Nâng vị thế hàng Việt (Phần II):

Nhà sản xuất Việt yêu người tiêu dùng Việt

PV.

(Tài chính) Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã nói: Kết thúc 5 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, chúng ta nên có cuộc vận động theo hướng ngược lại, vận động người sản xuất, cung cấp hàng hóa với phương châm: “Nhà sản xuất Việt yêu người tiêu dùng Việt”.

Chương trình tăng cường đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh minh họa. Nguồn internet
Chương trình tăng cường đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh minh họa. Nguồn internet

Trong bài "Nâng vị thế hàng Việt" - Phần I đã nêu các vấn đề về thị trường hàng hóa và công tác quản lý thị trường Việt Nam. Muốn người dân tiêu dùng hàng hóa trong nước thì phải có sự tác động cả từ bốn phía: Nhà nước - Người sản xuất - Người kinh doanh và Người dân. Nếu chúng ta chỉ hô hào vận động xuông thì không có tác dụng gì. Để thiết thực nâng tầm và để hàng Việt chiếm lĩnh thị phần ngay tại sân nhà, chúng ta cần giải quyết các khâu sau:

Từ khâu sản xuất…

Trước hết phải chú trọng đến hàng hóa sản xuất trong nước.

Lợi thế: Hàng hóa trong nước vừa đảm bảo cung cấp nhanh đến tay người tiêu dùng, đáp ứng thói quen tiêu dùng và khẩu vị của người dân vừa có giá cả phải chăng và có độ tin cậy về chất lượng cao hơn một số mặt hàng ngoại. Tư duy người tiêu dùng chuộng hàng trong nước là do có nhiều sản phẩm ngoại có giá cả tương đối cạnh tranh nhưng có thông tin bị làm giả, bị bảo quản quá liều lượng, có độc tố… khiến người tiêu dùng e ngại. Hiện, lợi thế của hàng hóa sản xuất trong nước đã thấy rõ.

Trách nhiệm: Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, không thể chỉ dựa vào kêu gọi lòng yêu nước, khuyến khích người dân tiêu dùng hàng nội, mà người sản xuất phải chiếm được niền tin khi trao sản phẩm đến tay người tiêu dùng (qua hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ), bảo đảm hàng hóa phải có chất lượng, không gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhạy bén: Hiện, nhu cầu tiêu dùng của con người ngày càng đa dạng, phong phú và đòi hỏi cao hơn, theo đó, người sản xuất cũng phải nhạy bén, nắm bắt thị hiếu để kịp thời đáp ứng. Một số mặt hàng của Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường như đồ nhựa, dệt may, da giày, nông - thủy sản. Đồ thủ công mỹ nghệ cũng được ưa chuộng trong nước và quốc tế, đưa doanh số tiêu thụ lên rất cao. Đó là do sự nhạy bén trong kinh doanh, chuyển hướng nhanh, phát huy tiềm năng thế mạnh vùng miền và tay nghề. Người dân hiện có mức sống khác nhau, người sản xuất, phân phối phải căn cứ vào nhu cầu để cung cấp, mặt hàng nào tiêu thụ nhiều, cần sản xuất đại trà; mặt hàng nào kén khách hàng, cần làm  kỹ… từ đó lên kế hoạch sản xuất. Có như vậy mới đảm bảo hàng hóa đáp ứng đầy đủ về số lượng và  chất lượng.

Có phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh giữa người sản xuất và nhà phân phối: Một thực trạng vẫn đang diễn ra, đó là các khâu sản xuất, kinh doanh chưa có quy hoạch và chưa được hướng dẫn bài bản; Ví dụ điển hình trong nông nghiệp, do hợp đồng, hợp tác kinh doanh giữa người sản xuất và người chế biến, phân phối chưa có chế tài nghiêm để đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho người dân, dẫn đến, nhiều vùng, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp phải tự phá hủy thành quả lao động của mình để xoay sang hướng làm ăn khác (ví dụ như chuyển đổi vùng trồng mía, cây ăn quả dưa hấu, mac ca, cây cao su…). Các mặt hàng sản xuất trong nước hầu cả mẫu mã và chất lượng đều chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là hàng công nghệ cao… Một trong các yếu tố khiến sản xuất hàng hóa của Việt Nam chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường là do mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có tư duy làm ăn lớn. Một hình ảnh ví von rất sinh động mà chúng ta phải thừa nhận, đó là người sản xuất, đặc biệt là người nông dân, đang làm ăn theo kiểu: “bịt mắt phi tiêu”, sản xuất mặt hàng theo thói quen, theo truyền thống và theo phong trào.

Phải cơ cấu lại và thay đổi toàn diện, từ tư duy đến phương thức sản xuất, không thể cứ muộn màng, chậm trễ mãi. Sản xuất phải theo phương châm: người tiêu dùng là thượng đế, sản xuất định hướng tiêu dùng nhưng trên hết là phải phục vụ tiêu dùng.

Đến khâu phân phối

Thương mại trong nước tạo ra giá trị trên 15% GDP và thu hút khoảng 5,4 triệu lao động (chiếm khoảng 10% tổng lao động toàn xã hội).

Dù người Việt Nam đang quay lại với hàng Việt, nhưng trước thực trạng thị trường bán lẻ đang bị san sẻ, các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm kinh doanh hiệu quả đang ồ ạt đổ vào, nếu ngành thương nghiệp Việt Nam không có chiến lược dài hơi để cạnh tranh thì hàng nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê, loại hình cửa hàng tự chọn mới chiếm 1,9% và siêu thị mới chỉ chiếm 0,42% số lượng cơ sở bán lẻ. Hệ thống cơ sở bán lẻ trên toàn quốc, nhất là các vùng nông thôn rất lớn. Tuy nhiên chỉ lớn về số lượng còn chất lượng thì vẫn trong tình trạng yếu kém. Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam đã có sự phân hóa rõ rệt. Loại chợ truyền thống đang dần thu hẹp nhường chỗ cho hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp (siêu thị, trung tâm thương mại, hội chợ…). Chúng ta nhận thấy một hiện tượng rõ nét, người nội chợ đã chọn siêu thị là nơi mua bán hơn là chợ cóc, chợ xanh… Lý do đơn giản là siêu thị, trung tâm thương mại, hội chợ đã đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về chủng loại, chất lượng, mẫu mã và giá cả hàng hóa. Hơn ai hết, ngành thương mại Việt phải chớp lấy cơ hội này, tận dụng kinh nghiệm các nước, xây dựng chiến lược cho mình. Cụ thể:

Đa dạng hóa các kênh phân phối

- Xây dựng và củng cố các hệ thống phân phối lớn trên phạm vi cả nước, đồng thời, tổ chức và phát triển mạng lưới phân phối nhỏ của địa phương, của các tập đoàn, tổng công ty ngành hàng.

- Thiết lập và phát triển mối liên kết trong quá trình lưu thông từ sản xuất, xuất nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ thông qua các quan hệ trực tuyến hoặc quan hệ đại lý, mua bán.

- Kết hợp thương mại truyền thống với thương mại hiện đại.

Gắn kết sản xuất và phân phối:

- Khuyến khích các doanh nghiệp lớn kinh doanh các nhóm, mặt hàng có mối liên hệ trực với người sản xuất trong đầu tư, đặt hàng, bao tiêu sản phẩm.

- Tạo mối liên kết ngang trong khâu phân phối để giảm chi phí đầu tư, chi phí lưu thông của doanh nghiệp và giảm chi phí của xã hội nhờ tiết kiệm được thời gian mua sắm

- Tăng cường quảng bá thương hiệu và sản phẩm để tạo ấn tượng cho người tiêu dùng.

Nhà sản xuất Việt yêu người tiêu dùng Việt  - Ảnh 1
Không để hàng ngoại tràn lan trên thị trường như thế này.

Và trên hết là sự hỗ trợ của Nhà nước

Đối với khâu sản xuất

- Tập trung xây dựng một chiến lược cho hàng hóa Việt Nam, hướng tới tạo lập một không gian đầy đủ cho tự do kinh doanh, sản xuất, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển, trên nguyên tắc thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

- Xây dựng chương trình cam kết bình ổn về giá cả, hỗ trợ giá thành sản xuất thông qua hỗ trợ thuế (hiện Nhà nước đã có Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC  hướng dẫn chi tiết các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện bình ổn giá và kê khai giá).

- Hỗ trợ về thuế suất: ngày 27/2/2015 Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC, trong đó, có hướng dẫn nội dung cụ thể quy định nhiều mặt hàng dùng trong sản xuất nông – ngư nghiệp không phải chịu thuế GTGT hoặc chịu mức thuế suất thấp) nhằm hỗ trợ chi phí, giảm giá thành sản xuất.

- Áp dụng chính sách miễn thuế TNDN cho các HTX  khi cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hoá cho các hộ nông dân là xã viên HTX); Không bị đánh thuế VAT các hoạt động giao dịch giữa xã viên HTX và HTX; Không đánh thuế trùng lắp (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân) đối với HTX và xã viên HTX.

- Giảm thuế thu nhập cá nhân cho các đại lý mua hàng nông sản và đại lý bán vật tư sản xuất nông nghiệp.

- Phát triển trung tâm giống cây trồng, các viện nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ… tạo tiền đề phát triển bền vững, đưa Việt Nam đến với sản xuất  công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

- Xây dựng chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu dùng có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Hạn chế thấp nhất sự khập khiễng trong cung và cầu.

Đối với khâu phân phối

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối vì lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Nhanh chóng ban hành Luật Bán lẻ, Luật Chất lượng sản phẩm, hoàn chỉnh quy chế quảng cáo tránh sự bất bình đẳng trong chi phí quảng cáo giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

- Xây dựng quy hoạch tổng thể ngành bán lẻ trên cả nước và từng địa phương.

- Thực hiện quy hoạch xây dựng hạ tầng thương mại (định chế tài chính, tín dụng, chính sách đầu tư, đất đai thích hợp).

- Tổ chức liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối để ổn định nguồn hàng và thị trường tiêu thụ.

- Tiếp tục tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

- Bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng thương mại chủ yếu (kho, trung tâm logistic) vào danh mục được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 29-9-2006 của Chính phủ, đặc biệt, khuyến khích các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mở rộng cơ sở kinh doanh trực thuộc ở địa bàn nông thôn, kể cả đại lý mua hàng nông sản và bán vật tư, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Có giải pháp bảo vệ hệ thống bán lẻ trong nước khi tham gia cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với người tiêu dùng

- Thực hiện nghiêm túc Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện quyền lợi của mình (góp ý, khiếu nại, thưa kiện, yêu cầu bồi thường…). Tại các địa phương trên cả nước đều có bộ phận tiếp công dân thực hiện quyền lợi tiêu dùng của mình.

- Có cơ quan tư vấn,  hỗ trợ tiêu dùng.

- Các cơ quan chức năng (Tổng cục Thuế, Hải quan, Cục quản lý giá Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường, biên phòng…) làm tốt chức năng quản lý đầu vào, giá cả, chất lượng hàng hóa, đảm bảo sức khỏe và tiết giảm cho phí cho người dân.

- Tổ chức câc hội chợ tiêu dùng ở nông thôn, vừa giúp địa phương (nhất là các vùng sâu, vùng xa) tiếp xúc với các mặt hàng sản xuất trong nước, giúp người dân được mua với giá có hỗ trợ bình ổn, đồng thời, các địa phương làm quen với thương mại hiện đại, giúp nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn nói chung, hạ tầng thương mại nói riêng.