Những sai lầm về tiền bạc bạn nên tránh
(Taichinh) - Những sai lầm nhỏ trong chi tiêu của bạn đôi khi rất dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu những sai lầm về tiền bạc cứ lặp lại nhiều lần sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngân sách của bạn.
Sai lầm 1:
Tiêu tiền không suy nghĩ
Như nhiều phụ nữ khác, bạn có thể là nạn nhân của hiện tượng mà các chuyên gia gọi là “sự mơ hồ tài chính”. Điều đó có nghĩa là bạn hầu như không biết những đồng tiền của mình đã được tiêu vào các khoản nào.
“Kiểm soát chặt chẽ tiền bạc chưa chắc giúp bạn giàu lên nhanh chóng, nhưng nó khiến bạn chủ động hơn trong cuộc sống. Bạn sẽ mua được những thứ mình cần ở một thời điểm định sẵn nhờ vào việc tính toán rõ ràng các khoản chi tiêu”, Joan Sotkin, tác giả cuốn Xây dựng ngân sách: 9 cách xử lý tiền bạc, cho biết.
Giải pháp tài chính
Đặt ra mục tiêu cụ thể: Nếu không có mục tiêu cụ thể trong chi tiêu, cũng giống như bạn đang tham gia một cuộc đua mà không biết đâu là đích đến. “Hầu hết phụ nữ đều biết họ cần giảm bao nhiêu cân để có dáng đẹp, nhưng họ lại không biết rằng mình cần phải có bao nhiêu tiền để sống”, Tiến sỹ Lois P. Frankel, tác giả cuốn Nice Girls Don’t Get Rich, nhận định.
Để giải quyết chuyện này, bạn hãy bắt đầu bằng cách viết ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn có thể là mua ti-vi, tủ lạnh, các thiết bị trong nhà, đi du lịch... Hãy tính những thứ bạn cần chi, sau đó lên kế hoạch tiết kiệm hàng tháng. Tốt nhất, bạn nên mở một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao trong ngân hàng để tiền tiết kiệm của mình tự sinh sôi nảy nở.
Ngăn tiền rò rỉ: Một người phụ nữ trung bình tốn khoảng 1 triệu đồng/tuần cho những "chi phí bí ẩn". Gọi là bí ẩn vì họ không thể giải thích được số tiền đó biến đi đâu. Đó là hậu quả của việc chi tiêu tùy hứng và không chịu ghi chép lại.
Nếu bạn ngại ghi chép, hãy mở máy tính xách tay lên. Theo anh Nguyễn Khắc Quang, biên tập viên mục tài chính của một tạp chí kinh tế, những trang web như vmoney.vn có thể giúp bạn theo dõi tất cả chi phí dù ở bất cứ đâu. Các biểu đồ của nó sẽ giúp bạn dễ hình dung mình đã tiêu bao nhiêu tiền vào khoản nào.
Không chỉ sử dụng một mình, trang web này còn cho phép bạn cùng một người nào có quan hệ tài chính với bạn, ví dụ như chồng, có thể cùng chia sẻ và cập nhật thông tin.
Sai lầm 2:
Chưa vội tiết kiệm
Dù cho nền kinh tế đang xuống hay đang lên, những ai có ý thức tiết kiệm và đầu tư ngay từ sớm sẽ luôn có tiềm lực tài chính vững chắc hơn. Một người mở tài khoản tiết kiệm từ năm 20 tuổi có thể để dành được số tiền gấp đôi so với một người đợi đến tuổi 30 mới bắt đầu tính đến chuyện này.
Giải pháp tài chính
Đầu tư ngay bây giờ: "Thờ ơ khi thị trường đi xuống chỉ làm bạn phải chịu mua hàng với giá mắc hơn về sau này", Liz Pulliam Weston, nhà báo chuyên về lĩnh vực tài chính của MSN Money, tác giả cuốn Quản lý tiền bạc dễ dàng để đạt được mục tiêu (Easy Money: How to Simplify Your Finances and Get What You Want Out of Life), nói: "Có một cách đơn giản để đầu tư: Hãy mở một tài khoản nghỉ hưu cá nhân trong ngân hàng. Làm như vậy, khi nghỉ hưu, bạn không chỉ có được số tiền để dành mà số tiền đó còn tự sinh lãi thêm".
Lập quỹ khẩn cấp:Những ngày cuối năm này, nếu bị mất việc, bạn có thể "ăn không ngồi rỗi" suốt vài tháng trời, vì thế các chuyên gia khuyến cáo bạn phải có tiền tiết kiệm đủ tiêu trong vòng 9 tháng, ông Joseph A. Leonard, Giám đốc điều hành Coastal Investment Advisors, Mỹ, cho biết. Nếu bạn thấy số tiền tiết kiệm không đủ để sống 1 năm, hãy bắt đầu từ ngay bây giờ. Thậm chí mỗi tháng, bạn chỉ cần chuyển 1 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm cũng có thể giúp tình hình an toàn hơn.