Nhà đầu tư mắc kẹt vì "ôm" đất rừng


Trên thực tế, nhà đầu tư mua đất rừng đều chưa có tính pháp lý rõ ràng, kinh doanh lâu dài thiếu ổn định và khó quản lý. Những vi phạm pháp luật về đất đai có thể xảy ra nhiều hơn nữa nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và sự điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xu hướng "bỏ phố về rừng" khiến có một số thời điểm, đất rừng đắt như “tôm tươi”, nhiều cuộc mua bán đất diễn ra chóng vánh, gây náo loạn thị trường. Đặc biệt, cách đây mấy năm, nhiều khách hàng săn lùng đất rừng khu vực Đồng Đò, Sóc Sơn, Ba Vì, Hoà Bình… làm homestay, khu sinh thái, nghỉ dưỡng.

Muốn mua thì dễ, muốn "nhả" không dễ

Trong vai khách hàng, phóng viên gọi điện thoại tới anh Trần Xuân Lộc, một môi giới bất động sản tại Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) nhờ tìm mảnh đất rừng vừa để làm homestay, vừa là nơi cuối tuần gia đình nghỉ dưỡng.

Theo anh Lộc, đất rừng sản xuất tại khu Đồng Đò đang được nhiều người dân rao bán với giá hơn 3 triệu đồng/m2, tính ra 2ha có giá trị gần 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đất khu vực này không được làm nhà kiến cố mà chỉ có thể làm nhà lắp ghép hoặc nhà tạm.

Tại khu vực Xuân Mai (Hà Nội), anh Lộc giới thiệu có mảnh đất ven rừng khoảng hơn 3.000m2, trong đó có gần 400m2 đất ở đang được chủ đất chào bán với giá hơn 9 tỷ đồng. Theo anh Lộc, đây là mảnh đất có vị trí khá đẹp, chủ cũ chuyển công tác vào miền Nam nên muốn bán lại.

Khi hỏi tới đất Ba Vì, anh Lộc cho biết, hiện các mảnh đất rừng đẹp hầu như đã có chủ, mà trong tay anh lại không có sẵn "hàng". Nếu chấp nhận mua giá cao thì anh có thể tìm cho, nhưng cũng phải chấp nhận diện tích đất được phép xây dựng hầu như không lớn, nên việc làm homestay cho thuê hơi bí bách, chỉ làm nghỉ dưỡng sinh thái thì có thể chấp nhận được.

Sở dĩ giá cao, theo môi giới này, là do Ba Vì đã trải qua 2 cơn sốt đất, đặc biệt là cơn sốt đầu năm 2021, nhiều mảnh đất đắt gấp 3-4 lần năm 2020, khiến giá chưa thể về mức cũ.

Chị Ngô Uyển Nhi (Thanh Xuân, Hà Nội), một nhà đầu tư bất động sản cho hay, tham gia đầu tư đất được gần chục năm, điều khiến chị “nản” nhất là bị kẹt hàng.

Theo đó, hiện chị Nhi vẫn còn kẹt mảnh đất rừng 3.000m2 không sổ đỏ tại Sóc Sơn đã mua với giá 2 triệu đồng/m2. Đây là loại đất được người dân rao bán công khai, bởi nhà đầu tư mua nhưng vẫn có trách nhiệm trông coi rừng, không được xây dựng công trình lớn, kiên cố. Đặc biệt, rất nhiều người làm homestay và không bị phạt. Tuy nhiên, lúc bắt tay vào "việc thật, người thật" mới biết để xây dựng được một căn nhà 90-100m2 trên đất rừng là khó và rất tốn kém, chị Nhi muốn bán từ hồi tháng 5 nhưng không ai hỏi.

Với câu hỏi: mua đất rừng có khó bán không? Anh Trần Xuân Lộc thật thà trả lời: muốn mua thì dễ, nhưng muốn bán thì khó. Nguyên nhân là bởi, nhiều mô hình nghỉ dưỡng không hiệu quả, nhiều mảnh đất có pháp lý không rõ ràng, cộng thêm tư tưởng “cả thèm chóng chán” nên khá nhiều người “bỏ mặc” đất hoang hóa.

Thị trường nhiều rủi ro

Việc rao bán đất rừng trái phép đã được ghi nhận tại rất nhiều địa phương, không riêng vùng ven Hà Nội. Đơn cử như tại TP. Đà Lạt, Bảo Lộc và nhiều huyện khác của tỉnh Lâm Đồng ồ ạt xuất hiện tình trạng phân lô, xẻ nền đất nông nghiệp, đất rừng gây biến dạng cảnh quan, tạo điểm nóng bất ổn kinh tế - xã hội.

Hoặc đầu năm 2021, UBND xã Triệu Ái (Triệu Phong, Quảng Trị) bất ngờ xẻ 3/5ha diện tích đất rừng thành 123 lô đất, mỗi lô có diện tích từ 270 - 300m2 để bán cho người dân. Số diện tích này kéo dài hơn 1km mặt tiền tỉnh lộ 579. Sự việc vỡ lở khi bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị "tuýt còi" vì đất này là đất rừng sản xuất, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trước các vấn đề nóng gây nhiều hệ lụy, giữa tháng 6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát và báo cáo kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án.

Văn phòng UBND TP. Hà Nội cũng có Thông báo số 373 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông về việc xử lý, khắc phục sau thanh tra về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn.

Theo Thanh tra TP. Hà Nội, đến thời điểm tháng 5/2021, huyện Sóc Sơn chưa hiệu chỉnh diện tích trên giấy chứng nhận của 94 trường hợp cấp không đúng hạn mức, chưa ra thông báo dừng giao dịch đối với 21 trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong quy hoạch đất rừng.

PGS., TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, thị trường bất động sản gần đây đã xuất hiện một số mô hình bất động sản kiểu mới. Mô hình này xây dựng từ việc phân lô, bán (cho thuê) đất rừng kèm những cam kết về chuyển đổi rừng sang đất ở (ra sổ đỏ) cũng như lợi nhuận gia tăng giá trị khi công trình đầu tư chỉ tạm bợ, ít chi phí. Thực tế, các loại sản phẩm mới này đều chưa có tính pháp lý rõ ràng, kinh doanh lâu dài thiếu ổn định và khó quản lý.

"Hiện tượng "xẻ rừng già xây biệt thự", rao bán đất rừng làm khu du lịch nghỉ dưỡng… và những vi phạm pháp luật về đất đai có thể xảy ra nhiều hơn nữa nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và sự điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới ", PGS. TS. Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.