Tạo hành lang pháp lý về hải quan với hàng xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử

Trần Huyền

Tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử đòi hỏi cơ chế chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước cũng phải thay đổi phù hợp, đặc biệt là thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, cần có quy định riêng về quản lý hải quan với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nhằm quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện cho hoạt động này phát triển.

Cần có quy định riêng về quản lý hải quan với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Cần có quy định riêng về quản lý hải quan với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay trên thế giới. Do đó, nhiều quốc gia đã có những cơ chế, chính sách nhằm quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Điển hình như Indonesia quy định không giao dịch hàng hóa thương mại trên mạng xã hội. Người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử phải có giấy phép hoạt động thương mại điện tử riêng, tương ứng với mã phân loại doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp hoạt động buôn bán xuyên biên giới trên sàn thương mại điện tử, quy định sản phẩm xuất xứ nước ngoài bán trực tiếp vào Indonesia phải có mức giá tối thiểu tương đương 100 USD/sản phẩm, chưa bao gồm cước phí vận chuyển. Bộ Thương mại xác định danh sách hàng hóa được phép bán trực tiếp từ nước ngoài vào Indonesia thông qua nền tảng thương mại điện tử và xác định mức giá tối thiểu đối với các hàng hóa này. Những hàng hóa có giá dưới mức giá tối thiểu phải được Bộ trưởng Bộ Thương mại cấp phép.

EU và Anh thì yêu cầu các chủ thể nước ngoài bán hàng qua thương mại điện tử phải đăng ký và nộp thuế giá trị gia tăng. Đức yêu cầu các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với nước này thiết lập kênh thông tin chia sẻ dữ liệu về thuế thương mại điện tử.

Tại Thái Lan, Chính phủ nước này yêu cầu Cục Thuế và Cục Hải quan tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng xuất hiện tràn lan các sản phẩm hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc gây tổn hại cho doanh nghiệp Thái Lan như: thu 7% thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có giá dưới 1.500 Baht (tương đương 1.100.000 đồng Việt Nam); kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động khai báo hải quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhất là hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hay ở Trung Quốc, người bán phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng để bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Tại 3 thành phố biên giới giáp biên Việt Nam của Trung Quốc là Hà Khẩu, Bằng Tường, Đông Hưng, nhiều kho hàng khổng lồ đã và đang được Trung Quốc xây dựng. Các kho hàng này có chức năng thu gom hàng hóa trong nước và phân phối ở nước ngoài. Đây là khu vực được tích hợp kho bãi, thông quan tại chỗ, không cần thông qua các cửa khẩu.

Theo đó, việc mua hàng Trung Quốc qua các sàn thương mại điện tử rất thuận tiện và nhanh chóng (thời gian từ đặt hàng đến giao nhận hàng trong vòng 8 giờ). Chính phủ Trung Quốc và các địa phương giáp biên đưa ra nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, mỗi vận đơn xuất đi đều được hỗ trợ chi phí, thậm chí miễn cước vận chuyển chuyển hàng về Việt Nam.

Trung Quốc đã tối ưu hóa quy trình thông quan đối với hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, cải thiện các biện pháp quản lý, kiểm tra và kiểm dịch, tuy nhiên lại quy định chặt chẽ việc cho phép một số hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc qua thương mại điện tử như phải thuộc Danh sách hàng hóa được nhập khẩu bán lẻ tại Trung Quốc thông qua thương mại điện tử; chỉ cho phép bán hàng hóa tới người tiêu dùng cuối cùng chứ không được mua đi bán lại.

Cần có hành lang pháp lý riêng

Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ Công Thương, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Số này cao hơn so với dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company đưa ra tại báo cáo "e-Economy SEA 2024". Như vậy, trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD). Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Với tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử đòi hỏi cơ chế chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước cũng phải thay đổi phù hợp với phát triển hoạt động của thương mại điện tử đặc biệt là thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được thực hiện như đối với hàng hóa thông thường.

Với sự thay đổi mạnh mẽ của thương mại điện tử trong thời gian vừa qua,
đồng thời với sự thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, thuế, quản lý thuế, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến rộng rãi Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Dự thảo đã quy định cụ thể phạm vi, đối tượng áp dụng, người khai hải quan, quản lý rủi ro, nguyên tắc quản lý hải quan, nội hàm một số từ ngữ. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất phạm vi điều chỉnh là thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; Kiểm tra, quản lý chuyên ngành, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (bao gồm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh); Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Theo cơ quan soạn thảo, ngoài các đối tượng áp dụng như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường, tại dự thảo Nghị định có quy định thêm các đối tượng là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng ví dụ như sàn thương mại điện tử Amazon ở Mỹ, sàn thương mại điện tử Alibaba ở Trung Quốc, website thương mại điện tử bán hàng Ebay... Quy định này tương đồng với quy định tại Luật Quản lý thuế về người nộp thuế và phù hợp với đối tượng áp dụng tại Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra những quy định cụ thể về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử như kiểm tra, quản lý chuyên ngành, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Bộ Tài chính cũng đề xuất trường hợp miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn giấy phép, miễn điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Có thể thấy, việc xây dựng dự thảo Nghị định nêu trên cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm tạo hành lang pháp lý riêng, đầy đủ, rõ ràng, minh bạch về chính sách quản lý, thủ tục hải quan trong lĩnh vực này. Qua đó, tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử; đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính; góp phần phát triển thương mại điện tử.