Nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế
Theo thống kê từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến hết tháng 8/2022 đã có khoảng 153 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động (tăng 32% so cùng kỳ năm 2021), với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 3,6 triệu tỷ đồng (tăng 36,1% so cùng kỳ năm 2021).
Đáng chú ý, có tới hơn 51 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 26% so cùng kỳ năm 2021), cao nhất trong vòng 6 năm qua. Số doanh nghiệp quay lại thị trường tăng mạnh cùng nguồn vốn bổ sung vào nền kinh tế tăng cao không chỉ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nền kinh tế mà còn phản ánh quy mô đầu tư, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang có những triển vọng tích cực.
Theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê, 85% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng kinh doanh trong quý III sẽ bằng hoặc tốt hơn hiện nay, cao hơn so mức 78% được khảo sát vào quý trước đó. Đáng chú ý, dù trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) 8 tháng qua vẫn đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ 2021. Đây là số vốn FDI cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Trong một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), có 45% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam được khảo sát cho biết hài lòng và rất hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI; 76% kỳ vọng sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III năm nay. Mới đây, Tổ chức đánh giá tín dụng Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 với triển vọng ổn định. Hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng mức tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Những kết quả trên đã cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng được củng cố với sự đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế trước những nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong giữ ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng đang dần được nâng cao với chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết, nửa đầu năm 2022, đã có hơn 640 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Đến nay có 8 bộ, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định.
Điều đó đã cho thấy tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn còn rất lớn, với dư địa cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều, nhưng đang bị cản trở. Do đó, cần rà soát, tháo gỡ các “nút thắt” về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bởi chỉ có môi trường kinh doanh thuận lợi, sự nhất quán trong chính sách phục hồi kinh tế mới tạo ra được động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Đây cũng được xem là giải pháp phi tài chính, có tính bền vững để giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng có đà để phục hồi và phát triển trong những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.