Doanh nghiệp hưởng lợi nhờ chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng

Linh Nguyễn

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhờ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa mà không ít doanh nghiệp đã tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Công ty TNHH chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba đã chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng.
Công ty TNHH chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba đã chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng.

Đơn cử, Công ty TNHH chè Hoài Trung (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty cho biết: "Thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về năng suất, chất lượng, Công ty đã chú trọng các công đoạn, quy trình sản xuất sản phẩm. Công ty có ba dây chuyền sản xuất khép kín với công suất máy trên 40 tấn chè búp tươi/ngày".

Hiện nay, Công ty đã được cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý ISO 22000, giúp kiểm soát một cách toàn diện các khía cạnh và quá trình liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè. Đây là cơ sở xây dựng niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn của sản phẩm.

Hay như tại Công ty Cổ phần thương mại Lương Sơn (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), thời gian qua doanh nghiệp này đã được tỉnh Phú Thọ hỗ trợ một phần kinh phí để đổi mới công nghệ, giảm tiếng ồn trong sản xuất. Từ đó năng suất chất lượng liên tục được nâng cao.

Đây là hai trong số hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hưởng thành quả nhờ Kế hoạch số 4835/KH-UBND về hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh; tập trung phát triển các ngành kinh tế thế mạnh , các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, chủ lực, ưu tiên, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu.

Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm đưa năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng GRDP của Tỉnh.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cũng cho biết, mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là hỗ trợ 100 - 150 doanh nghiệp, hợp tác xã thông minh, dịch vụ thông minh; góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân của tỉnh trên 7%/năm...

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Chương trình đã tạo động lực, khích lệ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng doanh thu, lợi nhuận, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc triển khai ứng dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, tăng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu.

Các hoạt động ứng dụng đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy xuất khẩu.

Được biết, trước đó, trong giai đoạn 2014-2020, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã triển khai dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kết quả, đã có trên 30 doanh nghiệp, hợp tác xã được hướng dẫn xây dựng, công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã; trên 50 lượt doanh nghiệp được hướng dẫn thực hiện đăng ký, sử dụng mã số mã vạch cho sản phẩm và ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm; 16 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế được đăng ký bảo hộ sở hữu và quản lý phát triển thương hiệu bằng các hình thức nhãn hiệu tập thể; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức để tạo lập 148 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ...