Nhà đầu tư ngoại thổi lửa thị trường bán lẻ
Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài dồn dập mở rộng thị phần tại Việt Nam, với sự hình thành rõ nét của thế chân kiềng Nhật - Thái - Trung.
Aeon cùng Takashimaya thổi lửa
Nhà bán lẻ Aeon Mall (Nhật Bản) bắt tay với BIM Group đầu tư trung tâm thương mại (TTTM) thứ hai tại Hà Nội. Dự án 200 triệu USD (tương đương 4.500 tỷ đồng) này có diện tích 9,5 ha, nằm trên khu đất do BIM Group làm chủ đầu tư tại quận Hà Đông (Hà Nội), dự kiến khai trương trong quý IV/2019.
Đây là TTTM thứ 5 của Aeon tại Việt Nam, sau khi thử nghiệm thành công mô hình TTTM kết hợp mua sắm, vui chơi giải trí. Tính đến thời điểm này, 5 TTTM đã tiêu tốn của Aeon gần 600 triệu USD, nhưng nhà bán lẻ này tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác, mua lại các siêu thị có sẵn trong nước, mục tiêu sẽ mở 100 siêu thị.
Aeon thúc đẩy hoạt động tại thị trường Đông Nam Á và hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam bằng cách nắm 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart trong năm 2014. Aeon gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008 và không ngừng mở rộng. Thương vụ đầu tiên của tập đoàn này là việc hợp tác với Trung Nguyên mở chuỗi cửa hàng tiện lợi G7-Ministop.
Mục tiêu của Aeon là năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 20 trung tâm mua sắm và siêu thị trên khắp Việt Nam. Trên toàn cầu, tập đoàn này có tổng cộng gần 16.500 trung tâm, cửa hàng.
Trong khi đó, người đồng hương của Aeon là Takashimaya lại đang tạo cơn lốc mua sắm tại khu vực trung tâm TP.HCM khi giữa năm 2016 đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng chủ lực với 58 nhãn hiệu lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, 61 nhãn hiệu đầu tiên tại TP.HCM, 31 nhãn hiệu Nhật Bản tại TTTM Saigon Centre.
Đây là TTTM sầm uất được thành lập qua dự án liên kết giữa Công ty cổ phần Takashimaya, Công ty con là Công ty Phát triển đô thị Toshin và Tập đoàn Keppel Land (Singapore) cùng 2 doanh nghiệp nhà nước khác của Việt Nam. Đây là khu vực mua sắm sầm uất hàng đầu của Thành phố và cũng là khu vực nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, điểm giao của nhiều tuyến đường giao thông quan trọng trong tương lai như tàu điện ngầm, đường cao tốc vành đai.
TTTM Saigon Centre tại Việt Nam là điểm đến thứ ba của Takashimaya sau Singapore và Trung Quốc. Trong tương lai, “Chiến lược xây dựng đô thị” của Tập đoàn Takashimaya sẽ còn được mở rộng ra các cứ điểm khác ở nước ngoài. Tinh thần truyền thống “đương đầu với thử thách” cùng phương châm “khách hàng là thượng đế” được coi là kim chỉ nam của Takashimaya trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ ra nước ngoài, trong đó trọng tâm là các nước Đông Nam Á.
Takashimaya được xem là một trong những TTTM có lịch sử hình thành lâu đời nhất tại Nhật Bản. Được thành lập năm 1831 tại Kyoto, ban đầu chỉ là một cửa hàng bán quần áo cũ, đến nay, Takashimaya đã có 17 TTTM tại Nhật Bản, cùng 4 TTTM tại Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc), Đài Bắc (Đài Loan) và Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TTTM, Takashimaya còn triển khai hàng loạt hoạt động kinh doanh khác, như kinh doanh quản lý bất động sản, xây dựng và thiết kế. Trong đó, kinh doanh quản lý bất động sản được xem là hoạt động kinh doanh cốt lõi thứ 2 (chỉ sau TTTM).
Thế chân kiềng Nhật - Thái - Trung
Thị trường trong nước không còn xa lạ gì với chuyện các đại gia bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã nhanh chân chia nhau “miếng bánh” màu mỡ tại Việt Nam trong thời gian qua. Theo báo cáo Chỉ số Phát triển ngành bán lẻ của Công ty AT. Kearney năm 2016, trong Top 20 thị trường tiềm năng thì có tới 6 thuộc thị trường tại châu Á. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia; Việt Nam đứng thứ 11, Philippines thứ 16. Hơn nữa, thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam đã thực sự mở khi thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc cũng đã có động thái thâm nhập chính thống vào thị trường Việt Nam. Điển hình là trường hợp Miniso ký hợp đồng nhượng quyền với Tập đoàn Lê Bảo Minh và công bố mở 12 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam trong năm 2016.
Nhiều người biết đến Miniso như một công ty Nhật Bản, nhưng thực tế, đây là công ty liên doanh giữa đối tác Nhật Bản và một đại gia Trung Quốc. Hiện có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với liên doanh này, bởi Miniso chỉ có 4 cửa hàng ở Nhật Bản, nhưng lại có đến 1.110 cơ sở tại Trung Quốc và ông chủ thật sự là người Trung Quốc (ông Ye Guofu).
Nếu tìm kiếm trên Google, có thể thấy, Ye Guofu là một trong 33 đại gia trẻ dưới 40 tuổi giàu nhất Trung Quốc. Tiền thân của Miniso là thương hiệu Aiyaya, do đại gia này thành lập tại Trung Quốc từ năm 2004.
Bên cạnh đó, tháng 4/2016, Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc mua lại Lazada.vn với giá 1 tỷ USD để thâm nhập nhanh vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Giới phân tích thị trường thế giới cho rằng, với việc mua lại Lazada, Alibaba sẽ đầu tư lớn vào các chiến dịch quảng cáo, quảng bá và đưa hàng hóa Trung Quốc nhanh chóng đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng có chuyển động đáng chú ý, như Thế giới Di động liên tục mở rộng lên 1.000 địa điểm, hay “ông lớn” Vingroup dự kiến trong năm nay sẽ mở thêm 70 - 80 siêu thị Vinmart cùng khoảng 1.500 cửa hàng Vinmart+. Đặc biệt, Vingroup bắt đầu phát triển hệ thống TTTM (trong đó có các siêu thị Vinmart, VinPro, VinDS…) về các huyện lỵ để tăng độ phủ của mạng lưới. Kế hoạch năm 2017 là Vinmart và Vinmart+ phải có mặt được ít nhất tại 30 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Vingroup không thành công với chuỗi hệ thống bán lẻ đồ công nghệ Vinpro+, phải tái cơ cấu tích hợp vào hệ thống bán lẻ TTTM Vincom.
Tuy vậy, giới phân tích vẫn cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để cạnh tranh. Miếng bánh thị trường giờ chủ yếu nằm trong tay hàng Thái, Nhật, Hàn và Trung Quốc.
“Hàng hóa Việt vẫn chưa tìm được một hướng ra tích cực. Sự việc mà chúng ta nhìn thấy thật ra là hệ quả tất yếu của một quá trình trong cuộc chơi mà kẻ thắng có tầm nhìn và tư duy dài hạn”, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia nhận định.
Theo bà Vân, không phải tự nhiên mà nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Bất kỳ doanh nghiệp có tầm nhìn khu vực hay quốc tế nào, dù là lớn của quốc tế hay nhỏ và vừa trong khu vực, đều làm rất giỏi một điều là vẽ bản đồ “bành trướng” thị trường. Họ làm điều đó dựa trên định hướng phát triển kinh tế của một quốc gia, định hướng phát triển hệ sinh thái của một nghề, cùng với nỗ lực phát triển nội lực của từng doanh nghiệp. Hướng đi như vậy đã giúp họ thành công trong việc chinh phục thị trường. “Phải chăng đó là điều mà Việt Nam đang thiếu?”, bà Vân đặt câu hỏi.