Nguyên tắc quản lý chi phí khảo sát xây dựng

PV.

Ngày 06/02/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng phục vụ lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, khảo sát phục vụ lập quy hoạch xây dựng và các công tác khảo sát khác có liên quan trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trong việc đảm bảo chất lượng khảo sát xây dựng và quản lý chi phí khảo sát xây dựng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trong việc đảm bảo chất lượng khảo sát xây dựng và quản lý chi phí khảo sát xây dựng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định số 32/2015/NĐ-CP) và các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) là đối tượng áp dụng tại Thông tư này.

Đồng thời,khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng của các dự án sử dụng nguồn vốn khác vận dụng, áp dụng các quy định tại Thông tư này

Thông tư quy định rõ, quản lý chi phí khảo sát xây dựng gồm: Quản lý dự toán chi phí khảo sát xây dựng, quản lý định mức dự toán khảo sát xây dựng và quản lý giá khảo sát xây dựng. Để xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng được hiệu quả cần đảm nguyên tắc nhất định.

Trong đó, chi phí khảo sát xây dựng được xác định phải phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Điều 12 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Chi phí khảo sát xây dựng được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình và phù hợp với các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, các bước thiết kế, loại công tác khảo sát xây dựng, cấp công trình và các quy định có liên quan. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trong việc đảm bảo chất lượng khảo sát xây dựng và quản lý chi phí khảo sát xây dựng.

Nội dung chi phí khảo sát xây dựng bao gồm: chi phí khảo sát xây dựng được xác định bằng dự toán chi phí khảo sát xây dựng và dự toán chi phí khảo sát xây dựng bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí khác phục vụ công tác khảo sát, thuế giá trị gia tăng và chi phí dự phòng.

Trong đó, các khoản mục chi phí cụ thể là chi phí trực tiếp bao gồm chi phí vật liệu, nhiên liệu; chi phí nhân công và chi phí máy, thiết bị khảo sát. Chi phí chung bao gồm chi phí quản lý của doanh nghiệp thực hiện công tác khảo sát xây dựng, chi phí điều hành sản xuất tại công trường, chi phí phục vụ công nhân, chi phí phục vụ khảo sát xây dựng tại công trường và một số chi phí khác có liên quan. Thu nhập chịu thuế tính trước là khoản lợi nhuận của doanh nghiệp khảo sát xây dựng được dự tính trước trong dự toán chi phí khảo sát xây dựng.

Chi phí khác phục vụ công tác khảo sát gồm chi phí lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng trên cơ sở nhiệm vụ khảo sát xây dựng được phê duyệt, lập báo cáo kết quả khảo sát xây dựng và chi phí hạng mục chung. Thuế giá trị gia tăng là khoản thuế phải nộp theo quy định. Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và yếu tố trượt giá trong thời gian khảo sát xây dựng.

Đối với phương pháp xác định dự toán chi phí khảo sát xây dựng được quy định theo một trong các phương pháp như xác định theo khối lượng và đơn giá khảo sát xây dựng và xác định theo khối lượng hao phí vật liệu, nhiên liệu; nhân công; máy và thiết bị khảo sát và bảng giá tương ứng.

Tại thông tư quy định cụ thể nguyên tắc quản lý chi phí khảo sát xây dựng được hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. 

Cụ thể, Thông tư quy định trách nhiệm đến từng cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định giá vật liệu khảo sát xây dựng, giá nhân công khảo sát xây dựng, giá ca máy và thiết bị khảo sát và đơn giá khảo sát xây dựng làm cơ sở để công bố giá khảo sát xây dựng phục vụ việc lập và quản lý chi phí khảo sát xây dựng. 

Chủ đầu tư tổ chức xác định dự toán khảo sát xây dựng trên cơ sở phương pháp xác định giá khảo sát xây dựng, hướng dẫn của UBND cấp tỉnh, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện và biện pháp thi công cụ thể của công trình. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực để lập, thẩm tra nhiệm vụ, đơn giá, dự toán khảo sát xây dựng. Chi phí thẩm tra được xác định bằng cách lập dự toán.

Đối với dự toán chi phí khảo sát xây dựng đã phê duyệt trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này nhưng chưa ký hợp đồng thực hiện công tác khảo sát thì chủ đầu tư xem xét, quyết định việc áp dụng hướng dẫn của Thông tư này để điều chỉnh dự toán chi phí khảo sát xây dựng. Đối với các công tác khảo sát xây dựng đã ký hợp đồng thì thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2017, và thay thế cho Thông tư số 17/2013/TT-BXD ngày 30/10/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng.