Kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản:
Nhìn lại tiềm năng to lớn về hợp tác và đầu tư
(Tài chính) Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, “Năm Hữu nghị Việt – Nhật 2013”, Hội thảo xúc tiến vốn đầu tư Nhật Bản – cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt vừa được tổ chức đã phần nào giúp các doanh nghiệp nắm bắt được những tiềm năng và nhu cầu mà phía doanh nghiệp Nhật tìm đến Việt Nam.
Trong năm 2012, quan hệ thương mại Việt – Nhật đạt được những con số đáng mừng, cán cân thương mại 2 nước khá cân bằng, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đạt 13 tỉ USD/ năm và nhập khẩu 12 tỉ USD. Các mặt hàng được phía nước bạn ưu ái là dầu thô, dệt may, phụ tùng ô tô, hàng nông lâm sản.
Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư và cung cấp ODA lớn nhất, một trong ba đối tác thương mại lớn nhất. Với tổng số vốn đăng ký lên đến 27 tỷ USD. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013 các doanh nghiệp Việt đã đầu tư vào Việt Nam 4 tỷ USD và xu hướng này vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới, điều này phụ thuộc rất nhiều về phía chính sách và sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp FDI đóng góp 55% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 07/2013, Nhật Bản có 2.014 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 32,784 tỷ USD, tập trung tại các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Tổng vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt khoảng 24 tỷ USD, đóng góp 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam. Nhiều tập đoàn và công ty Nhật Bản đã và đang kinh doanh thành công ở Việt Nam như Sumitomo, Mitsubishi, Canon, Panasonic... Điều đó chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng trở thành một bộ phận gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Việt Nam
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết hơn 60% doanh nghiệp Nhật dang kinh doanh tại Việt Nam làm ăn có lãi và đã lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong 1 – 2 năm tới, 34% doanh nghiệp tin rằng trong những tháng cuối năm 2013 sẽ có nhiều khởi sắc hơn. Đây là cơ hội để phía Việt Nam đón đầu xu hướng các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ mở rộng đầu tư mà lôi kéo các nhà đầu tư mới vào.
Ông Hưng cho biết thêm, hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật được ký kết năm 2008 (có giá trị trong 10 năm). Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, nắm bắt để được hưởng những lợi ích khi hiệp định vẫn còn hiệu lực.
Theo đó, Nhật Bản cam tự do hóa 93,54% kim ngạch thương mại (cao hơn so với một số nước ky hiệp định xong phương với Nhật như Thái Lan, Philippines là 90%), Nhật Bản cũng cam kết cắt giảm thếu suất bình quân từ 6,51% (năm 2008) xuống 0,4% (năm 2019), trong đó có mặt hàng dệt may được hưởng ưu đãi ngay với thuế suất 0% và một số mặt hàng khác cũng được hưởng thuế suất 0% như tôm, cua, ghẹ…, các sản phẩm da giày cũng được hưởng thuế suất 0% trong vòng 5 – 10 năm; mặt hàng nông lâm sản cũng được giảm xuống 4,7% và thủy sản xuống 1,3% năm 2019; ngoài ra Nhật Bản cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng mật ong lên đến 150 tấn/ năm, đây là mức cam kết cao nhất mà phía Nhật đưa ra đối với sản phẩm này.
Như vậy, dự kiến đến năm 2019 sẽ có thêm hơn 3.000 mặt hàng được xóa bỏ thuế quan cho phía doanh nghiệp Việt, nâng tổng số mặt hàng được xóa bỏ thuế lên con số hơn 6.000. Chiếm 67% số dòng thuế của biểu cam kết.
Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp Việt, ông Hưng cũng bày tỏ quan điểm, ngoài việc thay dổi chính sách, cải thiện môi trường đầu tư từ phía Chính phủ Việt Nam, muốn thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng quy mô sản xuất, đón đầu các xu hướng đầu tư từ các nước ASEAN sang Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt thông tin, tự đưa ra những chính sách ưu đãi hợp lý dành cho đối tác của mình. Theo đó, cần phát huy những ngành công nghiệp mà phía Nhật ưu tiên đầu tư như chế biến, sản xuất, đây là lĩnh vực mà Việt Nam có thể mạnh về lực lượng nhân công và trình độ kỹ thuật.
Bên cạnh đó, một trong những hạn chế mà các doanh nghiệp Việt cần khắc phục đó là chi phí nhân công của Việt Nam vẫn đang cao hơn khu vực Asean (18,3% so với 16,8%), và tỉ lệ nội địa hóa công nghiệp phụ trợ còn quá thấp. Vấn đề này không chỉ bây giờ mới được nhắc tới, mà đã được đề cập khoảng từ 20 năm nay. Đây lại là một trong những điều kiện cần để các doanh nghiệp của Nhật Bản có thể phát triển tốt tại Việt Nam.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải nhập nguyên, phụ kiện từ một nước khác không phải Việt Nam nên chưa chủ động được nguyên liệu và giá thành. Nếu khắc phục được những tồn tại trên, thấy có lợi, ắt các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản sẽ tự muốn đầu tư vào Việt Nam, không chỉ có vậy, các nhà đầu tư lớn của nước ngoài cũng tự tìm đến đầu tư.