Một số vấn đề về sử dụng tài sản cố định tại các trường đại học công lập

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017

Hiện nay, tài sản cố định trong các doanh nghiệp không chỉ được quản lý chặt chẽ, mà còn được phân tích hiệu quả sử dụng một cách thường xuyên, dựa trên hệ thống các chỉ tiêu phân tích hiệu quả sử dụng tài sản cố định. Tuy nhiên, tại các trường đại học công lập, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức cũng như chưa có các biện pháp quản lý và sử dụng có hiệu quả. Để phát huy hiệu quả nguồn lực này đòi hỏi có sự phân tích, đánh giá cụ thể về các chỉ tiêu, để đề xuất giải pháp sử dụng các tài sản cố định hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tận dụng vai trò của tài sản cố định

Trong quá hoạt động, mục tiêu của bất cứ đơn vị nào cũng nhằm tối đa hoá giá trị tài sản (trong đó có tài sản cố định) của chủ sở hữu, do vậy việc sử dụng tài sản một cách có hiệu quả tức là mang lại tỷ suất lợi nhuận cao. Hiệu quả sử dụng TSCĐ của các trường đại học công lập (ĐHCL) cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.

Việc sử dụng có hiệu quả TSCĐ của các trường ĐHCL chính là thể hiện trình khai thác nguồn vốn sẵn có nhằm mục tiêu sinh lợi tối đa cho đơn vị. Do vậy, các trường đại học đều cố gắng sao cho tài sản được đưa vào sử dụng hợp lý để kiếm lợi cao nhất đồng thời luôn tìm các nguồn tài trợ, tăng TSCĐ hiện có để mở rộng hoạt động cả về chất và lượng, đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Trước hết nâng cao hiệu quả sử dụng TSCĐ sẽ góp phần làm tăng doanh thu cũng đồng thời tăng lợi nhuận. TSCĐ được trang bị hiện đại phù hợp, sử dụng đúng mục đích làm cho giá trị nó tạo ra được gia tăng, như vậy hoạt động của trường học cũng hiệu quả hơn. Mặt khác, nâng cao hiệu quả sử dụng TSCĐ sẽ nâng cao hiệu qủa sử dụng vốn của trường học. Muốn có TSCĐ thì đơn vị cần có vốn.

Khi hiệu quả sử dụng TSCĐ cao thì có nghĩa là nhà trường đã làm cho đồng vốn đầu tư sử dụng có hiệu quả và sẽ tạo uy tín tốt để huy động vốn. Bên cạnh đó khi hiệu quả sử dụng TSCĐ cao thì nhu cầu vốn cố định sẽ giảm đi, do đó sẽ cần ít vốn hơn để đáp ứng nhu cầu hoạt động, mở rộng phát triển nhất định, kế đó sẽ làm giảm chi phí cho sử dụng nguồn vốn, tăng lợi thế cạnh tranh về chi phí. Việc tiết kiệm về vốn nói chung và vốn cố định nói riêng là rất ý nghĩa trong điều kiện thiếu vốn như hiện nay.

TSCĐ được sử dụng hiệu quả sẽ giúp cho các trường ĐHCL bảo toàn và phát huy vốn tốt nhất do tận dụng được công suất của tài sản hợp lý hơn, vấn đề khấu hao TSCĐ, trích lập quỹ khấu hao... được tiến hành đúng đắn, chính xác. Ngoài ra, TSCĐ được sử dụng có hiệu quả làm cho khối lượng sản phẩm tạo ra tăng lên, chất lượng sản phẩm cũng tăng do máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại, sản phẩm nhiều chủng loại đa dạng, phong phú đồng thời chi phí cũng giảm và như vậy tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Việc nâng cao hiệu quả sử dụng TSCĐ có ý nghĩa quan trọng không những giúp cho các trường ĐHCL tăng được lợi nhuận mà còn giúp bảo toàn và phát triển vốn cố định, tăng sức mạnh tài chính, giúp đổi mới, trang bị thêm nhiều TSCĐ hiện đại hơn phục vụ cho nhu cầu giáo dục đào tạo.

Thực trạng và đề xuất kiến nghị

Với chủ trương của Nhà nước là đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách nhà nước và tăng quyền tự chủ cho các trường ĐHCL thì việc quản lý và sử dụng có hiệu quả TSCĐ tại các trường ĐHCL là rất cần thiết. Phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ sẽ giúp các trường ĐHCL có những biện pháp hữu ích trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng TSCĐ như: Phát huy tối đa công suất sử dụng theo thiết kế; Duy trì hoạt động ổn định của TSCĐ; Đầu tư mua sắm tài sản có định hướng...

Tuy nhiên, việc phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ tại các trường ĐHCL chỉ được thực hiện để phục vụ cho các báo cáo thống kê thông qua các chỉ tiêu như: số diện tích phòng học/sinh viên, số máy tính/nhân viên văn phòng… Các trường ĐHCL chưa sử dụng số liệu đã tính toán để ra các quyết định tối ưu về TSCĐ. Hơn nữa, hệ thống các chỉ tiêu phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ mới chỉ được xây dựng cho các doanh nghiệp mà chưa xây dựng cho các trường ĐHCL.

Tại trường ĐHCL, việc phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ chưa được quan tâm đúng mức. Các báo cáo tài chính về TSCĐ hàng năm chỉ được sử dụng cho mục đích thống kê số liệu báo cáo cơ quan cấp trên. Các báo cáo nội bộ của các trường ĐHCL như báo cáo tổng kết năm học, báo cáo tự đánh giá cơ sở giáo dục đào tạo... cũng đã tính toán được một số chỉ tiêu như: số lượng máy tính trang bị cho 1.000 sinh viên, số diện tích phòng học bình quân cho một sinh viên, số lượng máy tính trang bị cho một cán bộ văn phòng...

Tuy nhiên, các chỉ tiêu này cũng chỉ được tính dựa trên cơ sở số lượng chứ không sử dụng thước đo giá trị để tính toán. Việc tính toán cũng chỉ mang tính hình thức, các trường chưa sử dụng các số liệu đã tính toán được để phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ. Vì vậy, các trường ĐHCL không có được các thông tin chi tiết về TSCĐ như: xu hướng tăng cường áp dụng kỹ thuật mới, mức độ đảm bảo TSCĐ cho một lao động trong đơn vị, hiệu suất sử dụng TSCĐ... nên chưa đưa ra được các quyết định tối ưu về TSCĐ.

Hiệu quả sử dụng TSCĐ tại các trường ĐHCL vì thế còn chưa cao, còn xuất hiện tình trạng TSCĐ không được sử dụng hết công suất, thậm chí không sử dụng gây lãng phí nguồn kinh phí đầu tư cho tài sản của các trường. Bên cạnh đó, một số quyết định về trang bị TSCĐ do chưa tính đến hiệu quả của việc đầu tư và mức độ khai thác TSCĐ của người sử dụng nên chưa phải là quyết định tối ưu.

Thực tế hiện nay, việc phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ tại các trường ĐHCL được thực hiện thông qua ba nhóm chỉ tiêu: Nhóm chỉ tiêu phân tích tình hình biến động TSCĐ; Nhóm chỉ tiêu phân tích tình hình trang bị TSCĐ; Nhóm chỉ tiêu phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ.

Hiệu quả sử dụng TSCĐ là chỉ tiêu phản ánh mục đích của việc trang bị TSCĐ trong các trường ĐHCL. Nâng cao hiệu quả sử dụng TSCĐ chính là nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước…

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả TSCĐ tại các đpn vị sự nghiệp nói chung, ngày 14/2/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP, quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tại Nghị định, Chính phủ đã xác định rõ lộ trình thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm dần và tiến tới không còn cấp ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động của các đơn vị này nữa. Các trường ĐHCL cũng không nằm ngoài lộ trình đó.

Do vậy, trong điều kiện thực hiện tự chủ tài chính thì việc phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ là biện pháp hữu hiệu giúp các trường ĐHCL sử dụng sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn kinh phí của đơn vị. Để làm được điều này, các trường ĐHCL phải tiến hành thiết lập hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ. Mục tiêu của hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ là cung cấp các báo cáo phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ một cách tổng quát nhất và dễ đọc nhất nhằm giúp nhà quản lý các trường ĐHCL ra các quyết định tối ưu về TSCĐ.

Với mục tiêu trên, tác giả đề xuất hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ tại các trường ĐHCL chia thành 3 nhóm như đã đề cập ở trên. Thông qua việc tính toán các chỉ tiêu này giúp nhà quản lý của các trường ĐHCL có được cái nhìn đúng đắn về thực trạng sử dụng TSCĐ của mình để từ đó đưa ra những quyết sách chính xác và kịp thời.

Chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng tài sản của các trường ĐHCL là TSCĐ, do vậy đòi hỏi TSCĐ phải được quản lý và sử dụng thực sự hiệu quả. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp kinh phí của các trường được sử dụng một cách có hiệu quả. Để làm được điều này đòi hỏi các trường ĐHCL phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả sử dụng TSCĐ cho phù hợp với đơn vị mình, qua đó kịp thời đưa ra các quyết định tối ưu và hiệu quả.      

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.,TS. Trần Chí Thiện (2013), Giáo trình thống kê DN, NXB Khoa học xã hội;

2.Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

3. Tapchitaichinh.vn; mof.giv.vn; chinhphu.vn.