Nguyên tắc kế toán doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Ths. Nguyễn Thị Bình - Học viện Ngân hàng

Chức năng của bảo hiểm trong việc chống đỡ với rủi ro đã khiến cho thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đang ngày càng phát triển. Do vậy, đổi mới về cơ chế tài chính cũng như tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Khái quát về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm

Định nghĩa về bảo hiểm

Về mặt tài chính, bảo hiểm được xác định là một loại hình trung gian tài chính quan trọng trong xã hội, bao gồm các quan hệ kinh tế gắn liền với quá trình hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tập trung (quỹ bảo hiểm) nhằm xử lý các rủi ro, các biến cố.

Về mặt kế toán, theo Chuẩn mực kế toán số 19 ban hành ngày 28/05/2005 Quy định về hạch toán với hợp đồng bảo hiểm, bảo hiểm là một hợp đồng mà doanh nghiệp bảo hiểm thoả thuận một khoản tiền (gọi là phí bảo hiểm) và chấp nhận rủi ro bảo hiểm trọng yếu từ khách hàng (chủ hợp đồng) bằng các thoả thuận bồi thường cho chủ hợp đồng nếu có sự kiện xảy ra trong tương lai gây tổn thất tới chủ hợp đồng.

Trong kế toán, đối tượng kinh tế sẽ chi phối và ảnh hưởng đến phương pháp đo lường và xác định giá trị kế toán được trình bày trên các báo cáo tài chính. Trong lĩnh vực bảo hiểm, đó là đối tượng bảo hiểm, đặc tính kỹ thuật của bảo hiểm cũng như những quy định luật pháp có liên quan sẽ tạo nên các đặc trưng đối tượng của doanh nghiệp bảo hiểm. Nói cách khác, đó là đặc điểm rủi ro, các quyền lợi và nghĩa vụ bảo hiểm, quan hệ bồi thường và trách nhiệm bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm được hiểu là một cam kết pháp lý được thể hiện bằng văn bản giữa hai bên: Bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm; trong đó bên bảo hiểm cam kết sẽ bồi thường cho bên mua bảo hiểm trong trường hợp họ phải gánh chịu những tổn thất tài chính do các rủi ro hoặc sự kiện được bên bảo hiểm chấp nhận gây ra trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, trên cơ sở bên mua bảo hiểm trả cho bên bảo hiểm một số tiền nhất định (phí bảo hiểm).

Các loại hợp đồng bảo hiểm được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm con người; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Các chủ thể của hợp đồng trước hết là các bên tham gia trong hợp đồng, gồm bên bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm) và bên được bảo hiểm (người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm và người được hưởng quyền lợi bảo hiểm).

Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp Nhà nước cho phép được thành lập, tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm, được thu phí để lập ra quỹ bảo hiểm và chịu trách nhiệm bồi thường hay chi trả tiền bảo hiểm theo quy định.

Theo tính chất, hoạt động bảo hiểm được chia thành Bảo hiểm kinh doanh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bài viết tiếp sau đây sẽ đi vào giới thiệu các quy định kế toán đối với các nghiệp vụ bảo hiểm mang tính chất kinh doanh, tức là ngoài các nghiệp vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại hình bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính chất kinh doanh.

Nguyên tắc kế toán doanh thu phí bảo hiểm từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Cơ sở pháp lý

Về cơ sở pháp lý, hướng dẫn kế toán hợp đồng bảo hiểm nói chung ở Việt Nam hiện chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện áp dụng chuẩn mực kế toán VAS số 19. Tuy nhiên, các nội dung kế toán chi tiết cho hợp đồng bảo hiểm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam áp dụng chủ yếu nằm ở Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, các quy định, thông tư hướng dẫn về kế toán doanh thu và hệ thống tài khoản áp dụng dành cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm:

+ Thông tư số 200/2014/TTBTC, ban hành ngày 22/12/2014 về Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế; trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

+ Thông tư 199/2014/TTBTC, ban hành ngày 19/12/2014 về Kế toán trong các doanh nghiệp nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe và doanh nghiệp tái bảo hiểm nhân thọ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ);

+ Thông tư số 232/2012/TT-BTC (Ban hành ngày 28/12/2012) Hướng dẫn kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ);

Ngoài ra, kế toán trong các doanh nghiệp bảo hiểm cần chú ý một số quy định về Chế độ tài chính với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo Nghị định số 46/2007/ NĐ-CP (20/3/2007); Thông tư số 125/2012/TT-BTC ban hành ngày 30/7/2012 hướng dẫn chế độ tài chính với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (thay thế cho Thông tư 156/2007/TT-BTC ban hành ngày 20/12/2007)…

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động đặc biệt, với đặc trưng là thường có sự cách biệt về thời gian giữa thời điểm ký kết hợp đồng và thời điểm nhận phí bảo hiểm (hoặc thời điểm xuất hoá đơn), giữa thời điểm ghi nhận ban đầu (trong đó có ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm) và thời điểm phát sinh nghĩa vụ, nợ phải trả và chi phí phát sinh có liên quan.

Nguyên tắc kế toán

Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm là số tiền phải thu phát sinh trong kỳ sau khi đã trừ các khoản phải chi để giảm thu phát sinh trong kỳ:

- Số tiền phải thu phát sinh trong kỳ bao gồm: Thu phí bảo hiểm gốc; Thu phí nhận tái bảo hiểm; Thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm; Thu phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100%; Thu phí giám định tổn thất không kể giám định hộ giữa các đơn vị thành viên hạch toán nội bộ trong cùng một doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán độc lập.

- Các khoản phải chi để giảm thu phát sinh trong kỳ bao gồm: Hoàn phí bảo hiểm; Giảm phí bảo hiểm; Phí nhượng tái bảo hiểm; Hoàn phí nhận tái bảo hiểm ...

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, nguồn thu từ phí bảo hiểm chiếm vai trò quan trọng. Để tính phí bảo hiểm, người ta phải dựa vào rất nhiều yếu tố, một trong các yếu tố có tính nguyên tắc là: Các doanh nghiệp bảo hiểm cần thu hút được số lớn người mua bảo hiểm, nếu tập hợp được đủ lớn số lượng người mua bảo hiểm thì quy luật số lớn là đúng và những dự tính của công ty bảo hiểm về tỷ lệ rủi ro và khả năng chi trả cho người được bảo hiểm là chính xác. Trong trường hợp như vậy, công ty bảo hiểm sẽ cân bằng được số thu và số phải thanh toán.

Theo quy định trong Thông tư 125/2012/TT-BTC, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hạch toán khoản thu phí bảo hiểm gốc vào doanh thu khi phát sinh trách nhiệm bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm, cụ thể như sau:

(i) Khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm hoặc có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm.

(ii) Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thoả thuận cho bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra:

+ Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thoả thuận với bên mua bảo hiểm việc đóng phí bảo hiểm theo kỳ thì sẽ hạch toán vào thu nhập tương ứng với kỳ hoặc các kỳ phí bảo hiểm đã phát sinh, không hạch toán vào thu nhập phần phí bảo hiểm chưa đến kỳ bên mua bảo hiểm phải nộp phí theo thoả thuận.

+ Trong mọi trường hợp, thời gian nợ phí bảo hiểm không được vượt quá thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm.

+ Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ tự chấm dứt hiệu lực bảo hiểm vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

+ Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài ghi giảm doanh thu tương ứng với thời gian hợp đồng bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không thực hiện đóng phí bảo hiểm theo đúng thoả thuận nợ phí.

+ Đối với các hợp đồng bảo hiểm không có thoả thuận thời hạn đóng phí bảo hiểm hợp đồng bảo hiểm sẽ không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không được hạch toán vào doanh thu.

+ Trường hợp hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán vào thu nhập tiền thu phí bảo hiểm gốc được phân bổ theo tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm.

+ Doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán thu phí nhận tái bảo hiểm, thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác phát sinh từ hoạt động nhượng tái bảo hiểm khi bản thanh toán về tái bảo hiểm được xác nhận. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận với bên nhượng tái bảo hiểm việc đóng phí bảo hiểm theo kỳ thì sẽ hạch toán vào thu nhập tương ứng với kỳ hoặc các kỳ phí nhận tái bảo hiểm đã phát sinh, không hạch toán vào thu nhập phần phí bảo hiểm chưa đến kỳ bên nhượng tái bảo hiểm phải thanh toán theo như đã thoả thuận.

+ Đối với các khoản thu còn lại: doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán vào thu nhập ngay khi hoạt động kinh tế phát sinh, có bằng chứng chấp thuận thanh toán của các bên, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

+ Đối với các khoản phải chi để giảm thu: Doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán vào giảm thu nhập ngay khi hoạt động kinh tế phát sinh, có bằng chứng chấp thuận của các bên, không phân biệt đã chi tiền hay chưa chi tiền.