Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 7 tháng tăng 10,2%

PV.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm được đánh giá là điểm sáng với con số ước đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất trong 5 năm qua.

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng thu hút FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Để tiếp tục duy trì tăng trưởng thu hút FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2022. Theo đó, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022 đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 927 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 5,72 tỷ USD, giảm 7,9% về số dự án và giảm 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký điều chỉnh có 579 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.072 lượt với tổng giá trị góp vốn 2,58 tỷ USD, tăng 25,7% so cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ những năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,37 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,06 tỷ USD, chiếm 15,9%; các ngành còn lại đạt 1,53 tỷ USD, chiếm 11,8%.

Có thể thấy, mặc dù số vốn đăng ký mới chưa hoàn toàn phục hồi sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 nhưng vốn điều chỉnh và vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần lại đang có xu hướng tăng lên. Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, vốn đầu tư tăng cao cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 7 tháng năm 2022 vẫn giữ đà tăng với mức tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 1,3 điểm phần trăm so với 6 tháng.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu trong top các ngành thu hút FDI với số vốn đạt 8,87 tỷ USD, chiếm 76,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.004,8 triệu USD, chiếm 8,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 912,9 triệu USD, chiếm 7,9%.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam thu hút nhiều dự án FDI lớn không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho người lao động mà còn góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, qua đó, vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới ngày càng được nâng lên.

Thông tin về đối tác đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2022, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết đã có 78 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án được cấp phép mới và Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 23,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore với 1,22 tỷ USD, chiếm 21,3%; Trung Quốc 651,4 triệu USD, chiếm 11,4%; Hàn Quốc 567,8 triệu USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản 534,8 triệu USD, chiếm 9,3%...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tiếp tục duy trì tăng trưởng thu hút FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.