Nhìn lại việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015

PV.

Ngày 13/4/2016, tại Hà Nội, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với đại diện Chính phủ, các bộ, ngành về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đến tháng 3/2016, cả nước đã có 1.761 xã đạt chuẩn NTM
Đến tháng 3/2016, cả nước đã có 1.761 xã đạt chuẩn NTM

5 năm, huy động khoảng 851.380 tỉ đồng

Trình bày báo cáo của Chính phủ về thực hiện Chương trình nêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước. Trong 5 năm, cả nước huy động được khoảng 851.380 tỉ đồng đầu tư cho Chương trình. Riêng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình 98.664 tỉ đồng.

Đến tháng 3/2016, cả nước đã có 1.761 xã đạt chuẩn NTM, chiếm khoảng 20% tổng số xã trên cả nước. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, điều kiện sống cả vật chất, tinh thần của số lượng lớn dân cư được nâng cao rõ rệt. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2013-2015, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,83%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,41%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trên 1 tỉ USD…
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, xây dựng NTM không có nghĩa là xóa hết những nếp nhà sàn ở miền núi, xóa hết những kiểu nhà truyền thống ở các vùng nông thôn và thay bằng những kiểu nhà ống, nhà phân lô. Đồng thời, Chính phủ cần làm rõ giải pháp để đẩy mạnh xây dựng NTM ở vùng đặc thù, dân tộc miền núi khó khăn.

Đặc biệt, ông Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhận định: Hiện có tình trạng một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích trong xây dựng NTM. Một số nơi huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán. Thống kê của Chính phủ cho thấy, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố khoảng 8.600 tỉ đồng. Do đó, cần phải làm rõ tỉ lệ nguồn vốn xã hội hóa trong quá trình thực hiện xây dựng NTM là bao nhiêu, hiệu quả của nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa thời gian qua như thế nào.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, triển khai xây dựng NTM cần tập trung vào các giải pháp khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đồng thời gỡ nút thắt, tạo thuận lợi cho DN tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp.

Đồng thời, cũng cần khuyến khích nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, tùy tiện sang mô hình sản xuất hàng hóa; bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững…
Để tiếp tục thực hiện xây dựng NTM trong thời gian tới, Chính phủ dự kiến tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các mô hình điển hình từ thực tiễn. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các vùng khó khăn để giảm sự chênh lệch giữa các vùng, miền thông qua các chính sách đặc thù.
Chính phủ cũng xác định sẽ đẩy mạnh các giải pháp phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Đặc biệt, giai đoạn tới, Chính phủ sẽ tập trung khắc phục các biểu hiện chạy theo thành tích ở một số địa phương; tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Các địa phương phải bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của Chính phủ để thực hiện Chương trình, trong đó có ưu tiên cho các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo đúng quy định tại Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội.