Nhận diện các hành vi trốn thuế và đề xuất một số giải pháp

NCS. NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG

Trong cuộc đấu tranh chống gian lận về thuế, nhận diện được các hành vi trốn thuế là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết, có như vậy mới có thể đề ra được những giải pháp hữu hiệu, nâng cao năng lực quản lý của ngành Thuế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhận diện một số hành vi trốn lậu thuế trong thực tiễn, bài viết đề xuất một số định hướng, qua đó góp phần phòng, chống hành vi trốn lậu thuế hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các hành vi trốn lậu thuế đối với hàng hóa nội địa

Thành lập doanh nghiệp “ma”: Doanh nghiệp (DN) “ma” là DN được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng thực tế không sản xuất kinh doanh, chỉ nhằm mục đích đủ điều kiện để được phát hành hoá đơn, từ đó bán hóa đơn cho các đối tượng khác hoặc trung gian lập hoá đơn mua bán khống, lập hồ sơ giả mạo để xin hoàn thuế. Mức độ thiệt hại do những hoá đơn trôi nổi này gây ra rất khó kiểm soát, hoàn toàn phụ thuộc vào số chi phí đầu vào cần hợp thức hoá của DN mua bán hoá đơn.

Tạo các nghiệp vụ không có thực: Các nghiệp vụ không có thực nghĩa là thực tế DN không có phát sinh các nghiệp vụ này nhưng đã tự tạo ra chứng từ, đi mua chứng từ ngoài để hợp pháp hóa. Vì thế, có thể gọi đây là ghi khống. Ghi khống thể hiện qua những chứng từ, bảng kê giả mạo với chữ ký giả, hợp đồng lao động giả mạo, hóa đơn đi mua của cơ sở kinh doanh khác… Với hành vi này, DN không chỉ giảm được thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà còn giảm được cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) thông qua việc khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào.

Ghi nâng giá hàng hóa, dịch vụ mua vào: Các DN sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa, hàng hóa tiêu thụ trong nước khó có thể cạnh tranh và tăng giá tùy tiện so với mặt bằng chung, cho nên DN thường tìm mọi cách để nâng chi phí đầu vào của quá trình sản xuất. Điều chỉnh con số ở thiết bị vật tư, nguyên liệu, định mức tiêu hao vật tư trên một đơn vị sản phẩm, chi phí phân bổ chính là phương thức, “lỗ hổng” giúp DN lách luật và nâng giá thành dễ nhất. Việc chi phí tăng, không những giúp DN giảm được khoản thuế TNDN phải nộp, mà còn giúp DN giảm được thuế GTGT phải nộp, bằng cách tăng thuế GTGT đầu vào khấu trừ.

Ghi giá bán thấp hơn giá thực tế: Đây là hành vi ghi giá bán trên hóa đơn và kê khai doanh thu tính thuế thấp hơn giá khách hàng thực tế thanh toán. Hành vi này thường gặp ở các DN kinh doanh nhà hàng khách sạn, vận tải tư nhân, xăng dầu, kinh doanh vật liệu xây dựng, bán ô tô và xe máy, hàng trang trí nội thất...

Hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định: Mục tiêu chủ yếu của hành vi hạch toán kế toán sai quy định pháp luật là che giấu doanh thu tính thuế, hạch toán tăng chi phí tính thuế TNDN và tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Các kiểu hạch toán sai chế độ kế toán rất đa dạng. Khi bị kiểm tra phát hiện, cán bộ kế toán có thể lấy cớ là hạch toán nhầm để tránh bị phạt vì hành vi trốn thuế. Kế toán có thể hạch toán giảm trừ doanh thu thông qua các hình thức giảm giá, chiết khấu không đúng quy định...

Sổ sách kế toán không phản ánh đầy đủ: Người nộp thuế thường sử dụng đồng thời hai hệ thống sổ sách kế toán là hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế và hệ thống sổ kế toán chỉ phản ánh một phần các giao dịch kinh tế chủ yếu để kê khai thuế.

Các hành vi trốn lậu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

- Buôn lậu: Đây là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới những loại hàng hoá cấm, không khai báo, tránh sự quản lý của hải quan và trốn nghĩa vụ thuế. Hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm...

- Khai sai chủng loại hàng hoá, thiếu số lượng: Lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan cũng như nguồn lực có hạn của cơ quan hải quan, nhiều chủ hàng đã thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không khai báo đầy đủ các mặt hàng hoặc khai sai tên hàng. Người nộp thuế còn trốn lậu thuế bằng cách nhập khẩu hàng hóa là sản phẩm hoàn chỉnh nhưng lại tháo bớt một số bộ phận để trở thành hàng hóa chưa hoàn thiện nhằm hưởng thuế suất thấp của hàng linh kiện.

- Khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu: Lợi dụng việc áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với các hàng hóa có xuất xứ từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau, các chủ hàng hóa cố tình khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu và làm các giấy chứng nhận xuất xứ giả để được hưởng các mức thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt.

- Gian lận trong giá tính thuế: Các hành vi gian lận thường được thực hiện dưới các hình thức sau:

+ Khai báo thấp trị giá đối với những mặt hàng chịu thuế suất cao, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, những mặt hàng hay biến động về giá.

+ Khai báo thấp trị giá của các lô hàng nhập khẩu giống hệt nhau.

+ Khai tăng trị giá tính thuế so với giá trị thực tế của hàng hóa nhập khẩu để tăng vốn đầu tư và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài….

- Giả mạo mục đích xuất khẩu, nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế: Chứng từ thường hay được các chủ hàng giả mạo với mục trốn lậu thuế thường là các chứng từ nộp thuế hoặc các hồ sơ hải quan. Trong đó, các trường hợp phổ biến là trốn lậu thuế qua việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư; gian lận thông qua việc lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất và tạm xuất tái nhập...

- Nâng chi phí đầu vào và ép giá đầu ra: Với nhóm gia công hàng hóa xuất khẩu, vận dụng cả hai hình thức nâng chi phí đầu vào và ép giá đầu ra. Vì nguyên liệu do công ty nhập khẩu vào trong nước có thể được nâng giá, trong khi công ty mẹ ở nước ngoài lại bao tiêu đầu ra, rất khó kiểm soát chi phí gia công ghi trong hợp đồng.

- Tạo giao dịch bán hàng giả mạo: Điển hình cho thủ đoạn này là hành vi xuất khẩu khống nhằm chiếm đoạt tiền qua hoàn thuế GTGT từ ngân sách nhà nước. Xuất khẩu khống chủ yếu diễn ra đối với phương thức xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới. Hành vi này được thực hiện như theo trình tự: Làm thủ tục xuất khẩu sang nước bạn; Sau đó lại đưa hàng hóa quay trở lại Việt Nam nhưng không qua cửa khẩu; Rồi lại làm thủ tục xuất khẩu.

Định hướng hỗ trợ phòng, chống tình trạng trốn lậu thuế hiệu quả

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế. Hoàn thiện các quy định của pháp luật và các chính sách về thuế của Nhà nước, đảm bảo khoa học, chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài; tránh thay đổi quá nhanh và nhiều làm cho các nhà quản lý thuế và người nộp thuế rơi vào tình trạng lúng túng trong thi hành, gây nên sự hoài nghi của các nhà đầu tư, làm phương hại đến lợi ích của người nộp thuế, tăng trưởng kinh tế và lợi ích của quốc gia.

Thứ hai, hoàn thiện phương thức quản lý thu thuế. Thống nhất sử dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào việc quản lý thu thuế, nối mạng internet trên toàn quốc nhằm thực hiện tốt việc kiểm tra đối chiếu hoá đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra. Đồng thời, hoàn thiện quy trình quản lý thu thuế theo hướng đơn giản, khoa học và hiệu quả trên cơ sở kết quả rà soát lại các sơ hở trong công tác hoàn thuế.

Thứ ba, tập trung thanh, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế: Đặc biệt, các DN có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh qua mạng, DN giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; DN nằm trong danh sách “đen” kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu đặc biệt là cà phê…

Thứ tư, tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức đại lý thuế... để mở rộng các hình thức nộp thuế hiện đại, cắt giảm thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp...

Thứ năm, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật giáo dục - hỗ trợ về thuế cho mọi đối tượng. Các thông tin về thuế phải được cập nhật nhanh chóng lên mạng và hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh việc chú trọng đến hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế nhằm tạo một cơ sở pháp lý vững chắc, cũng cần xây dựng nền tảng ý thức xã hội, để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.