Nhiều sai phạm tại các dự án của Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên
Ngày 17/1, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 106/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra về việc thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội. Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm ở 9 dự án.
Tại dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng, quận Long Biên, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc triển khai nạo vét hồ và một số hạng mục phụ trợ theo phương án vừa thiết kế vừa thi công thiếu phê duyệt dự án, tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình trước khi thi công. Giai đoạn 2 của dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư xã hội hoá.
Việc UBND TP. Hà Nội giao cho Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới được sử dụng 5% quỹ đất tương đương với trên 1.148m2 đất công trình dịch vụ và 1.117 m2 đất bãi đỗ xe phù hợp với Nghị quyết số 16/2013 của HĐND về khuyến khích đầu tư công trình công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí được khai thác 5% quỹ đất công trình.
Tuy nhiên khi phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND TP. Hà Nội chưa phê duyệt kinh phí giải phóng mặt bằng làm căn cứ thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án. Đến thời điểm thanh tra dự án mới thực hiện công tác lập, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, chưa triển khai thực hiện dự án.
Đối với dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng - hồ Tư Đình theo hình thức hợp đồng BT, việc UBND TP. Hà Nội chỉ định cho Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới thực hiện dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên, nếu dự án được phê duyệt điều chỉnh giảm quy mô, thì tổng mức đầu tư còn khoảng 400 tỷ đồng.
Số tiền sử dụng đất của dự án đối ứng tạm tính phải nộp bổ sung ngân sách nhà nước khoảng gần 125 tỷ đồng. Việc chậm giải phóng mặt bằng do chậm điều chỉnh dự án đầu tư và xử lý phần giải phóng mặt bằng trùng lắp, dẫn đến tiến độ dự án BT chậm, không có cơ sở xác định khối lượng xây dựng và giá trị của dự án BT, để làm căn cứ xác định giá trị hợp đồng BT.
Liên quan đến Dự án Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở trên diện tích 14,5ha tại Khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, UBND TP. Hà Nội giao Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới thực hiện dự án đối ứng BT được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Thông báo số 88/TB-VPCP ngày 25/3/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc giao Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới thực hiện 2 con đường có diện tích 0,67ha, với mục đích kết nối giao thông trong khu quy hoạch 30,5 ha được duyệt; kinh phí xây dựng công ty thực hiện bằng nguồn vốn tự nguyện đóng góp, sau khi hoàn thành bàn giao cho UBND TP. Hà Nội quản lý sử dụng.
Tuy nhiên, phần thực hiện này chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định; xác định lãi suất để đối trừ tiền sử dụng đất phải nộp khi chưa có khối lượng hợp đồng BT; thời gian thực hiện dự án BT kéo dài, tiếp tục được điều chỉnh là chưa đủ cơ sở.
Cũng theo kết luận, tại dự án ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2, Khu đô thị Đông Nam, đường Trần Duy Hưng, việc lựa chọn nhà đầu tư không thực hiện thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để kêu gọi nhà đầu tư, giao dự án không thông qua đấu giá. UBND TP. Hà Nội không tính lại đơn giá thuê đất phần xây dựng sai quy hoạch làm tăng hệ số sử dụng đất.
Đối với dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, năm 2011, UBND TP. Hà Nội giao Tổng Công ty UDIC làm chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu. Năm 2017, UBND TP. Hà Nội tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xác định phần diện tích đất ở cao tầng là 7,044ha, trong đó có trên 2ha đất đã quy hoạch nhà ở cao tầng khu di dân, đấu giá thực hiện dự án riêng, việc giao lại quỹ đất 20% của dự án để làm dự án đối ứng BT, không xem xét đến mục tiêu, chủ trương của thành phố về phát triển quỹ nhà dành cho tái định cư và phát triển nhà ở xã hội là chưa đúng quy định của Chính phủ.
Tại dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai, giai đoạn 2009-2016, UBND TP. Hà Nội thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Tổng Công ty Sông Đà - đơn vị được giao chủ đầu tư nhưng không đề xuất được dự án để triển khai thực hiện.
Giai đoạn từ năm 2017 đến nay, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phê duyệt đề xuất dự án thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quy mô dự án bổ sung đoạn tuyến Ba La-Chúc Sơn vào dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Chúc Sơn- Xuân Mai với quy mô toàn tuyến Ba La-Xuân Mai và chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BT khi quy mô dự án đã thay đổi là vi phạm.
Liên quan đến dự án Khu nhà ở cao cấp tại khu đô thị Quốc Oai,huyện Quốc Oai, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện dự án được UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) giao không thông qua đấu thầu là vi phạm quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Tại dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa, Công ty cổ phần Đồng Lực tiếp tục ký hợp đồng giao khoán cho Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng thuê lại, thực hiện đầu tư kinh doanh dịch vụ thương mại là không đúng hợp đồng.
Năm 2004, UBND TP. Hà Nội đồng ý đưa 2.000m2 đất vào mục đích sản xuất kinh doanh, năm 2010 chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hà Thủy thuê diện tích 5.644m2 đất tại bán đảo hồ Đống Đa có mục đích kinh doanh là không đúng quy hoạch.
Tại dự án trụ sở làm việc (cơ sở 2) và căn hộ chung cư kết hợp với dịch vụ thương mại tại Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội, dự án chưa quyết toán để xác định tài sản nhà nước và việc phân chia lợi nhuận theo thoả thuận.
Trước các sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể qua các thời kỳ có liên quan đến sai phạm.
Ngày 10/1, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về xử lý sau thanh tra các dự án của Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội với nội dung: Yêu cầu UBND TP. Hà Nội tổ chức xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các dự án theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Trong quá trình xử lý sau thanh tra, tiếp tục kiểm tra, rà soát kỹ cơ sở pháp luật phê duyệt, điều chỉnh, giao thực hiện các dự án và kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm (nếu có) chưa được phát hiện trong quá trình thanh tra.
Chịu trách nhiệm về việc thanh quyết toán các dự án công khai, minh bạch, đúng quy định, bảo đảm không có tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước. Các cá nhân, đơn vị có vi phạm, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 1/4/2020.