Nhiều yếu tố tác động kéo giảm thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm
Theo Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách nhà nước sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm kết hợp với thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã tác động làm giảm số thu ngân sách.
Nhiều yếu tố tác động làm giảm thu nội địa
Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 7/2023 ước đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% dự toán, bằng 91,1% mức thu bình quân 6 tháng đầu năm. Lũy kế 7 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 016,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022.
Trong tổng số thu trên, thu nội địa tháng 7/2023 ước đạt 114,3 nghìn tỷ đồng, bằng 8,6% dự toán, bằng 94,5% mức thu bình quân 6 tháng. Trong tháng 7, các doanh nghiệp đã kê khai, nộp ngân sách các khoản thu phát sinh quý II/2023 theo quy định như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh...
Tuy nhiên, do kinh tế tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm; thị trường bất động sản chậm phục hồi; thị trường xuất khẩu khó khăn, cắt giảm đơn hàng; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, rút lui khỏi thị trường tăng cao; kết hợp với thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mới ban hành làm giảm thu ngân sách.
Tính chung 7 tháng đầu năm, thu nội địa ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2022. Đến hết tháng 7, có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 60%), 03 khoản thu không đạt tiến độ dự toán gồm: thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 31,4% dự toán, giảm 38,3% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 56,4% dự toán, giảm 10,9% so cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 39,9% dự toán, giảm 53,7% so cùng kỳ.
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 7 tháng đạt trên 60% dự toán; 08/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 55 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 15/7/2023, cơ quan thuế đã thực hiện 29,7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 307 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 32,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 24,7 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết tháng 7 đạt khoảng 25,6 nghìn tỷ đồng.
Thu từ xuất nhập khẩu giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022
Cũng theo Bộ Tài chính, trong tháng 7/2023, thu từ dầu thô ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng, bằng 11,4% dự toán; ước thu 7 tháng đạt khoảng 36 nghìn tỷ đồng, bằng 85,7% dự toán, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, số thu tháng 7/2023 ước đạt 14,7 nghìn tỷ đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 140 nghìn tỷ đồng, bằng 58,6% dự toán, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Số thu ngân sách giảm mạnh do hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng giảm so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến ngày 15/7/2023 đạt 343,6 tỷ USD, giảm 14,9%; trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 21,2% so cùng kỳ.
Các mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh, tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này, như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô... giảm 27% so với cùng kỳ; xăng dầu các loại giảm 17%...
Cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 7 khoảng 109 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát các nguồn thu, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách; đẩy mạnh công tác hoàn thuế giá trị gia tăng trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật; đôn đốc, xử lý cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế theo quy định.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến ngày 15/7/2023, cơ quan hải quan đã thực hiện 982 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào ngân sách nhà nước 395,5 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 9,82 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa 4,17 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào ngân sách nhà nước 331 tỷ đồng.