Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán năm 2022
Trong năm 2021, mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ổn định, tạo ấn tượng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và các doanh nghiệp.
Năm 2022 là một năm vô cùng khó khăn, phức tạp cho thế giới và cả Việt Nam. Thị trường chứng khoán bởi vậy cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn năm ngoái, đặc biệt những biến động địa chính trị khó lường trên thế giới.
Ở trong nước, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới quá trình hồi phục của doanh nghiệp và nền kinh tế, giá nguyên vật liệu đầu vào ngày càng tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp tới chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, dòng tiền dần dịch chuyển trở lại khu vực sản xuất kinh doanh, có thể thị trướng chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng, khó đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2021.
Vấn đề địa chính trị, kinh tế thế giới dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các biến động thị trường thế giới. Trước khả năng diễn biến phức tạp của thị trường, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cơ bản sẽ chậm lại.
Theo nhận định IMF, nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại ở mức 4,4% so với 5,9% năm 2021. Dự báo thị trường chứng khoán cũng giảm so với năm 2021, đặc biệt khi các nước cắt giảm các hỗ trợ kinh tế. FED, Ngân hàng Trung ương Anh thắt chặt qua cắt giảm các gói định lượng, tăng lãi suất.
Mặt bằng lãi suất tăng sẽ là lực cản với thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, viễn cảnh tăng lãi suất sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển từ thị trường mới nổi sang thị trường phát triển.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận thấy dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022. Khi Chính phủ mở cửa thì sẽ có tác động tốt lên những nhóm ngành ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh. Mặt bằng lãi suất chưa có những thay đổi mạnh trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn được giữ lại trên thị trường. Đặc biệt sự quan tâm của nhà đầu tư tiếp tục duy trì.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường:
Thứ nhất, tích cực hoàn thiện khung pháp lý, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, qua đó góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các trường hợp cố tình, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển theo hướng minh bạch và bền vững; tăng cường vai trò giám sát tuyến 1 của Sở Giao dịch chứng khoán trong việc phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định các giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán; yêu cầu Công ty chứng khoán tăng cường quản lý các hội nhóm do môi giới lập; xử lý nghiêm công ty chứng khoán hỗ trợ các hoạt động thao túng chứng khoán;
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường; Thứ tư, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam.