Nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm dần đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu?
(Tài chính) Khi quy mô thị trường tăng lên vài ngàn mã cổ phiếu, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn cổ phiếu thuộc doanh nghiệp nào, đầu tư ra sao?
Hiện giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán/GDP của Việt Nam chỉ khoảng dưới 30%, thấp hơn rất nhiều so với mức 74% của các thị trường như Thái Lan, Nhật Bản. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ có 710 doanh nghiệp niêm yết, rất nhỏ so với các thị trường trong khu vực, bởi trung bình tại các thị trường có khoảng 2.000 doanh nghiệp niêm yết, nhiều hơn là 7.000 - 8.000 doanh nghiệp. Vì vậy, TTCK Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Cũng theo ông Huy, việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014 theo Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ sẽ giúp NĐT có thêm nhiều “mặt hàng” chất lượng để lựa chọn và số lượng doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể, từ đó giúp TTCK có mức vốn hóa/GDP tăng trưởng tốt và dần tiệm cận với các nước trong khu vực như Phillipines, Thái Lan trong tương lai gần.
Khi quy mô thị trường tăng lên vài ngàn mã cổ phiếu, NĐT cá nhân chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn cổ phiếu thuộc doanh nghiệp nào, đầu tư ra sao? Khi đó, vai trò của các quỹ sẽ tăng lên đáng kể.
Ông Huy cho biết, xét theo xu hướng đầu tư trên thế giới, có 2 hình thức đầu tư là đầu tư chủ động và đầu tư thụ động. Tại TTCK Mỹ, tiền đầu tư vào cổ phiếu chiếm 56%, phần còn lại sẽ được gửi gắm vào các quỹ ETF và mutual fund, trong khi đó, ở TTCK Việt Nam, 100% tiền của NĐT đổ vào cổ phiếu. Đây chính là cơ hội cho NĐT, CTCK tham gia vào thị trường, phát triển sản phẩm mới để tạo công cụ huy động vốn trên thị trường, rồi đầu tư ngược trở lại TTCK.
Cùng quan điểm, bà Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó Tổng giám đốc công ty VFM cho rằng, điểm khác biệt cơ bản của hình thức đầu tư thụ động và bị động chính là chi phí đầu tư. Phần lớn quỹ ETF được đầu tư theo chiến lược thụ động, nên chi phí trung bình hàng năm khoảng từ 0,75 - 1,5%, thấp hơn so với các quỹ quản lý chủ động.
Ngoài ra, danh mục đầu tư của quỹ ETF được công bố công khai trên TTCK, NAV được công bố hàng ngày, iNAV được xác định liên tục trong giờ giao dịch. Ngoài ra, còn có rất nhiều lợi ích khác như sản phẩm đa dạng hóa, không bị hạn chế sở hữu, hạn chế rủi ro chọn sai cổ phiếu.
Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng hiện quỹ ETF nội địa đang có những thách thức riêng, như ETF là sản phẩm mới, cơ chế hoạt động khá phức tạp, sản phẩm cần sự đón nhận rộng rãi từ NĐT và nhất là để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thì đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa công ty quản lý quỹ, VSD, CTCK, ngân hàng giám sát và Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK).
Trước đó, Phát biểu khai mạc Hội thảo “Cơ hội đầu tư các sản phẩm mới của TTCK Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức đang diễn ra sáng nay tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, bên cạnh sự kỳ vọng về sự ra đời của TTCK phái sinh thì triển vọng ra đời của loại hình quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF) cũng đang rất thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường.
Theo ông Tuấn, loại hình ETF ngày càng chiếm ưu thế bởi đặc tính ưu việt hơn hẳn so với các loại hình quỹ thông thường. Tại Việt Nam, sản phẩm này cũng được đánh giá là sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong cách thức đầu tư của công chúng trong một vài năm tới.
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước cho biết, TTCK cơ sở mới qua hơn 13 năm vận hành, nhưng thị trường sản phẩm phái sinh như sản phẩm giao ngay và giao sau đã được manh nha hình thành, được xác lập bởi các thành viên thị trường dù pháp lý chưa đầy đủ. Tuy nhiên, việc phát triển tự phát sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu khó lường.
Theo ông Sơn, những sản phẩm sinh là cần thiết bởi nó là công cụ phòng vệ rủi ro của NĐT, từ đó gia tăng lợi ích cho NĐT.
Theo đó, nội dung cơ bản của đề án là sản phẩm phái sinh dựa trên dựa trên công cụ gốc là chứng khoán và chỉ số, giai đoạn hai sẽ là dựa trên công cụ chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa.
Việc xây dựng ngay một TTCK phái sinh chuẩn hóa với các hợp đồng phái sinh tiêu chuẩn như HĐTL/HĐQC cho Việt Nam trong điều kiện hiện tại là phù hợp, chứ không hình thành tự phát từ thấp đến cao, từ thị trường phái sinh OTC sang thị trường chuẩn hóa sẽ mất nhiều thời gian và bỏ lỡ nhiều cơ hội hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.
Mặt khác, trong Luật Chứng khoán cũng đã có quy định rõ, ngoài sở GDCK không tổ chức, cá nhân nào được tổ chức thị trường phái sinh. Chủ trương này cũng đã được thể hiện rất rõ trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TT.
Đối với giai đoạn hiện nay, từ 2013 đến 2015, nhiệm vụ chính là hoàn thiện khung pháp lý, thế chế chính sách, công nghệ và các thiết chế phụ trợ cho TTCK phái sinh, trong đó có nghị định dự kiến sẽ trình trong quý IV/2014, cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 sẽ đưa vào một số sản phẩm đơn giản.
Trước mắt, khi đưa vào vận hành TTCK phái sinh các sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ sẽ được lựa chọn giao dịch đầu tiên, sau đó mới phát triển các sản phầm quyền chọn dựa trên chỉ số và cổ phiếu nếu chuẩn bị tốt pháp lý, cơ sở vật chất, con người…
Vậy tại sao lại xây dựng sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số và trái phiếu?
Trả lời câu hỏi này, ông Sơn lý giải, dựa trên kinh nghiệm quốc tế của những quốc gia thành công trong việc phát triển TTCK như Hàn Quốc, đã xây dựng thị trường phái sinh mà trong 3 năm gần đây có tốc độ tăng trưởng bậc nhất toàn cầu. Thành công đó phần lớn dựa trên trái phiếu bởi tính ổn định cao, không có rủi ro, mặc dù dựa trên cổ phiếu thì sôi động và sinh lợi tốt hơn nhưng rất phức tạp, khi có thao túng thì tính phưc tạp tăng lên.
Một vấn đề khác, để xây dựng thị trường phái sinh thì cần thể chế, mô hình kèm theo, quan trọng nhất là cơ chế bù trừ đối tác trung tâm (CCP), do đó, sẽ thành lập một tổ chức con nằm trong Trung tâm Lưu ký (VSD) để thực hiện nhiệm vụ này.
Về quá trình triển khai, ông Sơn cho biết, đang tập trung 4 vấn đề lớn bao gồm, khung pháp lý cần được chuẩn bị cụ thể, rõ ràng bởi đây là thị trường rủi ro, nhạy cảm nên khung pháp lý ban đầu dưới dạng nghị định chính phủ. Sau 2-3 năm, cân nhắc vào luật chứng khoán hoặc luật phái sinh riêng.
Thứ hai, công nghệ: thiết kế từ giao dịch, thanh toán bù trừ, giám sát cho các sản phẩm này.
Thứ ba, cơ chế liên quan cần tháo gỡ để hình thành thị trường trong đó cơ quan quản lý CK cần điều chỉnh là nới lỏng bán khống bởi trong TTCK, cho phép bán khống có căn cứ - naked short selling, vay và cho vay chứng khoán để bù trừ thiếu hụt khi mua bán chứng khoán, hạch toán kế toán theo thông lệ quốc tế.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác đào tạo cho nhà quản lý, người hành nghề, CTCK. NĐT cần phải là những NĐT thông thái, có khả năng ra quyết định, lựa chọn đầu tư và rủi ro.
Điều này là một thách thức không nhỏ khi phát triển TTCK phái sinh, vì đa phần các NĐT hiện nay còn hiểu biết rất hạn chế về phái sinh. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đào tạo cũng được coi là một giải pháp điều kiện quan trọng.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, đào tạo NĐT phải đi trước một bước để xây dựng được những “người chơi hiểu luật chơi”, những NĐT am hiểu trên một thị trường mới, phức tạp, hấp dẫn và trí tuệ. Hiện ở Việt Nam, có khoảng 15-20 CTCK có đủ điều kiện, khả năng tham gia thị trường này.