Phấn đấu nợ thuế có khả năng thu đến hết năm 2023 không quá 5% tổng thu ngân sách

Thùy Linh

Từ nay đến cuối năm 2023, ngành Thuế sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế, phấn đấu tổng số nợ thuế có khả năng thu đến ngày 31/12/2023 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách nhà nước.

Công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan thuế các cấp quan tâm, chú trọng triển khai.
Công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan thuế các cấp quan tâm, chú trọng triển khai.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan thuế các cấp quan tâm, chú trọng triển khai.

Theo đó, cơ quan thuế các cấp tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách về thuế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.

Ngành Thuế cũng tiếp tục hoàn thiện, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong áp dụng quản lý công tác quản nợ và cưỡng chế nợ thuế như triển khai ứng dụng khai thác các báo cáo nợ theo ngày trong toàn Ngành; thiết kế, sửa đổi và nâng cấp các mẫu báo cáo giám sát công tác quản lý nợ và công nghệ thông tin.

Ngành Thuế cũng thực hiện xây dựng công cụ cảnh báo đối với từng địa phương nợ tăng, có các khoản nợ tăng bất thường để phát hiện, rà soát, xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ sai, nợ ảo.

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác quản lý nợ thuế, 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 21.408 tỷ đồng. Một số Cục thuế làm tốt công tác thu hồi nợ thuế như: Lâm Đồng, Điện Biên, Hải Phòng, Gia Lai, Quảng Bình...

Tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý ước tính đến ngày 30/6/2023 là 151.976 tỷ đồng. Số nợ thuế này tăng 1,3% so với thời điểm ngày 31/5/2023 và tăng 2,8% so với thời điểm ngày 31/12/2022.

Theo Tổng cục Thuế, nguyên nhân số nợ thuế tăng so với thời điểm 31/12/2022 là một phần do hậu quả của đại dịch COVID–19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư.

Ngoài ra, một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP nên vẫn theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên.

Số tiền thuế nợ khó thu tại thời điểm 30/6/2023 tăng so với thời điểm 31/5/2023 do đánh giá thêm số tiền thuế nợ của người nộp thuế đã bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn liên tiếp từ 3 lần trở lên mà không thu hồi được nợ thuế từ nhóm nợ có khả năng thu sang nhóm nợ khó thu.

Đáng chú ý, về xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ từ ngày 1/7/2020 đến cuối tháng 6/2023 ước đạt 37.059 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tiến độ thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, hàng tháng đôn đốc và điều chỉnh chỉ tiêu thu nợ cho các đơn vị quản lý trên địa bàn kịp thời; đôn đốc người nộp thuế thực hiện nộp đầy đủ các khoản thuế phát sinh còn phải nộp sau quyết toán vào ngân sách nhà nước đúng quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện phân loại các khoản nợ thuế chính xác và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài.

Toàn ngành Thuế sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, phấn đấu tổng số nợ thuế có khả năng thu đến thời điểm ngày 31/12/2023 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách nhà nước.