Những cách vay tiền ngân hàng lúc cấp bách
Khi cần gấp một khoản tiền trong thời gian ngắn, ít ai nghĩ đến việc "gõ cửa" ngân hàng vì lo ngại thủ tục, tài sản thế chấp, nhưng thật ra vẫn có một số phương thức giúp bạn tiếp cận nhanh nhà băng.
Cầm cố sổ tiết kiệm
Chị Thu Lan, quận 6, TP HCM cho biết có sổ tiết kiệm 500 triệu đồng gửi kỳ hạn 3 tháng (1/8-1/11), lãi suất 0,42% mỗi tháng (khoảng 5% một năm), lĩnh lãi cuối kỳ, nếu rút trước hạn thì hưởng lãi suất không kỳ hạn 1% mỗi năm tức 0,083% mỗi tháng. Tuy nhiên, ngày 20/10, chị Lan cần gấp 100 triệu đồng trong vòng 7 ngày để chi trả việc đột xuất. Thế là chị quyết định đến ngân hàng xin cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất chỉ 7,4% một năm, tức 0,62% mỗi tháng.
Câu chuyện của chị Lan là cách làm khá phổ biến được nhiều người sử dụng để giải quyết nhu cầu cần tiền cấp bách trong lúc sổ tiết kiệm chưa đến hạn và không muốn bị tính lãi không kỳ hạn nếu rút trước. Đây cũng là phương thức cho vay được nhiều ngân hàng ưa chuộng và sẵn sàng áp mức vay hấp dẫn, lên tới 90% trị giá sổ tiết kiệm hiện thời để giúp khách hàng xoay vòng vốn linh hoạt và hiệu quả.
Một chuyên gia tính toán, trong trường hợp của chị Lan, nếu tất toán sổ tiết kiệm vào ngày 20/10 thì chưa đến hạn nên bị áp mức lãi không kỳ hạn 0,083% mỗi tháng. Theo đó, số tiền chị thực nhận trong 2 tháng 19 ngày là 1.092.000 đồng. Trong khi đó, nếu chị Lan chờ đến ngày 1/11 để tất toán đúng hạn thì số tiền lãi chị nhận được 6.300.000 đồng. Như vậy, chị sẽ bị lỗ 5.208.000 đồng.
Còn chị đi cầm cố sổ tiết kiệm thì chỉ phải trả lãi cho ngân hàng số tiền không đáng kể, chỉ tầm 145.000 đồng (100.000.000*0,62%/30*7). "Như vậy khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm thì chi phí bỏ ra thấp hơn nhiều so với tất toán sổ tiết kiệm trước hạn", vị chuyên gia nói.
Vay tiền từ thẻ tín dụng
Thu Phương, nhân viên văn phòng của một công ty may tại khu công nghiệp Tân Bình cho biết, do công ty cô trả lương vào ngày 15 hàng tháng, trong khi tiền thuê nhà thì phải thanh toán đầu tháng. Do vậy, có những tháng do chi tiêu quá tay nên bị hụt tiền. "Nếu chờ tới lúc lãnh lương thì không kịp nên tôi thường phải dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt để giải quyết tiền nhà hay một số tình huống ngặt nghèo khác dù phải chịu lãi suất khá cao", Phương chia sẻ.
Hiện nay, phương thức vay qua thẻ tín dụng, thông thường khách hàng được rút tiền mặt không vượt quá 50% hạn mức tín dụng của thẻ được cấp. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những kênh có thể giúp đỡ một số người "chống đỡ" với lúc kẹt tiền đột xuất.
Tuy nhiên, do thẻ tín dụng chủ yếu là nhằm mục đích thanh toán mua hàng tại các điểm chấp nhận thẻ và người sử dụng miễn lãi tối đa 45 ngày với điều kiện chậm nhất vào ngày đến hạn thanh toán. Do vậy, giao dịch tiền mặt có tính rủi ro cao và các ngân hàng cũng không khuyến khích khách hàng dùng thẻ tín dụng cho nhu cầu tiền mặt nên thường áp dụng chính sách phí rút tiền khá cao. Các giao dịch ứng tiền mặt cũng sẽ bị tính lãi ngay kể từ thời điểm thực hiện giao dịch.
Nhưng cách thức này chỉ sử dụng khi cần nguồn tiền gấp và với số lượng nhỏ. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên hạn chế tối đa việc vay tiền mặt qua thẻ tín dụng vì lãi suất thường bị tính khá cao, gấp mấy lần so với vay thông thường.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất đang giảm dần, nhưng lãi vay qua thẻ tín dụng vẫn đang được các nhà băng áp mức cao. Thông thường, với thẻ tín dụng chuẩn của một số ngân hàng lãi suất lên tới 31,2% mỗi năm, mỗi tháng chủ thẻ phải chịu lãi suất 2,5%.
"Nếu chỉ vay tạm một vài tháng thì mức lãi suất này có thể chịu đựng được, nhưng có những chủ thẻ không đủ tiền trả nợ gốc - lãi ngân hàng, tháng trước chồng lên tháng sau, lãi mẹ đẻ lãi con... số tiền phải trả cũng sẽ rất lớn", một chuyên gia bình luận.
Thấu chi tài khoản qua lương
Vay tiền luôn là một trong những giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề tài chính trong mua sắm, sinh hoạt, đầu tư… trong lúc cấp bách, nhưng vay theo cách nào và làm thế nào để vay được tiền khi không có tài sản thế chấp lại là cả một vấn đề. Và theo đó, thấu chi tài khoản qua lương thường được xem là "phao cứu sinh" trong những lúc ngặt nghèo của không ít người đi làm công ăn lương. Nó thuộc về vay tín chấp, tức là vay tiền mà không cần phải thế chấp tài sản, thay vào đó người vay chỉ cần có một công việc ổn định với mức lương tùy theo từng ngân hàng quy định và được chi trả qua chính ngân hàng cho vay.
Lan, công nhân may tại một công ty thuộc khu công nghiệp Tân tạo tâm sự, với mức lương 3 triệu đồng mỗi tháng, để xoay sở đủ chi tiêu tại thành phố đã là một khó khăn nên hàng tháng cũng không còn dư dả nhiều. Do đó, nhiều lúc bản thân hoặc gia đình bị ốm đau, gặp sự cố thì cô thường nhờ phương thức thấu chi qua lương.
"Khi đó, tôi sẽ được ngân hàng chi vượt quá số tiền có trên tài khoản thanh toán (thường ngân hàng cho chi vượt tối đa 8-12 tháng lương) để mà xoay xở", cô chia sẻ.
Nhìn nhận vấn đề này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, đây cũng là một phương thức cho vay cần thiết với nhiều người, nhất là giới đi làm công ăn lương có nhu cầu cần ứng trước lương để chi tiêu hoặc mua sắm dù lãi suất có cao hơn cách vay thông thường đôi chút (khoảng 2-3%). Nhưng cách thức này chỉ phù hợp với nhu cầu cần nguồn vốn nhỏ vài triệu đến vài chục triệu đồng và trong thời gian vay ngắn không quá một năm.