Nhiều điều kiện sản xuất, nhập khẩu ô tô sẽ được sửa đổi, bãi bỏ
Bộ Công Thương cho biết dự thảo sửa đổi Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (Nghị định 116) đang được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, nhiều điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô được quy định tại Nghị định này sẽ được bãi bỏ, sửa đổi trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cho biết, có 02 định hướng cơ bản trong quá trình xây dựng Nghị định này.
Thứ nhất, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, có thể đề xuất bãi bỏ thêm một số điều kiện trong một số lĩnh vực đồng thời có đề xuất giữ lại điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực.
Thứ hai, theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương, một số điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Tuy nhiên, vì việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số điều kiện kinh doanh sẽ trực tiếp ảnh hưởng lớn đến cấu trúc, nội hàm chính sách và quy trình, phương pháp quản lý nhà nước đang được quy định tại văn bản pháp quy chuyên ngành về lĩnh vực này.
Do vậy, đối với những điều kiện đề xuất bãi bỏ thì bãi bỏ ngay tại Dự thảo Nghị định sửa nhiều Nghị định đang xây dựng và ngược lại các điều kiện kinh doanh có liên quan đến hậu kiểm thì sẽ được quy định tại Nghị định chuyên ngành của ngành, lĩnh vực có liên quan.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 116, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc kiểm tra, đánh giá tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm ô tô nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước ASEAN đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi thuế suất (0%) theo hiệp định ATIGA.
Việc sửa đổi Nghị định 116 được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh thị trường ô tô, hoạt động nhập khẩu ô tô đã đi vào ổn định. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ sớm trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi quy định của Nghị định 116, trong đó ô tô nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại. Cụ thể, thay vì hình thức kiểm tra theo lô như quy định hiện hành, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 116/2017 theo hướng các xe nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Thực tế trong 2 năm qua sau khi nghị định được ban hành, ngành ô tô trong nước đã có bước phát triển nhất định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý nhà nước cũng chặt chẽ hơn, không còn tình trạng lộn xộn trong hoạt động nhập khẩu xe.
Bằng chứng là lượng xe nhập khẩu tăng, các hãng xe đều xác nhận nguồn gốc và kiểu loại, thực hiện nghiêm túc quy định của Nghị định 116. Vì vậy, với năng lực của các trung tâm đăng kiểm hiện nay, việc cải cách trong quản lý, chuyển sang hậu kiểm là phù hợp.