Huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh
Xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết toàn diện nhất về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ trước tới nay. Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính lớn. Tuy nhiên, Hà Tĩnh và nhiều địa phương trong cả nước đã và đang gặp không ít khó khăn về nguồn lực tài chính triển khai Chương trình. Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn về huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh, bài viết đóng góp một vài khuyến nghị để huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho thực hiện Chương trình này.
Huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thôn mới
Sau 6 năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện, từng bước đi vào chiều sâu, được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong xây dựng NTM. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân theo Bộ tiêu chí quốc gia là 14,4 tiêu chí. Đến nay, có 81 xã đạt chuẩn NTM (35,37%); 30 xã đạt 13-18 tiêu chí (13%); 101 xã đạt 10-12 tiêu chí (44,1%); 17 xã đạt 9 tiêu chí (7,42%) và không còn xã dưới 9 tiêu chí.
Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được kết quả nêu trên vấn đề huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho xây dựng NTM. Tổng nguồn lực tài chính huy động cho xây dựng NTM ở Hà Tĩnh từ năm 2011 đến 2016 đạt 71.084,2tỷ đồng, trong đó NSNN trực tiếp thực hiện Chương trình: 4.001,224 tỷ đồng (chiếm 5,63% gồm: ngân sách Trung ương 827,5 tỷ đồng, ngân sách Tỉnh 1.105,3 tỷ đồng, ngân sách huyện 697,87 tỷ đồng, ngân sách xã 1415,6 tỷ đồng); vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án 5252,531 tỷ đồng (chiếm 7,39%); vốn doanh nghiệp 1.664 tỷ đồng (chiếm 2,34%); vốn tín dụng 55.733,7 tỷ đồng (chiếm 78,4%); nhân dân đóng góp 3.734 tỷ đồng (chiếm 5,25%); vốn huy động từ nguồn khác 654 tỷ đồng (chiếm 0,92%).
Trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư từ vốn NSNN cũng như ưu đãi thu hút đầu tư xã hội vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng nguồn lực tài chính cho xây dựng NTM liên tục gia tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nguồn lực tài chính đầu tư phát triển của toàn xã hội. Điểm tích cực của chính sách huy động và sử dụng nguồn lực tài chính xây dựng NTM tại Hà Tĩnh thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, các cơ chế, chính sách được ban hành và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, tạo bước đột phá, thu hút được một lượng lớn các nguồn lực tài chính tập trung cho xây dựng NTM. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình trong đó phải kể đến các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính. Các cơ chế, chính sách được ban hành và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, tạo bước đột phá, thu hút được một lượng lớn các nguồn lực tài chính tập trung cho xây dựng NTM.
Thứ hai, các hình thức, cơ chế huy động được thực hiện khá đa dạng. Đối với nguồn hỗ trợ từ ngân sách bao gồm các nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình NTM; ngân sách Tỉnh hỗ trợ; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án. Nguồn vốn tín dụng được huy động chủ yếu thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Vốn huy động từ DN được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức hỗ trợ tiền mặt hoặc sản phẩm của DN tham gia đầu tư trực tiếp. Các hình thức huy động từ cộng đồng bao gồm tiền mặt; hiện vật, ngày công lao động và đóng góp bằng tiền.
Vì vậy, tổng nguồn lực tài chính huy động cho Chương trình đã vượt so với kế hoạch đề ra (vượt 105%). Trong đó, đáng kể nhất là nguồn trực tiếp từ NSNN các cấp và nguồn huy động từ tín dụng. Ngân sách cấp xã rất tích cực trong khai thác nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất) tạo nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có dư nợ cho vay đối với 229 xã đến hết năm 2016 là 18.675 tỷ đồng, chiếm 91,30% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Số khách hàng còn dư nợ đạt 238.056 hộ. Cộng đồng dân cư đã từng bước thể hiện vai trò chủ thể của mình, đã đóng góp đến 3.734 tỷ đồng cho xây dựng NTM.
Thứ ba, việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính được thực hiện trên tất cả các nhóm tiêu chí của xây dựng NTM, trong đó, tập trung chủ yếu cho hai nhóm tiêu chí xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và tổ chức, phát triển sản xuất, điều đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo động lực để nông thôn phát triển.
Cơ chế đầu tư được đổi mới căn bản theo hướng phân cấp tối đa cho cấp xã và cộng đồng trong quyết định, giám sát đầu tư... Việc cấp phát NSNN từ KBNN hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng NTM được thực hiện đúng các nguyên tắc.
Những hạn chế, tồn tại và khuyến nghị đặt ra
Bên cạnh những điểm tích cực trong huy động và sử dụng nguồn lực tài chính trong xây dựng NTM tại Hà Tĩnh, quá trình triển khai cũng phát sinh những hạn chế, tồn tại như:
Một là, mặc dù quy mô huy động nguồn tài chính cao hơn so với kế hoạch đề ra, song cơ cấu huy động nguồn tài chính thực hiện chương trình NTM còn chưa hợp lý. Nguồn lực tài chính từ tín dụng và NSNN là nguồn lực tài chính chủ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách trung ương có xu hướng giảm, nguồn tài chính ngân sách địa phương phụ thuộc nhiều vào thu tiền sử dụng đất.
Đến nay, để có nguồn tài chính đối ứng thực hiện Chương trình xây dựng NTM các xã đều đã thực hiện quy hoạch và tổ chức đấu giá đặc biệt là đối với vị trí đất đai được giá. Nguồn lực tài chính chủ yếu đóng góp tỷ trọng lớn nhất là nguồn lực từ tín dụng (78,4%). Nguồn lực này đi kèm nhiều rủi ro như phát sinh nợ đọng, nợ xấu, nếu không được quản lý tốt, sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền kinh tế.
Hai là, mức ngân sách trung ương cân đối hàng năm cho các địa phương nói chung và cho Chương trình NTM của Hà Tĩnh còn thấp (chỉ đạt gần 6%), chưa đảm bảo cơ cấu 17% tổng vốn đầu tư Chương trình NTM như kế hoạch đề ra. Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM đòi hỏi sự đóng góp của người dân ngày càng lớn.
Huy động nguồn tài chính từ cộng đồng dân cư được thực hiện thông qua việc phân bổ nghĩa vụ đóng góp theo hộ gia đình là chủ yếu. Vì vậy, nhiều nơi còn huy động đóng góp của người dân ở mức cao, vượt quá khả năng đóng góp của người dân. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các NHTM.
Ba là, mặc dù tổng nguồn lực tài chính thực hiện vượt so với kế hoạch đề ra, song xét về mặt cơ cấu sử dụng vốn kể cả kế hoạch lẫn thực hiện còn chưa thật hợp lý bởi tập trung chủ yếu vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mà chưa chú trọng nhiều vào đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, xử lý môi trường. Việc phân bổ nguồn NSNN chủ yếu tập trung vào các xã đăng ký nhằm hoàn thành mục tiêu số lượng xã đạt tiêu chuẩn NTM đã đề ra.
Bốn là, việc tham gia bàn bạc và giám sát Chương trình xây dựng NTM của người dân còn chưa toàn diện, mới chỉ dừng lại ở việc quan tâm, bàn bạc, quyết định và giám sát đối với các công trình xây dựng có sự đóng góp trực tiếp của người dân.
Để phát huy những kết quả đạt được trong huy động, sử dụng nguồn lực tài chính và khắc phục những tồn tại đặt ra, trong xây dựng NTM, thời gian tới Hà Tĩnh cần quan tâm đến các nội dung sau:
- Xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho xây dựng NTM một cách khoa học, có tính khả thi cao. Do khối lượng công việc của Chương trình xây dựng NTM rất lớn và cần rất nhiều nguồn lực tài chính; nên kế hoạch nguồn lực tài chính rất quan trọng; nó là cơ sở để tổ chức thực hiện huy động, sử dụng nguồn lực tài chính cho xây dựng NTM. Để kế hoạch phù hợp với thực tiễn thì kế hoạch phải được lập dựa trên các căn cứ khoa học, phù hợp với từng địa phương, có sự tham gia bàn bạc của người dân; phân cấp rõ ràng và phân định hợp lý sự tham gia của các nguồn lực tài chính...
- Tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho xây dựng NTM. Ngân sách trung ương cần đảm bảo nguồn lực hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình theo đúng cam kết, cấp đúng thời gian để bảo đảm tiến độ thực hiện Chương trình; Đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu chính phủ dành cho Chương trình xây dựng NTM; Tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương thông qua việc xác định lại nguồn thu phân cấp cho các địa phương trên cơ sở Luật NSNN; Khai thác thế mạnh phát triển kinh tế của mỗi địa phương để gia tăng nguồn thu cho NSNN; Đồng thời, cần tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương từ quyền sử dụng đất thông qua rà soát xác định quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu giá; Khuyến khích thực hiện cơ chế đổi đất lấy hạ tầng NTM; Tăng cường huy động nguồn vốn từ cộng đồng và doanh nghiệp cho xây dựng NTM.
- Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc đơn giản hóa thủ tục về cho vay, điều chỉnh linh hoạt đối tượng, phạm vi và điều kiện cho vay; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và chú trọng phát triển bảo hiểm nông nghiệp…
- Cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn bắt đầu từ việc tăng đầu tư NSNN cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn, gắn với nhu cầu thiết thực của người dân, từ đó nâng cao khả năng kinh tế của người dân nông thôn nhằm tăng mức đóng góp trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
- Kiểm soát và xử lý các khoản nợ. Nợ xây dựng cơ bản đang là vấn đề đặt ra cần giải quyết trong xây dựng NTM hiện nay của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó thu hút nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Vấn đề nợ NTM cần phải giải quyết và kiểm soát chặt chẽ để đảm bào tính bền vững của NTM.
- Tăng cường vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Sự tham gia của người dân được đánh giá ở mức độ: Người dân quan tâm, được biết và được thông báo; thảo luận và góp ý; ra quyết định và theo dõi, giám sát, đánh giá đối với quá trình quản lý tài chính...
Tài liệu tham khảo:
1. Monitor (2012), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (Khóa X) số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
3. Chính phủ (2010), Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM;
4. Báo cáo của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh các năm 2015; 2016;
5. Tô Xuân Dân, Lê Văn Viện, và Đỗ Trọng Hùng (2013), Xây dựng NTM ở Việt Nam-Tầm nhìn mới, tổ chức quản lý mới, bước đi mới, NXB Nông nghiệp.