Ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư S-Talk:
Nhà đầu tư cần chủ động đi trước thông tin
Sau vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HQĐT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam, đã có những lo ngại về vụ việc có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Trên thực tế, đã có hiện tượng nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu hệ sinh FLC. Chia sẻ về câu chuyện làm sao để không bị tin tức chi phối tâm lý, ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư S-Talk cho rằng, nhà đầu tư chủ động đi trước thông tin.
Phóng viên: Các nhà giao dịch chuyên nghiệp thường cố gắng tránh bị động với tin tức. Vậy, nhà đầu tư cần làm gì để ko bị tin tức chi phối tâm lý?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp hay nhà đầu tư chưa có trải nghiệm nhiều nhưng họ cũng coi chứng khoán là kênh đầu tư lớn, thì việc phải giữ vững được tâm lý, không bị thông tin tác động quá nhiều, nhiều khi phải chủ động đi trước thông tin. Thực tế những tin tức vĩ mô hay tin về vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán không phải là quá bất ngờ vì thông tin công khai, minh bạch.
Chủ động đi trước thông tin chính là khả năng ứng biến của nhà đầu tư. Nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta có thể thấy, trước vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HQĐT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam, có không ít nhà đầu tư đã chốt lời từ phiên thứ Sáu tuần trước. Không phải vì họ có tin mật, hay biết trước tin tức mà họ biết ứng biến trong giao dịch, dựa vào khả năng phân tích kỹ thuật, nhận định tình hình và chuẩn bị các kịch bản đầu tư cho mình từ trước.
Theo tôi, vì thị trường chứng khoán luôn chứa đựng những yếu tố khó lường, nhà đầu tư cần luôn giữ tỉnh táo và xây dựng hơn một kịch bản trước khi tham gia vào một đợt sóng nào đó. Giả sử, nếu thuận lợi, NAV đạt bao nhiêu thì chốt lời, trong tình huống xấu thì xử lý như thế nào? Xây dựng kịch bản cho mình để chủ động trong nhiều tình huống cũng như giữ tâm lý không bị chi phối trước những thông tin dù tốt hay xấu.
Phóng viên: Thị trường "tiêu hóa" thông tin cũng rất nhanh. Ông có thể chia sẻ với nhà đầu tư chiến lược tự bảo vệ mình trước những biến động thị trường ngắn hạn?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Trong giai đoạn quá nhiều tin tức như hiện nay, theo tôi dùng đòn bẩy là khá mạo hiểm. Nhà đầu tư nên hạn chế đòn bẩy tài chính và cần có một cái đầu lạnh, kiên trì với chiến lược ban đầu của mình, tránh chạy theo tin đồn.
Ngoài ra, nhà đầu tư hãy như một “con sói” đang chờ mồi, không nên quá nóng vội hành động. Nếu chúng ta là sói, chúng ta nên chờ đợi đến khi những câu chuyện thị trường, những thông tin xấu đã được tiêu hóa hết.
Chẳng hạn như, tin tức tác động khiến giá cổ phiếu giảm mạnh, nhưng thanh khoản vẫn cao thì chưa thể nói trước được gì, còn nhiều rủi ro. Chỉ khi thanh khoản giảm sút mạnh, không còn ai bán nữa thì đó mới là vùng đáy. Vùng đáy với những điểm số thấp thường có dấu hiệu cạn kiệt thanh khoản. Đấy là lúc nhà đầu tư nên canh chừng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!