Nhiều công ty chứng khoán “hồi sinh”

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Quý IV/2013, cùng với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, hoạt động kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cũng “hồi sinh” trở lại. Bằng chứng là có tới 2/3 số CTCK đã báo lãi trong quý IV/2013.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) là cái tên gây bất ngờ nhất trong kỳ báo cáo vừa rồi. Bởi lẽ SBS là công ty đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và trong quá trình tái cấu trúc. Vậy nhưng, CTCK này thực sự đã “hồi sinh” khi công bố lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 công ty mẹ đạt 348 tỷ đồng, nâng lợi nhuận cả năm lên hơn 445 tỷ đồng và trở thành CTCK có lợi nhuận lớn nhất năm 2013. Trong kỳ, doanh thu của SBS chỉ đạt 39 tỷ đồng, trong đó có tới 36 tỷ đến từ hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn. Tuy nhiên, nhờ có khoản thu nhập 368 tỷ đồng từ việc xử lý trái phiếu chuyển đổi nên lợi nhuận của SBS có sự tăng trưởng đột biến. Theo đó, cuối năm 2011, SBS phát hành 800.000 trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu cho Công ty cổ phần Dịch vụ Giá trị mới. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 13%/năm. Tuy nhiên, công ty này không thanh toán tiền mua trái phiếu cho SBS, mà chuyển quyền mua cho Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tháng 3/2012, Sacombank đã thanh toán toàn bộ 800 tỷ đồng cho SBS.

Trong năm 2013, SBS đã hoàn trả cho Sacombank một phần giá trị của trái phiếu chuyển đổi là 300 tỷ đồng và khoản tiền lãi 104 tỷ đồng. Sau đó, SBS ký hợp đồng mua lại 500.000 trái phiếu chuyển đổi SBS với đơn giá là 264.000 đồng/trái phiếu và tổng giá trị chuyển nhượng là 132 tỷ đồng. Bán ra là 500 tỷ đồng, trong khi mua lại chỉ có 132 tỷ đồng, nên SBS có được 368 tỷ đồng ghi nhận vào thu nhập khác. Bên cạnh đó, SBS còn được hoàn nhập 470 tỷ đồng chi phí dự phòng phải thu khó đòi từ khoản mục chi phí quản lý DN đã trích trước đó. Nhờ đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tính chung được hoàn nhập là 42 tỷ đồng trong quý IV/2013.

Cùng với SBS, các CTCK thuộc tốp đầu về thị phần môi giới như Sài Gòn (SSI), TP.HCM (HSC), Kim Long (KLS), FPT (FPTS)… vẫn tiếp tục giữ phong độ với kết quả kinh doanh khả quan. Trong đó, HSC và SSI cùng có lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 đạt trên 100 tỷ đồng, tăng lần lượt 165% và 17% so với quý IV/2012. Trong đó, doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán của HSC và SSI tăng mạnh lần lượt 133% và 119% so với cùng kỳ năm 2012; doanh thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn của HSC cũng tăng gấp 11 lần so với quý IV/2012, tại SSI khoản mục này cũng tăng trưởng 15%. Lũy kế cả năm, HSC lãi ròng 282 tỷ đồng, trong khi SSI thu về gần 372 tỷ đồng.

Tương tự như HSC và SSI, KLS cũng tiếp tục báo lãi 40,7 tỷ đồng trong quý IV/2013, nâng mức lãi ròng cả năm lên 138 tỷ đồng; FPTS thu về 24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2013 và 88,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm 2013.

Đặc biệt, mùa báo cáo tài chính quý IV/2013 cũng ghi nhận nỗ lực lội ngược dòng của nhiều CTCK quy mô nhỏ khi đã chấm dứt chuỗi ngày thua lỗ kéo dài với kết quả kinh doanh là số dương. Tiêu biểu như CTCK Công nghiệp Việt Nam (ISC), sau khi lỗ 717 triệu đồng trong 9 tháng năm 2013, ISC bất ngờ báo lãi 27 tỷ đồng trong quý IV/2013 giúp cả năm thoát lỗ với mức lợi nhuận đạt 26,7 tỷ đồng. Tổng Giám đốc ISC Trần Đức Thuận cho hay, trong quý IV/2013, thị trường tốt, giao dịch của nhà đầu tư tăng giúp doanh thu từ hoạt động môi giới tăng mạnh. Bộ phận tư vấn của công ty đã ký kết được những hợp đồng tư vấn tài chính lớn. Ngoài ra, những hợp đồng ủy thác đầu tư đã đem lại cho công ty khoản doanh thu tăng đột biến.

Cụ thể, doanh thu hoạt động môi giới quý IV/2013 đã tăng 152% so với quý IV/2012, doanh thu hoạt động tư vấn cũng đạt tới 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 110 triệu đồng… Một số CTCK khác cũng may mắn thoát lỗ trong gang tấc nhờ sự khởi sắc trong quý IV/2013 như ISC là CTCK Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long, CTCK Mê Kông, CTCK Quốc Gia, CTCK Woori CBV, CTCK Phú Gia, CTCK Đầu tư Việt Nam, CTCK Việt Thành…

Tuy nhiên, trong bức tranh tươi sáng của lợi nhuận các CTCK quý IV/2013, vẫn còn không ít góc khuất. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến CTCK ACB (ACBS). Quý IV/2013, ACBS bất ngờ báo lỗ 129,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn giảm mạnh tới 95% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế cả năm, ACBS vẫn ghi nhận lãi ròng 90 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại nhiều CTCK, doanh thu từ hoạt động môi giới tiếp tục duy trì ở mức rất thấp. Như CTCK Việt Quốc (VQSC), doanh thu cả năm từ hoạt động môi giới gần như bằng 0, trong khi doanh thu các hoạt động khác cũng chỉ lẹt đẹt vài triệu đồng khiến VQSC lỗ 1,6 tỷ đồng trong năm 2013. Tại các CTCK Hồng Bàng, châu Á, Sen Vàng, Viễn Đông… doanh thu từ môi giới trong năm 2013 cũng đạt chưa tới 1 tỷ đồng. Dù đã nỗ lực giảm thiểu các chi phí, song các công ty này vẫn chưa thể vực dậy kết quả kinh doanh thoát khỏi thua lỗ.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hiện có khoảng 20 CTCK đang thực hiện tái cấu trúc và không còn hoạt động môi giới. Năm 2013, UBCKNN đã đặt 4 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt, 5 công ty vào diện kiểm soát, đình chỉ hoạt động 1 CTCK, tạm ngừng hoạt động 1 CTCK, chấm dứt hoạt động kinh doanh được cấp phép để thực hiện thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động 3 CTCK, rút nghiệp vụ môi giới của 7 CTCK và có 3 CTCK hiện đang làm thủ tục giải thể. Cũng theo UBCKNN, do ảnh hưởng của các đợt suy giảm thị trường trước đây, hoạt động của khối CTCK gặp nhiều khó khăn, những CTCK tốt thì kết quả kinh doanh ngày càng tốt hơn, còn những CTCK trước đây bị lỗ lũy kế thì hiện nay vẫn chưa khắc phục được. Do đó, dự báo trong năm 2014 xu hướng phân hoá giữa các CTCK sẽ tiếp tục diễn ra mạnh.