Phát triển hoạt động kiểm toán nội bộ hướng đến các chuẩn mực quốc tế

ThS. Nguyễn Minh Trang - Khoa Kế toán, Đại học Lao động và Xã hội

Trên thế giới, kiểm toán nội bộ đã có mặt từ rất lâu trong hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Tại Việt Nam, gần đây kiểm toán nội bộ bắt đầu được phổ biến và triển khai nhiều hơn với sự tiên phong của một số doanh nghiệp lớn cũng như quy định pháp lý rõ ràng hơn tại Luật Kế toán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Bài viết đánh giá lại thực trạng của kiểm toán nội bộ tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kiểm toán nội bộ theo chuẩn quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xu hướng kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp tại Việt Nam

Trên thế giới, sau các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà quản trị doanh nghiệp (DN) đã thấy được vai trò quan trọng của quản trị rủi ro cũng như vai trò của kiểm toán nội bộ. Tại Mỹ - quốc gia có thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển, kiểm toán nội bộ là bộ phận bắt buộc phải có và Luật Sarbenes-Oxley ra đời năm 2002 cũng quy định: Công ty niêm yết trên TTCK phải báo cáo về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ công ty.

Tại Việt Nam, kiểm toán nội bộ từng được đề cập cách đây hơn hai thập kỷ, thể hiện qua Quyết định 832/QĐ-BTC của Bộ Tài chính năm 1997 quy định quy chế kiểm toán nội bộ và Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kiểm toán nội bộ mới thực sự được quan tâm nhiều hơn.

Cụ thể, Luật Kế toán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 lần đầu tiên quy định về kiểm toán nội bộ. Theo Điều 39, Luật Kế toán (2015), kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.

Kiểm toán nội bộ có nhiệm vụ như: Kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; Kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt; Kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán...

Hiện nay, Dự thảo Nghị định về Kiểm toán nội bộ cũng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ cho ý kiến và trong thời gian tới nếu được ban hành cũng sẽ giúp chuẩn hoá định nghĩa, vị trí, vai trò, nhiệm vụ và phương pháp thực hiện kiểm toán nội bộ theo chuẩn mực quốc tế do Viện Kiểm toán nội bộ Quốc tế (IIA) ban hành, tạo nền tảng để kiểm toán nội bộ phát triển hơn.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt được xem như là trường hợp tiên phong trong việc áp dụng thành công mô hình kiểm toán nội bộ chuẩn quốc tế. Tại Tập đoàn này, kiểm toán nội bộ là bộ phận trực thuộc HĐQT với chức năng cung cấp những đánh giá độc lập, khách quan về hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị DN trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của Tập đoàn cho HĐQT và Tổng giám đốc trên cơ sở hoạt động đảm bảo và tư vấn.

Mới đây, Báo cáo phát triển bền vững của Bảo Việt còn tiên phong thực hiện đảm bảo bởi Khối Kiểm toán nội bộ các nội dung liên quan tới tiêu chuẩn thực hiện Báo cáo Phát triển bền vững. Theo đó, cùng với việc thực hiện kiểm toán các chỉ tiêu tài chính bởi Kiểm toán E&Y theo cả Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và Quốc tế, Bảo Việt còn tiến hành kiểm toán các chỉ tiêu phi tài chính.

Để đảm bảo độ tin cậy của một số chỉ số trên Báo cáo Phát triển bền vững năm 2016, Khối Kiểm toán nội bộ đã thực hiện việc kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo một số chỉ số phát triển bền vững. Đồng thời, đưa ra các ý kiến đánh giá độc lập, khách quan về các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến phạm vi đánh giá dựa trên các thủ tục đã được quy định tại Quy trình Kiểm toán nội bộ và các Chuẩn mực Kiểm toán nội bộ quốc tế, các hướng dẫn của Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ công bố.

Quy định này yêu cầu các kiểm toán viên của Khối Kiểm toán nội bộ tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp… Mới đây, Vinamilk đã quyết tâm thay đổi khi lập Tiểu ban kiểm toán và xóa bỏ mô hình Ban kiểm soát, với mục tiêu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tiên tiến hơn.

Nói cách khác, xu hướng tích cực này đang ngày càng góp phần tăng cường tính minh bạch thông tin DN, đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của TTCK và gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư, phát huy hiệu quả thực sự của kiểm toán nội bộ trong hoạt động DN.

Vẫn còn nhiều rào cản

Ngoài một số DN lớn thực sự nhận thức được tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ, thì hoạt động kiểm toán nội bộ tại DN đến nay vẫn khá mờ nhạt. Thực tế cho thấy, các DN niêm yết, tập đoàn, tổng công ty dù đã bắt đầu thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ nhưng chưa thực sự hiểu đúng bản chất kiểm toán nội bộ là gì, vị trí và vai trò của kiểm toán nội bộ như thế nào?

Hiện nay, nhà quản trị tài chính DN phần lớn là các đại diện chủ sở hữu, chứ không phải người chủ thực sự của DN, nên họ không đặt nặng vấn đề kiểm toán nội bộ trong DN. Mặt khác, tâm lý chung của người Việt là muốn ít bị kiểm tra, đánh giá, nên trong nhiều trường hợp, các nhà quản trị thậm chí còn xem đó là bất lợi trong hoạt động quản trị, quản lý của mình. Chính sự nhận thức chưa đầy đủ đó đã khiến nhiều DN từ chối kiểm toán nội bộ, hoặc nếu có cũng không phát huy được hiệu quả.

Việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực kiểm toán nội bộ đạt chuẩn quốc tế sẽ là thách thức lớn cho Việt Nam phát triển lĩnh vực kiểm toán nội bộ theo yêu cầu hội nhập, yêu cầu minh bạch hoá. Thống kê cho thấy, phần lớn đội ngũ kiểm toán viên nội bộ hiện hành được tuyển dụng từ các ngành nghề khác như kiểm toán độc lập, kế toán hay kiểm soát hoặc được bổ nhiệm và luân chuyển từ các bộ phận khác trong nội bộ của tổ chức.

Dựa trên khung hành nghề quốc tế, CIA là chứng chỉ duy nhất hiện nay được quốc tế công nhận dành cho nhân viên kiểm toán nội bộ được cấp bởi IIA. Trên thế giới, có hơn 115.000 kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ này, song ở Việt Nam mới chỉ có 44 người sở hữu CIA, trong khi so với các quốc gia trong cùng khu vực, trung bình có khoảng 3.000-4.000 kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ này.

Bên cạnh đó, theo số liệu của IIA năm 2016, hầu hết các kiểm toán viên nội bộ chỉ được đào tạo trung bình từ 21-40 giờ mỗi năm, trong khi thực tế yêu cầu thời gian đào tạo tối thiểu đối với một kiểm toán viên nội bộ là 40-80 giờ…

Để kiểm toán nội bộ Việt Nam hướng đến chuẩn mực quốc tế

Để kiểm toán nội bộ Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế, thời gian tới cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về kiểm toán nội bộ tiệm cận chuẩn mực quốc tế để áp dụng cho Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định về Kiểm toán nội bộ theo hướng khuyến khích các đơn vị áp dụng thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong hoạt động kiểm toán nội bộ. Về đạo đức, bên cạnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cần thiết ban hành kèm quy chế kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, nhằm đảm bảo việc thực hiện được minh bạch.

Hai là, công tác đánh giá năng lực của đội ngũ kiểm toán nội bộ phải được thực hiện thường xuyên, để phù hợp với những thay đổi thực tế trong nước và quốc tế. Do vậy, DN cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho kiểm toán nội bộ, để các kiểm toán nội bộ không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn mà còn có thêm kỹ năng và bản lĩnh trong giải quyết thực tế công việc.

Ba là, không ngừng hợp tác với các tổ chức kiểm toán hàng đầu trên thế giới nhằm hỗ trợ trong việc trao đổi kinh nghiệm hoặc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thông qua việc hợp tác có thể cập nhật thêm các xu hướng cho việc áp dụng tại các DN và chuẩn mực mới để cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện về mặt khuôn khổ pháp lý.        

Tài liệu tham khảo:

1. Tập đoàn Bảo Việt (2017), Kiểm toán nội bộ thực hiện đảm bảo Báo cáo Tích hợp và Báo cáo Phát triển bền vững, Tạp chí Tài chính;

2. Ngọc Nhi (2016), Sẽ hướng kiểm toán nội bộ theo chuẩn mực quốc tế, Đầu tư chứng khoán;

3. Thủy Ngọc (2017), Kiểm toán nội bộ: Áp lực chuyển dịch, Nhịp cầu Đầu tư.