Chung tay đổi mới giáo dục nghề nghiệp

Hùng Mạnh

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020, Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đổi mới đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp.

Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp hướng đến đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp.
Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp hướng đến đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp.

Từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN

Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là 01 trong 03 Dự án thành phần của Chương trình mục tiêu GDNN – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017.

Mục tiêu của Dự án là đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp về cơ chế chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới.

Sau 3 năm triển khai, Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, góp phần cụ thể hóa Luật GDNN, đưa Luật vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Dự án cũng gặp phải không ít khó khăn do kinh phí để đầu tư cho dự án còn hạn chế. Các bộ, ngành địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án không bố trí, huy động hoặc bố trí nhưng ít kinh phí của bộ, ngành, địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác nên việc đầu tư thiết bị cho các ngành, nghề trọng điểm chưa được đồng bộ để khai thác triệt để thiết bị đã được đầu tư. Một số bộ, ngành, địa phương phân, giao kinh phí Dự án còn chậm, chưa đúng các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn theo hướng dẫn…

Thêm vào đó, nhiều nghề trọng điểm chưa có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nên việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động vẫn mang tính chất thí điểm, chưa triển khai được rộng rãi; Chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhất là các lĩnh lực, ngành nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao; Chất lượng tuyển sinh đầu vào học nghề chưa cao và chưa đồng đều dẫn đên việc các trường gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo các nghề chất lượng cao và đào tạo tiếng anh, tin học cho học sinh, sinh viên; trình độ tiếng anh của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được theo yêu cầu.

Cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục

Để khắc phục những vướng mắc và hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Dự án cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục trong đổi mới đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp.

Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đã gặt hái nhiều kết quả tích cực.
Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đã gặt hái nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cơ quan thực hiện Dự án cần phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và phê duyệt dự án đầu tư đảm bảo đúng nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ; Đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm tại các trường cao đẳng, trung cấp công lập được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm đang thực hiện có hiệu quả.

Đồng thời, chủ động huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương tập trung đầu tư cho các ngành, nghề trọng điểm của các trường; Sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho các ngành, nghề trọng điểm phù hợp với yêu cầu đào tạo thực tế và khả năng huy động các nguồn vốn.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cơ quan thực hiện Dự án cần tiếp tục khai thác, bảo quản và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư giai đoạn 2016-2018; Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng khai thác, sử dụng các hạng mục công trình, trang thiết bị đã được đầu tư để có phương án sắp xếp, bố trí lại, điều chuyển, hoặc tiếp tục đầu tư đồng bộ nhằm khai thác có hiệu quả.

Đặc biệt, cần khuyến khích tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: nhà trường tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (bảo đảm về số lượng, chất lượng trong đào tạo), doanh nghiệp cam kết bảo đảm đầu ra cho học sinh, sinh viên. Từ đó, hình thành các mô hình nhà trường kết hợp doanh nghiệp, sinh viên được đào tạo lý thuyết tại trường và thực hành trực tiếp tại các doanh nghiệp…

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương tập trung đầu tư cho các ngành, nghề trọng điểm của các trường; Sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho các ngành, nghề trọng điểm phù hợp với yêu cầu đào tạo thực tế và khả năng huy động các nguồn vốn.