Những gam màu sáng tối trong bức tranh tín nhiệm các ngân hàng

Tuấn Thủy

Năng lực tín nhiệm của các ngân hàng quốc doanh và quy mô lớn có nhiều cải thiện, nhưng vẫn ở mức yếu đối với các ngân hàng quy mô nhỏ.

Năng lực tín nhiệm của các ngân hàng quy mô nhỏ như ABBank, Saigonbank... đang ở mức yếu.
Năng lực tín nhiệm của các ngân hàng quy mô nhỏ như ABBank, Saigonbank... đang ở mức yếu.

“Độ vênh” lớn giữa các ngân hàng

Theo Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), các ngân hàng kết thúc năm 2024 với kết quả khả quan, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng lớn. Sự phục hồi của các khoản vay mua nhà với lợi tức cao và tỷ lệ hình thành nợ xấu chậm lại trong quý IV/2024 đã thúc đẩy lợi nhuận và cải thiện chất lượng tài sản cho các ngân hàng này.

Trái lại, năng lực tín nhiệm của một số ngân hàng nhỏ vẫn ở mức yếu, do nợ xấu cao và chi phí tín dụng tăng từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cùng với áp lực biên lợi nhuận và vấn đề thanh khoản giữa bối cảnh cạnh tranh huy động tiền gửi gia tăng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng – Chuyên viên phân tích, VIS Rating, rủi ro tài sản của ngành Ngân hàng đã ổn định trong năm 2024, khi tỷ lệ hình thành nợ xấu phát sinh mới giảm đối với một số ngân hàng quốc doanh và ngân hàng lớn. Tỷ lệ nợ xấu của Ngành giảm nhẹ 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,25% trong năm 2024. Một số ngân hàng lớn đã chủ động thắt chặt việc cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng mới (ví dụ: VPBank) và có tỷ lệ nợ xấu các khoản vay mua nhà thấp hơn trong nửa cuối năm 2024 (ví dụ: Techcombank).

Với các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới của CTG đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2024, trong khi BIDV và Vietcombank đã giảm nợ xấu thông qua việc đẩy mạnh xóa nợ.

Ngược lại, chất lượng tài sản của các ngân hàng nhỏ tập trung vào khách hàng cá nhân và SMEs (ví dụ: Saigonbank, ABBank) bị suy giảm, chủ yếu do nợ xấu từ các khoản vay mua nhà.

“Trong năm 2025, chúng tôi kỳ vọng điều kiện kinh doanh tích cực hơn sẽ thúc đẩy việc giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu trong Ngành”, ông Nguyễn Mạnh Tùng cho biết.

Còn nhiều thách thức

Dự báo, trong năm 2025 ngành Ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ có thể đối diện với không ít thách thức về tỷ giá, lãi suất điều hành, thanh khoản và nợ xấu.

Theo giới chuyên gia, áp lực trong điều hành chính sách tiền tệ có thể khiến Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành để ổn định tỷ giá.

Ngày 18/12/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp, đưa lãi suất xuống phạm vi 4,25-4,5%. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây liên quan đến chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump cho thấy triển vọng về lộ trình hạ lãi suất trong năm 2025 trở nên không chắc chắn, với khả năng chỉ có khoảng 2 lần giảm lãi suất như phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Việc Fed duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng với tốc độ giảm lãi suất chậm hơn có thể gây ra một môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ ở mức khiêm tốn, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ và EU, trong khi các thị trường mới nổi có thể đối mặt với áp lực từ sự thắt chặt dòng vốn quốc tế. Dòng vốn FDI có thể chịu tác động từ những thay đổi trong chính sách lãi suất toàn cầu và tình hình địa chính trị.

Bên cạnh đó, áp lực thanh khoản sẽ ngày càng lớn khi khi các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Trên thực tế, sự thiếu hụt về thanh khoản đã phản ánh khi mức độ chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động của hệ thống ngân hàng mở rộng trong năm 2024. Thu hẹp chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động là bài toán hóc búa trong bối cảnh muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát hoặc ổn định tỷ giá, áp lực chi phí huy động vốn của ngân hàng sẽ tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Hệ quả là biên lợi nhuận (NIM) có thể tiếp tục bị thu hẹp do chi phí vốn tăng nhanh hơn tốc độ tăng lãi suất cho vay.

Một thách thức “dai dẳng” của Ngành chính là áp lực nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ. Nợ xấu có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng trong ngắn hạn và tạo thêm thách thức trong việc duy trì các tỷ lệ an toàn và bộ đệm cần thiết cho tăng trưởng bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các tổ chức tín dụng phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực, công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.