Nhiều yếu tố “kìm” lãi suất cho vay giảm
Giới phân tích đánh giá việc giảm lãi suất cho vay trong năm nay là hết sức khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó mấu chốt vẫn là chưa thể giảm lãi suất huy động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) dự báo lãi suất huy động và cho vay VND năm 2018 khá ổn định so với năm 2017, với biên độ dao động khoảng 0,2 điểm phần trăm.
Mục tiêu giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi cho nền kinh tế, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ khá hơn, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cao hơn.
Khả năng giảm là rất khó
Tuy nhiên, giảm bằng cách nào là câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra tại hội thảo về nhận định thị trường giá cả trong năm 2018.
PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng không phải cứ ép giảm 0,5 – 1 điểm phần trăm là giảm được, bởi lãi suất ảnh hưởng rất nhiều đến giá cả các mặt hàng, lạm phát.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực phân tích khả năng giảm lãi suất là rất khó vì có 4 nguyên nhân: Lãi suất đầu vào khó giảm; Nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42; Chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2 – 2,4% (Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8 – 3%); Chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao. “Như vậy, lãi suất giảm tiếp thì rất khó”, ông Lực nói.
Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, năm 2018, tỷ giá USD trên thế giới có nhiều biến động. Không chỉ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến điều chỉnh 3 lần tăng lãi suất, mà nhiều quốc gia đã đang và tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ trái chiều nhau, nhiều nước thực hiện thắt chặt tiền tệ, một số nước lại nới lỏng tiền tệ.
Trong khi đó, thị trường tài chính Việt Nam từng bước hội nhập sâu và rộng vào thị trường thế giới, sự biến động của tỷ giá USD sẽ tác động tới chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá và cung tiền trên thị trường.
Chưa kể, hiện nay, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
Hệ số NIM của hệ thống ngân hàng tuy có xu hướng tăng trở lại (ở mức từ 2,74% năm 2014 lên mức khoảng 3% năm 2017), nhưng vẫn thấp so với các nước như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%).
Mấu chốt là lãi suất huy động
Đưa ra giải pháp giúp giảm lãi suất cho vay, theo hầu hết các chuyên gia, việc giảm lãi suất huy động là nền tảng căn bản, bởi chỉ khi giảm lãi suất huy động mới có thể giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, bà Mùi cho rằng giảm lãi suất huy động hiện nay là sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng bởi ngành ngân hàng đang phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản…
Năm 2017 có sự chuyển dịch cơ cấu vốn cho nền kinh tế tích cực, nếu như vốn tín dụng cung ứng cho nền kinh tế năm 2016 là 80%, thì năm 2017 đã giảm xuống 65 – 66%. Trong đó, vốn từ thị trường chứng khoán chiếm trên 35%.
“Để giảm lãi suất huy động không phải dễ, nếu giảm khi các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn thì người dân sẽ rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vào các kênh sinh lời cao hơn”, bà Mùi phân tích.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính – ngân hàng: “Nếu giảm được lãi suất tiền gửi thì sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng. Dân sẽ vác tiền đi mua vàng, USD. Nợ xấu là một phần, còn do chi phí quá cao cho bộ máy là nguyên nhân làm lãi suất ngân hàng cao. Nhìn vào chi phí vốn của ngân hàng sẽ thấy điều này”.
Trong khi đó, tại Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng, công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo nửa cuối năm, lãi suất huy động có thể tăng do áp lực từ việc nâng lãi suất thêm 3 – 4 lần của FED, từ đó gây áp lực cho lãi suất VND.
Đồng thời, nửa cuối năm cũng thường là thời gian các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, với tỷ lệ dư nợ/vốn huy động (LDR) của hệ thống đang ở mức khá cao là 86,75%, nhiều ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lại biên độ lãi suất để thích ứng với thị trường.