“Nhận diện” những thách thức của nền kinh tế trong năm 2014

PV.

(Tài chính) Năm 2014, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì vẫn tiềm ẩn không ít thách thức và khó khăn ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014-2015, Chính phủ xác định: Năm 2014 tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Đây là những định hướng đúng đắn nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2014 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%, Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%, Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%, Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP, Bội chi ngân sách 5,3% GDP...

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng không ít những thách thức đang ở phía trước có thể gây ra những áp lực cho nền kinh tế nước ta trong năm 2014:

Tác động từ kinh tế thế giới. Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, mặc dù kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng khá hơn trong 2014-2015 nhưng với mức tăng thấp, đồng thời vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như vấn đề nợ công ở châu Âu hay suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, theo Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với những thách thức khi các nước mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, khu vực châu Âu, đặc biệt là khu vực Eurozone đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ tương tự như Nhật Bản trong những năm 1980-1998 khi rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm và giảm phát. Kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn, gồm: (i) các nước mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất, trong đó rất nhiều nước đang loay hoay tìm mô hình tăng trưởng; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong năm 2014, (ii) Hiện nay, khu vực châu Âu, đặc biệt là khu vực Eurozone đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ tương tự như Nhật Bản trong những năm 1980-1998 khi rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm và giảm phát (do đồng Euro lên giá và rủi ro giảm phát); và (iii) Chính sách tiền tệ nới lỏng có thể gây ra lạm phát hoặc giảm phát tại một số nước và khu vực.

Lạm phát cao vẫn có nguy cơ trở lại. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng nguy cơ tăng trở lại vẫn còn do chưa thực hiện cải cách tiền lương, chưa thực hiện được một số loại giá (than, điện, y tế, giáo dục..) theo thị trường; tốc độ CPI vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP; biên độ dao động lạm phát giữa các năm rất lớn chứng tỏ tính ổn định chưa cao. Kết quả khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lạm phát năm 2014 theo kỳ vọng của các tổ chức tín dụng sẽ có mức tăng trung bình 6,74%. Đây cũng là mức nằm trong ngưỡng mục tiêu đề ra của Quốc hội (khoảng 7%). Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cảnh báo vẫn nên thận trọng với một số yếu tố gây áp lực lên lạm phát, trong đó, khả năng điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến lạm phát trong năm 2014. Ngoài ra, theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, về lạm phát, mặc dù giá cả lương thực, năng lượng được dự báo sẽ ổn định trong năm 2014, Việt Nam vẫn cần đề phòng các cú sốc từ bên ngoài có thể tác động tới giá cả trong nước, chẳng hạn những biến động hết sức khó lường do tình trạng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, Đông Á. Bên cạnh đó, khi bội chi ngân sách được nới từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP, cộng thêm việc phát hành bổ sung trái phiếu, cơ quan hoạch định chính sách sẽ vấp phải áp lực lớn để cân đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng như tạo ra áp lực lớn cho cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ.

Những tiềm ẩn rủi ro của hệ thống ngân hàng. Năm 2013, Việt Nam đã có những thành tích ấn tượng trong việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng. Trong năm 2014, những nguy cơ rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao và doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém vẫn chưa đáp ứng theo mục tiêu của Đề án tái cơ cấu là tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, củng cố năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại, nâng cao trật tự kỷ cương và nguyên tắc thị trường hóa hoạt động ngân hàng. Việc xử lý nợ xấu mới ở giai đoạn đầu, mặc dù tốc độ tăng nợ xấu có dấu hiệu giảm, tuy nhiên chưa mang tính bền vững và những giải pháp vẫn chưa cho thấy góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng đến sự lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Cân đối ngân sách nhà nước (NSSN) tiếp tục khó khăn. Bộ Tài chính vừa có quyết định công bố công khai số liệu dự toán NSNN năm 2014. Theo đó, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2014 là 782,700 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 539,000 tỷ đồng; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 154,000 tỷ đồng… Năm 2014, tổng chi cân đối NSNN dự toán 1,006,700 tỷ đồng. Bội chi NSNN 224,000 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng công bố cân đối nguồn thu, chi, dự toán ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2014. Theo đó, thu ngân sách Trung ương là 495,189 tỷ đồng. Chi ngân sách Trung ương là 719,189 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương là 499,096 tỷ đồng và Chi ngân sách địa phương 499,096 tỷ đồng… Tuy nhiên, trong năm 2014, việc cân đối NSNN được dự báo vẫn tiếp tục khó khăn do hoạt động của DN vẫn chưa khả quan, khiến nguồn thu có khả năng bị sụt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển (30% GDP).

Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế. Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nhiều năm qua dựa vào 2 nguồn lực chính là khai thác tài nguyên thô và đầu tư công, tuy nhiên 2 “lực đỡ” này hiện đang bị siết chặt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,8%, năm 2015 là 6-6,2% thì Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục dựa vào vốn và tài nguyên. Trong bối cảnh sự tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư (vốn chưa được cải thiện năng suất và hiệu quả), trong thời gian trước mắt, nếu không có các giải pháp đột phá về thể chế thì việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài sẽ rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng sẽ không tăng lên được.

Hoạt động DN vẫn còn khó khăn. Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, trong tháng 11/2013 số DN giải thể và tạm dừng hoạt động lên tới trên 5.000 DN, đẩy tổng số DN phải giải thể, dừng hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2013 lên 54.932 DN, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, có 8.857 DN hoàn thành thủ tục giải thể, 46.075 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, theo nhận định của GS. Nguyễn Mại, 70% DN vẫn khó khăn, 20% thực sự rất khó khăn, chính xác là đang lỗ, lỗ triền miên. Ngoài vấn đề thị trường và đầu ra, DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn về vốn. Hiện ngân hàng có hạ lãi suất nhưng không hạ điều kiện cho vay, thậm chí còn khắt khe hơn vì lo ngại phát sinh nợ xấu khiến DN càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, hàng tồn kho của DN hiện vẫn cao và dự báo vẫn chưa có gì khả quan trong năm 2014. Báo cáo chiến lược tháng 11 của CTCP Chứng khoán Bảo Việt thống kê kết quả kinh doanh quý III/2013 của 692 DN niêm yết cho thấy, hàng tồn kho của ngành vật liệu cơ bản, dầu khí tăng 4,3% và 10,1% so với quý trước, riêng ngành thép tăng 4,7%, nếu so với quý I/2013 thì hàng tồn kho của ngành Thép tăng tới 21,3%...