Những quyết sách tài chính hỗ trợ nền kinh tế
(Tài chính) Ngay từ giữa năm 2012, vào thời điểm đang tích cực triển khai Nghị quyết 13/NQ - CP của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã dự báo bối cảnh kinh tế năm 2013 sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính sách tài khoá. Một tổ công tác đặc biệt, bao gồm nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính có uy tín trong và ngoài Ngành, do đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo đã được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tài chính tổng thể, hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2013.
Những ngày này, bản Nghị quyết 02/NQ - CP được Chính phủ ban hành ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu trong năm 2013 đang được các bộ, ngành, tích cực triển khai nhằm nhanh chóng áp dụng trong thực tiễn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN), nền kinh tế và đông đảo người dân… Bộ Tài chính đã đi đầu trong việc Ban hành Kế hoạch hành động, triển khai hai Nghị quyết quan trọng 01 và 02 của Chính phủ. Những nội dung giãn, hoãn, giảm thuế theo Nghị quyết 02/NQ - CP đang được các đơn vị trực thuộc Bộ tích cực hoàn thiện nhằm trình lên các cấp có thẩm quyền để đưa vào áp dụng trong thời gian sớm nhất…
Sở dĩ Bộ Tài chính là ngành đi đầu và rất chủ động trong Ban hành Kế hoạch hành động triển khai hai Nghị quyết quan trọng của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 02/NQ - CP bởi hầu hết các nội dung về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế trong năm 2013 đều được Chính phủ chấp thuận và căn cứ vào 21 nhóm giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân mà ngành Tài chính đã chủ động đề xuất trước đó.…
Cho đến bây giờ, không ít chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra bất ngờ với 21 nhóm giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế mà ngành Tài chính đã đề xuất với Chính phủ vào ngày 20/12/2012. Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì bất ngờ đầu tiên là quy mô của 21 nhóm giải pháp tài chính rất đồng bộ, chi tiết, có tính bao quát cao, đã nhằm đúng và trúng những nhóm đối tượng cần hỗ trợ, “tiếp sức” trong nền kinh tế. Hầu hết các “điểm nóng”, những “nút thắt” nan giải của nền kinh tế đều được 21 nhóm giải pháp tài chính tham gia giải quyết ở những cấp độ khác nhau… Bất ngờ hơn bởi thời điểm công bố rất sớm, so với nhóm giải pháp tài chính hỗ trợ DN và thị trường năm 2012, được Chính phủ lấy làm nòng cốt của Nghị quyết 13/NQ - CP. Điều này thể hiện sự chủ động rất cao của ngành Tài chính, không chỉ dự báo được tình hình mà còn kịp thời tìm ra các giải pháp ứng phó hiệu quả, chủ động tìm hướng đột phá để đem lại lợi ích nhanh nhất, tốt nhất cho DN và nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay...
GS.,TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định cá nhân ông đặc biệt đánh giá cao 21 nhóm giải pháp tài chính gỡ khó cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng mà ngành Tài chính đề xuất cho năm 2013. Ông tin tưởng khi các giải pháp này lần lượt được Quốc hội, Chính phủ phê chuẩn triển khai trong năm 2013 sẽ tác động trực tiếp đời sống của mỗi DN, các thị trường và nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản, các DN kinh doanh bất động sản và người dân. Điều đó sẽ góp phần giải quyết được vấn đề mà các diễn đàn đã bàn bạc khá nhiều trong suốt một năm qua là khơi thông dòng vốn, giải quyết hàng tồn kho, “phá băng” cho thị trường bất động sản…
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, sau khi có các giải pháp hỗ trợ hữu ích về thuế cho cộng đồng DNNVV năm 2013 với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13/NQ - CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, ngành Tài chính lại đã đề xuất 21 nhóm giải pháp tài chính gỡ khó cho nền kinh tế năm 2013. Đây là điểm tựa cần thiết cho cộng đồng DNNVV và nếu các DNNVV biết tận dụng tối đa lợi thế từ sự hỗ trợ này, chắc chắn sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất…
Cần phải nhắc lại thời điểm trước khi 21 nhóm giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế ra đời. Đó là những ngày cuối cùng của năm 2012 với bề bộn âu lo từ phía cộng đồng DN và nhà đầu tư trước thềm năm mới. Trải qua một năm đương đầu với khó khăn của suy giảm kinh tế, những “nút thắt” như nợ xấu và hàng tồn kho vẫn chưa có “lời giải” hữu hiệu. Viễn cảnh năm 2013 lúc đó mở ra đầy màu sắc bi quan bởi nhiều cơ quan vẫn đang loay hoay với những đề xuất, kiến nghị riêng lẻ, chưa tìm được lời giải khả dĩ cho những bài toán nói trên... Đã có không ít các cuộc toạ đàm, các diễn đàn với nhiều ý kiến phát biểu nhưng chưa tìm được giải pháp gỡ khó hữu hiệu, thậm chí một số ý kiến, quan điểm còn mâu thuẫn, thiếu sự đồng thuận dễ làm dư luận thêm lo lắng, hoang mang…
Đúng lúc đó, sự kiện Bộ Tài chính công bố 21 nhóm giải pháp tài chính hỗ trợ DN và nền kinh tế trong năm 2013 đã tạo sức lan toả lớn về một chương trình hành động quy mô và tầm vóc của Ngành, một quan điểm nhất quán trong điều hành chính sách tài khoá mà ngành Tài chính đã thực hiện rất thành công trong năm 2012, đó là muốn tăng thu, trước hết phải giảm thu. Ngành tài chính đã triển khai tích cực thực hiện các chính sách về miễn, giảm, giãn thuế cho DN, đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm phấn đấu giảm 10 - 15% chi phí tuân thủ tục hành chính thuế, hải quan cho cá nhân, tổ chức và DN…Việc triển khai hỗ trợ hiệu quả DN và nền kinh tế chính là “khoan sức dân”, là “nuôi dưỡng nguồn thu” lâu dài, ổn định. Điều đặc biệt là 21 nhóm giải pháp tài chính nói trên đã góp phần tạo dựng niềm tin cho DN, người dân và cả nền kinh tế đúng vào thời điểm quan trọng và nhạy cảm: chuẩn bị bước vào một mùa xuân mới ...
Minh chứng rõ nhất cho niềm tin của DN và nền kinh tế về những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ nói chung và ngành Tài chính nói riêng là sự “bùng nổ” của thị trường chứng khoán - vốn rất nhạy cảm với những thông tin kinh tế tích cực. Nếu như ngày 20/12/2012, chỉ số VN - Index mới ở mốc 399 điểm thì 5 tuần sau đó, tại phiên giao dịch ngày 28/01/2013, VN - Index đã đạt 479 điểm, tăng 20%. Đây có thể xem là một kỷ lục về sự phục hồi của thị trường chứng khoán…Nhiều khu vực kinh tế, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động đã bày tỏ sự lực quan, phấn khởi về những “phương thuốc” hỗ trợ từ phía Nhà nước. Đây được coi là là điểm tựa vượt để DN và nhà đầu tư lấy lại niềm tin kinh doanh, niềm tin thị trường cũng như và động lực để nỗ lực vươn lên…
Trở lại với sự ra đời của 21 nhóm giải pháp tài chính hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2013, các cơ quan tham mưu và chuyên gia kinh tế - tài chính thuộc ngành Tài chính đều không hề bất ngờ. Bởi ngay từ giữa năm 2012, vào thời điểm đang đang triển khai Nghị quyết 13/NQ - CP của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã dự báo bối cảnh kinh tế năm 2013 sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính sách tài khoá. Một tổ công tác đặc biệt, bao gồm nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính có uy tín trong và ngoài Ngành, do đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ chỉ đạo, đã được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tài chính tổng thể hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2013. Tổ công tác này đã làm việc rất tích cực, khẩn trương và ngay khi năm 2012 sắp kết thúc cũng là giai đoạn các đề án chính sách được thảo luận, lấy ý kiến chín muồi…Bởi vậy, vào những ngày cuối năm 2012, khi DN và nền kinh tế đang chờ đợi một điểm tựa từ chính sách hỗ trợ, tiếp sức của Nhà nước, 21 nhóm giải pháp tài chính đã lập tức được công bố, đáp ứng kỳ vọng trên…
Qua sự kiện nói trên cho thấy tầm nhìn xa, những dự báo và đón bắt chuẩn xác xu thế vận động của nền kinh tế xuất phát từ Lãnh đạo Bộ Tài chính và trước hết là Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Không chỉ dự báo chính xác mà khả năng định hướng và hoạch định chính sách sâu sát, thực tiễn và đồng bộ là những giá trị nổi bật, rất đáng khâm phục của người đứng đầu ngành Tài chính Việt Nam. Đây là cơ sở để tin tưởng rằng, ngành Tài chính trong năm 2013 sẽ tiếp tục ghi dấu ấn thêm một “thắng lợi kép” lớn hơn, cùng lúc hoàn thành hai trọng trách to lớn: hỗ trợ hiệu quả DN và nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước, đảm bảo vững chắc các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào quỹ đạo tăng tưởng ổn định, bền vững.