Nhiều chính sách khuyến khích hoạt động nâng cao năng suất chất lượng
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, góp phần đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.
Mặc dù vậy, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển; đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn; Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất thấp và có khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực.
Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, trong đó có nội dung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, Chính phủ cũng ban hành, phê duyệt các chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Nổi bật trong số đó phải kể đến Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2022 về các nhiệm vụ nâng cao đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030...
Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, TFP dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Có thể thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng, góp phần đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng cũng được triển khai cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tại tất cả các ngành, lĩnh vực.