Đơn vị sự nghiệp công giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2024
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 51/2023/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026. Trong đó, năm 2024, các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách.
Theo đó, dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn ngân sách nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với việc triển khai Kết luận số 28-KL/TW và Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị; trong đó, xác định cụ thể các tác động tăng hoặc giảm quỹ lương và chi hoạt động bộ máy năm 2024 so với năm 2023; đảm bảo triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm tài sản công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu.
Về dự toán chi hoạt động năm 2024 nguồn ngân sách nhà nước của các đơn vị sự nghiệp công lập, thì xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC; trong đó, không xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dịch vụ sự nghiệp công đã hoàn thành lộ trình giá, phí từ năm 2023 trở về trước hoặc dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2023, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2023 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Bên cạnh đó, Thông tư số 51/2023/TT-BTC cũng hướng dẫn dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ, các nhiệm vụ đặc thù phát sinh không thường xuyên khác. Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc lập, tổng hợp dự toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
Trong đó, lưu ý đối với các nhiệm vụ sửa chữa tài sản cố định không thường xuyên được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nhiệm vụ mua sắm trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường năng lực; nhiệm vụ thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (phát triển công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu; các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ quốc gia dùng chung; an toàn, an ninh mạng,...), các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chi tiết về hồ sơ trình phê duyệt, quyết định phê duyệt, tổng kinh phí thực hiện, thời gian thực hiện, tiến độ thực hiện đến nay (nếu có); tính chất nguồn vốn và đề xuất việc xử lý thực hiện gửi các cơ quan tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.