Hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm
Hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021- 2030 và 50% số địa phương đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo Viện Năng suất Việt Nam, tháng 5/2010, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa đến năm 2020” (gọi tắt là Chương trình 712).
Thông qua các dự án nâng cao năng suất tại các địa phương trong giai đoạn 2011 - 2020 đã gây dựng được phong trào năng suất, tạo sự chuyển biến về nhận thức thúc đẩy năng suất tại cộng đồng doanh nghiệp.
Chương trình 712 nhìn chung cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra về số lượng, tuy nhiên chất lượng của kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Theo Báo cáo tổng kết của Chương trình, mục tiêu về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu, các mục tiêu khác cơ bản hoàn thành.
Đến thời điểm hiện nay, hầu hết địa phương đã ban hành Kế hoạch nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021- 2030 và 50% số địa phương đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về hạn chế, báo cáo cũng cho biết tiến độ xây dựng, phê duyệt các dự án ở các ngành và địa phương còn chậm; cách tiếp cận của một số bộ ngành, địa phương rất khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc hợp tác giữa các bộ ngành này; sự tham gia của bản thân doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động nâng cao NSCL còn chưa chủ động, tích cực…
Thực hiện chương trình NSCL sản phẩm hàng hóa (Chương trình 712), các dự án NSCL mới mang tính chất làm điểm, số lượng doanh nghiệp tham gia ít, chưa hình thành phong trào.
Bên cạnh những doanh nghiệp thích ứng nhanh và tích cực tham gia để cải tiến NSCL vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ. Kinh phí ngân sách cho các dự án thường ở mức hạn chế, với những quy định khắt khe và rườm rà về mặt thủ tục...