Nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam từ bất cứ đâu trên thế giới
Từ ngày 21/3/2022, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh qua mạng tại thị trường Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới qua Cổng thông tin điện tử về nộp thuế dành cho các nhà cung cấp là các tổ chức cá nhân nước ngoài - http://etaxvn.gdt.gov.vn
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) tại Lễ công bố, vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và công bố triển khai Ứng dụng eTax- Mobile.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, số liệu thống kê của cơ quan thuế cho thấy, tính đến năm 2021, đã có khoảng 5.000 tỷ đồng là số thu thuế qua các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới , trong đó có sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Facebook, Google, Microsoft… Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với thực tế hoạt động của các nền tảng mạng xã hội này tại Việt Nam - một thị trường đang ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, một số nhà cung cấp lớn trên thế giới cung cấp dịch vụ nội dung số xuyên biên giới cũng đã góp mặt tại thị trường Việt Nam. Điển hình như dịch vụ xem truyền hình trả tiền của Netflix đang đứng thứ 2 trong top 5 dịch vụ truyền hình trực tuyến phổ biến chỉ sau FPT Play với trên 300.000 thuê bao.
Hay như số liệu thống kê tính tới tháng 6/2021 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội) cho thấy, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và vẫn dẫn đầu danh sách các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam. Trong 2 năm tính từ 2019 tới tháng 6/2021, dưới tác động của dịch COVID-19, hoạt động mua bán online trên nền tảng này tăng vọt.
Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, hiện Việt Nam cũng là nơi sử dụng Facebook Messenger để quảng bá, bán hàng và chăm sóc khách hàng online nhiều hơn hẳn so với các nước khác trong khu vực. Doanh nghiệp, cá nhân còn sử dụng các mạng xã hội, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để thực hiện hoạt động mua, bán hàng hóa xuyên biên giới giữa hai bên dưới các hình thức không ký kết hợp đồng mua bán, gây khó kiểm soát cho cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn sử dụng các sàn thương mại điện tử nước ngoài để mua sắm hàng hóa có xuất xứ nước ngoài. Ở chiều ngược lại, các cá nhân tổ chức ở nước ngoài cũng thông qua các nền tảng kể trên để mua sản phẩm hàng hóa của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời gian quan cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế, đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, không xác định được căn cứ tính thuế, không phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.
Để thực hiện quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, trong đó lần đầu tiên đã đưa được nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký, kê khai, nộp thuế.
Trên cơ sở quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Bộ Tài chính đã ban hành các quy định về việc đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế của các nhà cung cấp nước ngoài, ngoài ra còn có trách nhiệm của cơ quan thuế quản lý, của các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam liên quan đến việc mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài.
Dựa trên các căn cứ pháp lý về quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài đã hoàn thiện, Tổng cục Thuế đã xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.
Tổng cục Thuế cho biết, sẽ duy trì, vận hành hệ thống Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt 24/7; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm hỗ trợ người nộp thuế tiếp cận đầy đủ, dễ dàng và sử dụng các dịch vụ thuế điện tử trong quá trình thực hiện chính sách, nghĩa vụ thuế.
Hiện Tổng cục Thuế đã xây dựng được danh sách 64 nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam và đã gửi thư ngỏ đến từng nhà cung cấp kèm theo tài liệu hướng dẫn về đăng ký, kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, tài liệu này cũng đã được đăng trên cổng bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chuyển thể sang các ngôn ngữ thông dụng khác như tiếng Pháp, Đức, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha… để hỗ trợ đa dạng hơn đối tượng nộp thuế.