vực tài chính là điều tất yếu xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của người dân, doanh nghiệp và là một thách thức không nhỏ đối với ngành Tài chính vừa để đảm bảo thực hiện đúng các quy định, chích sách của Bộ Chính trị, Chính phủ về chuyển đổi số, vừa để phù hợp với xu thế của xã hội, đáp ứng tốt cho các hoạt động, dịch vụ tài chính số phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Yêu cầu đặt ra với ngành Tài chính

Với mỗi một văn bản do Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính luôn chủ động đón đầu, nắm bắt các thể chế, chính sách, các chương trình kế hoạch, nhiệm vụ về chuyển đổi số và luôn kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch hành động về chuyển đổi của Bộ Tài chính để đáp ứng các yêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên công tác triển khai chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể:

- Khi Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành một văn bản giao nhiệm vụ về chuyển đổi số, Bộ Tài chính phải xây dựng một chương trình Kế hoạch hành động tương ứng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ Tài chính bị quy định chưa được đồng bộ, thống nhất tại các văn bản cơ chế chính sách khác nhau gây khó khăn cho công tác chỉ đạo của ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Tài chính.

- Do các nhiệm vụ nằm rời rạc tại nhiều văn bản, các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và báo cáo không nắm rõ đơn vị mình phải thực hiện những nhiệm vụ gì và được quy định tại những văn bản nào, dẫn đến việc chưa có sự thống nhất trong việc triển khai chuyển đổi số của Bộ Tài chính.

- Công tác tổng hợp số liệu gặp nhiều khó khăn khi chưa có sự thống nhất về số liệu giữa các chế độ báo cáo do thời điểm thực hiện mỗi chế độ báo cáo là khác nhau (có báo cáo gửi theo Quý, có báo cáo gửi theo năm), số liệu khi báo cáo lên Bộ Chính trị, Chính phủ thường có sự sai lệch về tiến độ thực hiện.

- Các văn bản, cơ chế chính sách của Đảng, Chính phủ ban hành tuy khác nhau nhưng nội hàm các nhiệm vụ triển khai bên trong phần lớn giống nhau. Theo đó, các đơn vị phải báo cáo cùng một nội dung nhiều lần và gửi nhiều đơn vị (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương…), điều này gây mất rất nhiều thời gian cho cán bộ của các đơn vị khi phải thực hiện nhiều chế độ báo cáo.

Về việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, có thể thấy ngành Tài chính mới chuyển đổi số một phần, chưa toàn diện trên toàn bộ mọi lĩnh vực quản lý của ngành Tài chính. Một số lĩnh vực đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số như thuế, kho bạc, hải quan, chứng khoán, ngân sách nhà nước nhưng một số lĩnh vực đến thời điểm hiện tại còn chưa được tin học hóa (đầu tư công, tài chính ngân hàng, hành chính sự nghiệp…)

Từ thực tiễn trên, yêu cầu đặt ra của ngành Tài chính là phấn đấu hình thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện, hiện đại, phong phú trên mọi lĩnh vực. Để hình thành được hệ sinh thái tài chính số, toàn bộ mọi hoạt động nghiệp vụ của ngành Tài chính trước tiên phải được tin học hóa, từ đó sinh ra dữ liệu, sau cùng là áp dụng các sản phẩm công nghệ số như: Big Data, AI, IOT, Chatbot… để phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính cũng như cung cấp dữ liệu, dịch vụ số phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Với yêu cầu đặt ra như trên, việc Bộ Tài chính xây dựng một chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Tài chính là cần thiết. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đây là kế hoạch hành động mang tính tổng thể, toàn diện của Bộ Tài chính nhằm giúp các đơn vị trong ngành Tài chính dễ dàng theo dõi, bám sát triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của đơn vị mình, một mặt giúp các đơn vị có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh chuyển đổi số tổng thể ngành Tài chính, nhằm đưa ra được định hướng phát triển, lộ trình cụ thể đối với các nhiệm vụ của đơn vị mình để phù hợp với tổng thể chung của ngành.

Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thể hiện các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của Bộ Tài chính và phân công tổ chức thực hiện cho các đơn vị trong ngành Tài chính.

Về quan điểm

Quyết định số 1484/QĐ-BTC đã thể hiện được rõ quan điểm của lãnh đạo Bộ Tài chính trong triển khai chuyển đổi số và phù hợp với quan điểm chung của Chính phủ, trong đó:

Thứ nhất, tập trung hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, giúp lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Thứ hai, phát triển Bộ Tài chính số một cách tổng thể, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Bộ Tài chính điện tử và hình thành Bộ Tài chính số vào năm 2025.

Thứ ba, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của Bô Tài chính, tương tác với các cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội; Bộ Tài chính cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với lĩnh vực tài chính. Kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.'

Thứ tư, phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng tại mọi nơi. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung.

Về mục tiêu

Ngoài các mục tiêu chung, Quyết định số 1484/ QĐ-BTC có tổng cộng 33 mục tiêu và được chia thành 03 nhóm mục tiêu chính: (1) Cung cấp các dịch vụ tài chính số chất lượng phục vụ xã hội: (2) Vận hành tối ưu các hoạt động của Bộ Tài chính; (3) Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội. Các nhóm mục tiêu đã được Bộ Tài chính phân nhóm phù hợp theo các nhóm mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra tại Quyết định số 942/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Bộ Tài chính có tổng cộng khoảng 100 nhiệm vụ, trong đó tập trung phát triển trên 05 mặt cốt lõi gồm phát triển hạ tầng, phát triển các ứng dụng dịch vụ số, phát triển các cơ sở dữ liệu, phát triển các nền tảng, hệ thống, triển khai các giải pháp an toàn bảo mật thông tin, trong đó:

Một là, về hạ tầng, ngoài việc tiếp tục duy trì hệ thống kênh truyền hạ tầng truyền thông ngành Tài chính, Bộ Tài chính tập trung phát triển đám mây ngành Tài chính (MOF Cloud) phục vụ cho việc cài đặt ứng dụng, lưu trữ cơ sở dữ liệu (trừ các ứng dụng dữ liệu đặc thù).

Hai là, về các nền tảng hệ thống, tập trung phát triển các nền tảng quan trọng như nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu ngành Tài chính theo định hướng của Chính phủ tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP quy định về kết nối chia sẻ dữ liệu trong cơ quan Nhà nước, nền tảng hóa đơn điện tử và một số nền tảng khác …

Ba là, về cơ sở dữ liệu, Bộ Tài chính tập trung xây dựng CSDL tổng hợp về tài chính (CSDL quốc gia về Tài chính) nhằm mục tiêu hình thành kho cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn bộ các lĩnh vực trong ngành Tài chính (Thuế, Kho bạc, Hải quan, Chứng khoán, Dự trữ, Tài sản công, Nợ công, Bảo hiểm, Giá, Tài chính doanh nghiệp…), dần hình thành kho dữ liệu tài chính số phong phú, dữ liệu được chia sẻ kết nối dùng chung giữa các đơn vị trong ngành và có thể tái sử dụng nhiều lần.

Bốn là, về các ứng dụng dịch vụ số, Bộ Tài chính tập trung phát triển các ứng dụng dịch vụ ngành Tài chính theo 03 nhóm chính gồm: (i) Các ứng dụng dịch vụ chuyên ngành cốt lõi, (ii) các ứng dụng dịch vụ phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, (iii) các ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân doanh nghiệp.

Năm là, về an toàn bảo mật, triển khai đầy đủ các giải pháp an toàn thông tin, thuê dịch vụ giám sát an toàn thông tin, triển khai các khóa huấn luyện ứng cứu sự cố an toàn thông tin để đảm bảo dữ liệu ngành Tài chính được bảo mật, không bị lộ lọt ra bên ngoài.

Ngoài ra, để đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn ngành Tài chính, Quyết định số 1484/ QĐ-BTC quy định việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành Tài chính cần đảm bảo tuân thủ theo các quy định về kiến trúc, hướng dẫn chung cho ngành Tài chính như kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, hướng dẫn về việc kết nối chia sẻ dữ liệu ngành Tài chính để đảm bảo phù hợp chung với Khung kiến trúc tổng thể cũng như quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu của Chính phủ.

Có thể thấy, khối lượng công việc của ngành Tài chính tại Quyết định số 1484/QĐ-BTC rất lớn, công cuộc chuyển đổi số ngành Tài chính sẽ còn vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc và là một nhiệm vụ trường kỳ mà Bộ Tài chính sẽ phải kiên trì theo dõi, thực hiện (ít nhất là cho đến năm 2030) để hình thành hệ sinh thái số cho ngành Tài chính toàn diện, phong phú, hiện đại. Việc triển khai tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số tại Quyết định số 1484/QĐ-BTC sẽ từng bước thay đổi mọi hoạt động cho cho các cá nhân, tổ chức trong ngành Tài chính, cụ thể: Thay đổi phương thức chỉ đạo điều hành, hoạt động dựa trên dữ liệu số; Thay đổi quy trình làm việc từ thủ công sang môi trường số; Thay đổi phương thức người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ số…

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

2. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về việc phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

4. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030.

* Nguyễn Hồng Đoàn, Nguyễn Trung Hiếu, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính)

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2022