Nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt khi muốn mở rộng ra nước ngoài

Huyền Châm

Gần 90% doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản chính như thiếu khách hàng tại các thị trường mới, thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế hay khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

90% doanh nghiệp Việt muốn mở rộng ra nước ngoài

Ngân hàng UOB vừa công bố Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024. Nghiên cứu khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả cho thấy hầu hết doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại.

Theo nghiên cứu, 90% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng triển vọng vào năm 2024 sẽ tích cực với hiệu quả kinh doanh được cải thiện. Gần 90% doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, trong đó ASEAN là thị trường hàng đầu mà các doanh nghiệp nhắm đến để mở rộng kinh doanh trong ba năm tới (tính đến năm 2026).

Khoảng 60% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho biết động lực hàng đầu của họ cho việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là để tăng doanh thu. Các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới là một phương tiện phổ biến để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, với hơn 9/10 doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng kênh này.

Khi nhìn vào các khu vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nhắm tới cho việc đầu tư ra nước ngoài trong 3 năm tới, ASEAN là lựa chọn hàng đầu, với gần 7/10 doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực này. Trung Quốc đại lục là thị trường trọng điểm thứ hai, với 37% doanh nghiệp muốn đầu tư vào quốc gia này. Trong ASEAN, Thái Lan là quốc gia quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Indonesia.

Tuy nhiên, việc mở rộng ra nước ngoài là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam do một số rào cản chính như thiếu khách hàng tại các thị trường mới (41%); thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế (39%); khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác (38%)...

Doanh nghiệp cần chuyển đổi số, phát triển bền vững

Doanh nghiệp muốn tồn tại phát triển tốt, theo ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI TP. Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và hướng đến phát triển bền vững trong hoạt động.

“Đây là hai yếu tố cơ bản sống còn doanh nghiệp phải thay đổi mới tồn tại được. Trong thời đại công nghệ thông tin, thông tin đóng vai trò quan trọng, doanh nghiệp xử lý thông tin để quyết định kịp thời trong kinh doanh. Quyết định chỉ cần đi sau đối thủ cạnh tranh thời gian ngắn thôi có thể đã thua thiệt”, đại diện VCCI nhìn nhận.

Cùng quan điểm, từ một doanh nghiệp địa phương hiện đã phát triển ra quốc tế, bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex Việt Nam - thành viên thuộc Tập đoàn TTC) cho rằng, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số. Với một doanh nghiệp về nông nghiệp, chuyển đổi số để theo kịp một chính phủ số, nền kinh tế số, doanh nghiệp số hội nhập quốc tế.

“Betrimex có trách nhiệm, mục tiêu làm sao đem nhiều tiện lợi nhất cho người nông dân tại nền kinh tế Việt Nam, không chỉ với cây dừa, cây mía. Nhà nhà tiếp cận thiết bị, chuyển đổi 5 - 10 năm qua. Khi mọi người có thói quen tham gia chuyển đổi, cùng với dịch chuyển 100% ngôn ngữ tiếng Anh qua tiếng Việt, là điều kiện làm cho nền công nông nghiệp hiện đại tới gần nền nông nghiệp truyền thống”, bà My chia sẻ.

Cụ thể, lãnh đạo Betrimex cho biết, Công ty phát triển một ứng dụng để làm việc, trao đổi với người nông dân, đồng hành, giám sát, dự báo trong quá trình phát triển cây trồng. Tại nhà máy, ứng dụng cũng giúp công ty cũng ghi nhận toàn bộ quá trình sản xuất.

“Đối tác giao thương được chia sẻ minh bạch báo cáo thông tin đầy đủ về hoạt động, qua đó thể hiện doanh nghiệp muốn gì và đối tác muốn như thế nào. Quá trình chuyển đổi số từ nông nghiệp truyền thống thành nông nghiệp tiên tiến hiện đại là những bước cơ bản tạo năng lực cạnh tranh, nếu không có sẽ khó dẫn dắt, đi đầu. Với sự đồng hành của địa phương, đơn vị tài trợ tài chính, tạo điều kiện cho Betrimex tham gia cuộc chơi với thế giới tích cực, chủ động, chuyên nghiệp”, Chủ tịch Betrimex cho biết.

Nói về phát triển bền vững, ông Lim Dyi Chang - Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng các hoạt động bền vững như một cách để nâng cao uy tín thương hiệu, thu hút nhà đầu tư và tạo lợi thế cạnh tranh, hợp tác dễ dàng hơn với các tập đoàn đa quốc gia - cũng đang ngày càng chú trọng thiết lập các mục tiêu phát triển bền vững.

“Các biện pháp tài chính như ưu đãi thuế và các lựa chọn tài chính bền vững là chìa khóa thúc đẩy áp dụng rộng rãi hơn các hoạt động bền vững. Doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ việc tiếp cận nguồn vốn vay hoặc tiền trợ cấp dễ dàng hơn”, chuyên gia UOB chia sẻ.